Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông - một bước đi nguy hiểm!

(Baonghean.vn) - Trước thông tin báo chí lên tiếng việc Trung Quốc ngang nhiên đưa máy bay có khả năng mang bom hạt nhân ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an để bàn một số vấn đề từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu.

PV: Thưa Thiếu tướng, dư luận cho rằng việc đưa máy bay ném bom chiến lược ra Hoàng Sa lần này không phải hành động đơn lẻ, mà là một mắt xích trong âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Ông có thể cho độc giả biết một số thông tin về âm mưu và hành động đáng lên án của Trung Quốc đối với Biển Đông của Việt Nam?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đối với vấn đề này, trước tiên phải bắt đầu từ Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết vào ngày 20/7/1954. Cụ thể, các bên tham gia ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thống nhất của Việt Nam, nghĩa là bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết không chỉ là một mốc son trong lịch sử của dân tộc, mà còn là văn bản pháp luật quốc tế quan trọng nhất cho thấy những chứng cứ vững chắc, khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc cũng là quốc gia khởi thảo và ký kết. Tuy nhiên, sau 2 năm Hiệp định Giơ-ne-vơ, Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 19/4/1974, Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm 7 đảo đá Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trong đó có Vành Khăn.

Hình ảnh máy bay ném bom H-6K hoạt động trên bầu trời ở khu vực Biển Đông tháng 7/2016.
Hình ảnh máy bay ném bom H-6K hoạt động trên bầu trời ở khu vực Biển Đông, tháng 7/2016. Ảnh: Internet

Tổng hợp các hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho thấy họ đã vi phạm điều 2 khoản 3, khoản 4 của Hiến chương Liên Hợp quốc. Trong đó nói rằng, thành viên Liên Hợp quốc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên Hợp quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của tổ chức Liên Hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng vi phạm Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, đã nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

PV: Thưa Thiếu tướng, qua quá trình xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã có một quá trình quân sự hóa biển Đông như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Sau khi chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa, Trung Quốc đã tiến hành theo hai bước. Cụ thể, bước 1 là bồi đắp các đá nhân tạo trong 4 năm (2013 - 2016). Theo đó, Trung Quốc đã bồi đắp trên 7 đảo đá: Châu Viên, Xu Bi, Gạc Ma, Vành Khăn, Ga Ven, Tư Nghĩa, Chữ Thập với diện tích khoảng hơn 1.000 ha, lớn gấp 17 lần diện tích tất cả các nước bồi đắp vào Hoàng Sa, Trường Sa cộng lại.

Tháng 2/2016, Trung Quốc lắp đặt 2 khẩu đội với 9 giàn phóng tên lửa HQ9 của đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa Việt Nam. (HQ9 có tầm bắn khoảng 200km, ngắm bắn ở độ cao 27.5km và có thể thiết lập một vùng cấm bay rộng lớn của quần đảo Hoàng Sa).

Cuối năm 2014 - 2015, Trung Quốc xây dựng sân bay ở đảo Gạc Ma, Vành Khăn và Xu Bi với đường băng dài từ 2.500 - 3.400m. Năm 2016, Trung Quốc lắp đặt rada tần số cao phục vụ mục tiêu quân sự ở 4 đảo: Ga Ven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Châu Viên. Theo đó, Trung Quốc có khả năng phát hiện và cảnh báo sớm máy bay, tàu thuyền của nước ngoài qua eo biển Malacca và Biển Đông.

Tháng 8/2016, Trung Quốc xây dựng các nhà chứa máy bay Trung Quốc có thể chứa tối thiểu 21 máy bay, tối đa 72 máy bay.

Lực lượng Không quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) thông báo hôm 18/5 vừa qua rằng họ đã tổ chức biên đội máy bay ném bom nhiều loại, trong đó có loại H-6K lần đầu tiên bay xuống “vùng biển phía Nam”, khu vực được cho là đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. H6K là máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất Trung Quốc, có khả năng mang tên lửa hành trình siêu thanh để thực hiện các cuộc tấn công chính sách đối với mục tiêu trên bộ và tàu chiến.

