Trung Quốc công bố hình ảnh tên lửa đạn đạo DF-26, phát thông điệp tới Mỹ

(Baonghean.vn) - Trung Quốc đã công bố hình ảnh tên lửa đạn đạo Đông Phong-26 (DF-26) thế hệ tiếp theo chứng tỏ sự ổn định và độ chính xác gia tăng, động thái mà theo giới phân tích là nhằm mục đích phát đi thông điệp về sức mạnh quân sự tới Mỹ.
Tên lửa đạn đạo Đông Phong-26 (DF-26) thế hệ tiếp theo. Ảnh: AP
 Tên lửa đạn đạo Đông Phong-26 (DF-26) thế hệ tiếp theo. Ảnh: AP
Hình ảnh tên lửa được công bố lần đầu tiên trong bản tin phát sóng trên truyền hình quốc gia CCTV, giữa lúc đối đầu quân sự gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Giới phân tích quân sự nhận định, hệ thống điều khiển đường bay bốn hướng giống hình vây cá được bố trí đối xứng xung quanh mũi tên lửa DF-26 giúp tăng khả năng cơ động và điều chỉnh quỹ đạo bay để đánh trúng mục tiêu đang di chuyển, ví dụ như một tàu sân bay Mỹ.

Tên lửa đạn đạo tầm trung cũng được biết tới là "sát thủ Guam" bởi tầm bắn 3.000 km đến gần 6.000 km, đặt đảo Guam của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương trong phạm vi tấn công.

Tên lửa DF-26 cũng được sử dụng trong các cuộc tấn công hạt nhân, thông thường và chống hạm, điều này có nghĩa Trung Quốc có thể sử dụng tên lửa để tấn công các tàu sân bay và căn cứ hải quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Adam Ni, một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại trường Đại học Macquarie ở thành phố Sydney (Australia) cho rằng cuộc tập trận mới nhất do Lực lượng Tên lửa thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thực hiện đã "phát đi thông điệp rõ ràng tới Mỹ về năng lực tên lửa gia tăng của Trung Quốc, và đặt các tài sản chiến lược của Mỹ vào tầm nguy hiểm, như tàu sân bay và các căn cứ".

Chuyên gia này nhận xét: "Đây là nỗ lực nhằm củng cố quan điểm PLA có khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ và gây ra thiệt hại không thể chấp nhận được đối với các lực lượng Mỹ. Nếu quan hệ song phương xấu đi, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều cuộc tập trận nữa".

Trong khi đó, ông James Floyd Downes, giảng viên tại trường Đại học Trung Hoa Hong Kong, cho rằng việc công bố hình ảnh của cuộc tập trận tên lửa là hành động mang tính chính trị có tính toán từ trước.

Còn ông Zhang Baohui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong, cho rằng cuộc tập trận tên lửa là hành động răn đe giữa lúc căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Chuyên gia này nói: "Trung Quốc liên tục tuyên bố tên lửa có thể đánh trúng các mục tiêu đang di chuyển như tàu. Trong khi khả năng nổ ra cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn rất thấp, song Bắc Kinh vẫn lo ngại về những thay đổi gần đây trong sự đối đầu của mối quan hệ Trung-Mỹ. Việc công bố hình ảnh tên lửa DF-26 có thể đồng nghĩa với việc tăng cường năng lực răn đe của Trung Quốc"./.

Tin mới