Trung Quốc biên chế 3 Lữ J-16 nhái Su-30MK2

Thời gian tới PLAAF có thể cử J-16, phiên bản nhái lại Su-30MK2 hộ tống máy bay ném bom chiến lược H-6K bay tập ở biển Đông.

Hình ảnh trong một cuộc diễu binh của quân đội Trung Quốc trước khi tập luyện tại căn cứ Cangzhou ở tỉnh Hà Bắc mới đây cho thấy, có ít nhất hai lữ đoàn không quân đang trong quá trình huấn luyện chuyển đổi sang J-16.

Như vậy tổng cộng sẽ có đến ba đơn vị như vậy sử dụng các máy bay chiến đấu J-16 trong biên chế của Không quân Trung Quốc (PLAAF) .

Các đơn vị này có thể là Lữ đoàn số 172 và 176 của Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo bay của PLAAF. Đơn vị được giao nhiệm vụ “phát triển kỹ thuật bay, chiến thuật chiến đấu và chương trình đào tạo bay và thiết bị mới", theo Andreas Rupprecht, tác giả một số sách về Không quân Trung Quốc.

Trung Quốc biên chế 3 Lữ J-16 nhái Su-30MK2 ảnh 1
Hình ảnh buổi diễu binh tại căn cứ Cangzhou ở tỉnh Hà Bắc.

Số hiệu máy bay cho biết đơn vị thứ ba được biên J-16 là Lữ đoàn 98 đóng tại Trùng Khánh ở phía tây nam của Trung Quốc. Cũng có những thông tin cho rằng Lữ đoàn 7 ở Vu Hồ, tỉnh An Huy, đang sử dụng những chiếc J-16, tuy nhiên thông tin này hiện nay vẫn không thể xác minh được.

Một số lượng nhỏ J-16 đã được Lữ đoàn số 176 thử nghiệm vào năm 2015 để đánh giá. Tuy nhiên nhiều nguồn tin cho biết, việc đưa loại máy bay này vào biên chế của PLAAF đã bị trì hoãn do phải tinh chỉnh thiết kế của ra-đa do Viện 607 của Trung Quốc phát triển.

Thẩm Dương J-16 là phiên bản Trung Quốc phát triển của máy bay chiến đấu đa năng Su-30 Flanker-C của Nga. Không giống như J-11B, chiếc tiêm kích dựa trên Sukhoi Su-27, J-16 được thiết kế cho cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất bằng ra-đa AESA của nó .

Giống như J-11B, J-16 được trang bị động cơ turbofan WS-10 Taihang của Trung Quốc. Tuy nhiên, J-16 có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, có hệ thống dò tìm bằng hồng ngoại, đôi bánh mũi có khả năng cất cánh cao hơn và không có ống pitot trên mũi nón.

Ưu thế lớn nhất của J-16 so với chiến đấu cơ khác như J-10 chẳng hạn là thân máy bay lớn, nhờ đó mà tải trọng và tầm bay của nó cũng tăng theo.

Trước đây, khi huấn luyện tại biển Đông và biển Hoa Đông, máy bay ném bom H-6K của không quân Trung Quốc thường được Su-30MKK hộ tống. Vì vậy, đây cũng sẽ là một nhiệm vụ quan trọng mà các Lữ đoàn J-16 mới có thể sẽ liên tục thực hiện trong thời gian tới.

Một phiên bản tấn công điện tử, dự kiến được chỉ định J-16D, đang được phát triển, với ít nhất một nguyên mẫu được cho là đã thực hiện một số chuyến bay thử nghiệm.

Nhu cầu của Không quân Trung Quốc đối với J-16 rất lớn, trong tương lai ít nhất phải có khoảng 300 chiếc để thay thế các chiến đấu cơ cũ như Su-30, J-11, JH-7. Dự kiến Trung Quốc sẽ duy trì tốc độ trang bị ít nhất 1 Lữ đoàn mỗi năm.

Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc cũng đang có ý định trang bị J-16 hoặc J-20 để thay thế cho các máy bay J-8II và JH-7.

Như vậy, Trung Quốc đang tăng tốc "nhái" dòng chiến đấu cơ Su-30MKK của Nga, cũng như trước đây họ đã phát triển J-11 được nhái từ Su-27 của Nga. Có thể nhận định rằng, cứ mua máy bay nào của Nga là Trung Quốc lại cho ra đời 1 phiên bản giống ý hệt, điều này cũng có thể sẽ đến với chiến đấu cơ S-35.

Năm 2015, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua vẻn vẹn 24 chiếc Su-35S của Nga (đủ trang bị cho 1 trung đoàn) và rất có thể nước này chỉ mua với số lượng nhỏ là nhằm mục đích để học hỏi công nghệ, sau đó cho ra đời dòng chiến đấu cơ J-XX nào đó.

Điều này đã được các chuyên gia quân sự Nga cảnh báo, nhưng trong điều kiện đang nằm trong vòng bao vây, trừng phạt của Mỹ và châu Âu, Moscow đành phải bán Su-35 cho Trung Quốc để xây dựng mối quan hệ, đổi lấy những hợp đồng kinh tế lớn.

Tin mới