H-6K có thể mang loại tên lửa hành trình Trường kiếm-10A (CJ-10A) có tầm bắn tới 2.500km, độ chính xác 10m. Nó có thể treo 6 tên lửa bên ngoài và mang 1 quả trong khoang hoặc mang 20 quả bom không điều khiển loại 500kg, hoặc các tên lửa điều khiển bằng laser có độ chính xác cao. Lượng dầu mang theo từ 34.360kg lên 40.000kg, tầm bay của H-6K lên đến khoảng 8.000km, bán kính tác chiến tăng lên 3.500km, lượng vũ khí mang có thể tăng lên 12 tấn. Như vậy việc đưa máy bay ném bom chiến lược H6K đến đảo Phú Lâm, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng khống chế toàn bộ các nước Đông Nam Á ASEAN và khống chế căn cứ quân sự của Mỹ ở phía Bắc Australia.

PV: Thưa Thiếu tướng, mục tiêu Trung Quốc đưa H6K ra Hoàng Sa là gì? Và tại sao Trung Quốc lại đưa máy bay ném bom chiến lược H6K vào thời điểm này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, mục tiêu Trung Quốc đưa máy bay ném bom chiến lược ra Hoàng Sa là để làm chủ và khống chế toàn bộ vùng Biển Đông. Đồng thời cảnh báo tất cả các nước về việc hoạt động tàu thuyền khi đi qua biển Đông đều bị Trung Quốc giám sát chặt chẽ, khi cần thiết họ sẵn sàng nổ súng. Bên cạnh đó, Trung Quốc quân sự hóa biển Đông nhằm ngăn chặn và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này, biến khu vực Biển Đông thành vùng chịu ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc.

PGS - TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương bình luận từ góc nhìn nhà nghiên cứu. Ảnh: tư liệu
PGS .TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương bình luận từ góc nhìn nhà nghiên cứu. Ảnh tư liệu

Trung Quốc rất hệ trọng và cân nhắc cẩn thận thời điểm thích hợp nhất khi đưa máy bay ném bom chiến lược H6K ra đảo Phú Lâm - Hoàng Sa Việt Nam. Cụ thể như sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Tập Cận Bình đã nắm chắc quyền lực và bỏ khoản 3 điều 79 Hiến pháp năm 1982 đối với việc giới hạn thời gian cầm quyền của Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước ở mức hai nhiệm kỳ. Nền kinh tế phát triển khá và tích lũy được tiềm lực kinh tế khổng lồ về cả nông nghiệp, công nghiệp, khoa học công nghệ và sức mạnh quân sự.

Tình hình ngoài nước có nhiều thuận lợi, tổng thống Donald Trump đẩy Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng mới sau 16 tháng cầm quyền, đồng minh Châu Âu mất niềm tin vào Hoa Kỳ; vai trò và vị thế của Mỹ ngày càng đi xuống. Châu Âu thì lâm vào khủng hoảng chính trị nội bộ, người nhập cư và khủng bố… Bên cạnh đó, 10 nước ASEAN chưa tạo thống nhất cao trong vấn đề Biển Đông. Đây chính là thời cơ thuận lợi nhất và thời điểm thích hợp nhất trong và ngoài nước.

PV: Dư luận cho rằng Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông tức là không chỉ vi phạm luật mà còn đi ngược lại với những điều họ cam kết. Ông bình luận, giải thích vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi hoàn toàn đồng ý với dư luận khi Trung Quốc có hàng loạt hành động quân sự hóa Biển Đông, mà hành động nguy hiểm gần đây nhất chính là đưa máy bay ném bom chiến lược H6K ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; vi phạm hiến chương Liên Hợp quốc; vi phạm Công ước luật biển; vi phạm tuyên bố ứng xử các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký ASEAN (2002) ở PhnomPenh Campuchia.

Về mặt đối ngoại họ đã đi ngược lại điều cam kết với các nước ASEAN là giữ nguyên hiện trạng trong quan hệ Việt Nam và thống nhất 6 nguyên tắc ứng xử giải quyết tranh chấp biển Đông. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng ký tuyên bố chung Việt - Trung, trong đó khẳng định lại hai bên cam kết đảm bảo hòa bình ổn định khu vực. Đặc biệt, trong cuộc họp báo quốc tế ở nhà trắng, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc không quân sự hóa biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đã đi ngược lại với điều cam kết, ngược lại với quốc tế.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam và cộng đồng quốc tế phải lên tiếng phản đối, dựa vào sức mạnh của cộng đồng quốc tế có khả năng răn đe những hành động tiếp tục của Trung Quốc.

PV: Cảm ơn PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương về cuộc phỏng vấn này!

Tin mới