Trung Quốc khoe tên lửa diệt radar vượt trội Kh-31 Nga

Sau khi làm chủ công nghệ đầu dò, kết hợp với thành tựu về động cơ và nhiên liệu, các loại tên lửa Trung Quốc thường có tầm bắn lớn hơn Nga.

Kênh truyền hình CCTV7 của Trung Quốc mới đây đã phát sóng một đoạn phóng sự ghi lại cuộc diễn tập bắn đạn thật đối với tiêm kích đa năng hạng nhẹ J-10B, cho thấy nó đủ khả năng trở thành phương tiện chế áp phòng không đối phương rất tốt.

Ở cấu hình đánh đất, chiếc J-10B đã treo trên cánh 2 quả tên lửa diệt bức xạ YJ-91, đây thực chất là phiên bản sao chép từ thiết kế Kh-31P của Nga, có điều qua tay Trung Quốc thì sức mạnh của vũ khí này đã được nâng lên một tầm mới.

Trong khi tên lửa Kh-31P có tầm bắn tối đa 100 km thì quả đạn YJ-91 do Trung Quốc chế tạo đã vươn tới tầm xa 150 km, ngoài ra đầu dò radar thụ động của nó cũng được quảng cáo là có độ nhạy hơn nhiều loại lắp cho Kh-31P.

Trung Quốc khoe tên lửa diệt radar vượt trội Kh-31 Nga ảnh 1
Tiêm kích đa năng J-10B của Không quân Trung Quốc mang 2 tên lửa chống bức xạ YJ-91 dưới cánh.

Với cấu hình chế áp phòng không như trên, các tiêm kích của Không quân Trung Quốc đủ sức tung đòn tiêu diệt trạm radar của những tổ hợp tên lửa đất đối không tầm trung và tầm xa như Buk-M3, S-300PS, S-300V... thậm chí có thể đe dọa ngược trở lại S-300PMU-1.

Bước tiến về công nghệ điện tử của Trung Quốc thời gian gần đây là rất đáng ghi nhận, các thành tựu thường được họ áp dụng trước tiên trong lĩnh vực quân sự, trên những mẫu vũ khí, khí tài mua của Nga để tạo ra phiên bản nội địa chí ít cũng sánh ngang với bản nội địa của Nga.

Hiện nay Moskva đang từng bước triển khai phiên bản tăng tầm của tên lửa Kh-31A/P với tên định danh Kh-31AD/PD với tầm bắn tăng lên tới con số 160 km, nhưng dĩ nhiên Trung Quốc cũng không đứng yên khi có tham vọng nâng cự ly tác chiến tối đa của YJ-91 lên ngoài 200 km.

Trung Quốc khoe tên lửa diệt radar vượt trội Kh-31 Nga ảnh 2
Tên lửa chống bức xạ YJ-91 đánh chính xác vào đài radar mục tiêu

Đối phó lại với phương án sử dụng tiêm kích mang tên lửa chống radar YJ-91 của Trung Quốc thì cách thức cơ bản vẫn là sử dụng các đài radar có khả năng phát sóng ngắt quãng để làm mất tín hiệu của đầu dò trên đạn, kết hợp với liên kết mạng lưới cảnh giới và trạm trinh sát điện tử thụ động nhằm tránh để lọt mục tiêu.

Ngoài ra cần lưu ý rằng tên lửa YJ-91 có tầm bắn tối đa 150 km nhưng phạm vi hoạt động hiệu quả của đầu dò ngắn hơn rất nhiều, nếu đài radar bố trí trên địa hình phức tạp thì nó còn rất dễ bị hiện tượng nhiễu.

Tuy nhiên để chống lại một cách thật hiệu quả chiến thuật chế áp phòng không bằng tên lửa chống bức xạ tầm xa như YJ-91 thì bên phòng thủ vẫn yêu cầu phải được trang bị các tổ hợp tên lửa đất đối không đa kênh với nhiều phương thức dẫn bắn khác nhau, trong đó chú trọng vào kênh thụ động.

Tin mới