Trung Quốc đứng đầu về nhập gạo từ Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 10, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 368.000 tấn gạo, trị giá 164 triệu USD.

Luỹ kế, khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng ước đạt 4,2 triệu tấn với 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đạt 449 USD/tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo. 

 » Hàng hóa Nghệ An xuất khẩu đến 65 nước/khu vực trên thế giới

Xuất khẩu gạo. Hình internet
Xuất khẩu gạo. Hình internet

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu khẩu gạo của Việt Nam, với 35,4% thị phần. Trong 9 tháng, xuất khẩu gạo Việt sang thị trường Trung Quốc đạt 1,35 triệu tấn với 613,8 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị.

Nhiều thị trường cũng giảm mạnh nhập gạo Việt như Philippines, Malaysia, Singapore, Mỹ, Bờ Biển Ngà… Tuy nhiên, Gana - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai - đã có sự tăng trưởng mạnh (36%) với 11% thị phần. 

Đáng chú ý là Indonesia - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam, với 8,2% thị phần. Xuất khẩu gạo Việt trong 9 tháng sang Indonesia đạt 359.400 tấn với 142,5 triệu USD, tăng gấp 21,5 lần về khối lượng và gấp 22,5 lần về giá trị so với cùng kỳ. 

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, các doanh nghiệp Philippines đã được cơ quan lương thực nước này cho phép nhập khẩu 293.100 tấn gạo từ Việt Nam để đảm bảo nhu cầu lương thực cho mùa giáp hạt năm 2017.

Trước đó, giữa năm 2016, Ủy ban Chính sách lúa gạo Quốc gia Thái Lan đã tuyên bố bán ra 11,4 triệu tấn gạo tồn kho. Đây là đợt xả gạo tồn kho lớn nhất của Thái Lan và được cho là sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn lên thị trường gạo Việt.

Thái Lan hiện là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới sau Ấn Độ với khoảng 10 triệu tấn một năm. Thị trường xuất khẩu trọng yếu của Thái Lan là Trung Quốc, Indonesia, Philippines - cũng là những nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam.

Theo Bạch Dương/vneconomy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới