Trung Quốc sắp phóng thiết bị đổ bộ nửa tối của Mặt Trăng

Trung Quốc dự định đưa phương tiện tiếp đất và xe thám hiểm lên phía xa của Mặt Trăng vào cuối năm nay.
Trung Quốc sắp phóng thiết bị đổ bộ nửa tối của Mặt Trăng ảnh 1

Thiết kế của xe thám hiểm Hằng Nga 4. Ảnh: CASC.

Các chuyên gia cho biết sẽ phóng phương tiện tiếp đất và xe thám hiểm trong nhiệm vụ Hằng Nga 4 vào tháng 12, theo Space. Thông báo được đưa ra tại buổi họp báo do Cục Khoa học Công nghệ và Quốc phòng Trung Quốc (SASTIND) tổ chức hôm 15/8.

Mặt Trăng luôn chỉ quay một phía về Trái Đất. Nếu nhiệm vụ diễn ra thuận lợi, Trung Quốc sẽ trở thành nước đầu tiên đưa thiết bị lên nửa tối, hay phía không quan sát được của Mặt Trăng. Trong buổi họp báo, nhóm chuyên gia cũng công bố thiết kế của xe thám hiểm và tổ chức cuộc thi đặt tên cho chiếc xe.

Hằng Nga 4 sẽ rời bệ phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, phía tây nam Trung Quốc, bằng tên lửa Trường Chinh 3B. Hằng Nga 4 nhắm đến vùng trũng cực Nam - Aitken trên Mặt Trăng, địa điểm cụ thể có khả năng là bên trong hoặc xung quanh hố trũng Von Kármán. Nhóm dự án đã quyết định điểm hạ cánh cuối cùng nhưng chưa công bố.

Cuộc thi đặt tên cho xe thám hiểm diễn ra tới ngày 5/9. Tên chính thức dự kiến thông báo vào tháng 10 và người chiến thắng sẽ được mời đến tham dự buổi phóng Hằng Nga 4.

Trung Quốc sắp phóng thiết bị đổ bộ nửa tối của Mặt Trăng ảnh 2

Xe thám hiểm Hằng Nga 4 nhìn từ trên cao. Ảnh: CASC.

Ban đầu Hằng Nga 4 được chế tạo với mục đích dự phòng cho Hằng Nga 3. Trong nhiệm vụ Hằng Nga 3, Trung Quốc đã thành công đưa phương tiện tiếp đất và xe thám hiểm lên nửa gần của Mặt Trăng vào tháng 12/2013. Sự kiện này giúp Trung Quốc trở thành một trong ít những nước có thiết bị đổ bộ lên Mặt Trăng.

Sau thành công của Hằng Nga 3, Hằng Nga 4 thay đổi mục tiêu, thực hiện sứ mệnh thử thách hơn. Phương tiện tiếp đất và xe thám hiểm trông gần giống Hằng Nga 3 cả về hình dáng và kích thước, nhưng thực chất đã được điều chỉnh để phù hợp với nhiệm vụ mới. Hằng Nga 4 có thể đối phó với địa hình phức tạp phía bên kia Mặt Trăng, đáp ứng yêu cầu liên lạc qua vệ tinh chuyển tiếp và mang theo thiết bị khoa học, theo Wu Weiren, chuyên gia của dự án.

Hằng Nga 4 sẽ mang khoai tây, hạt cải và trứng tằm tơ để tiến hành một thí nghiệm sinh quyển do 28 trường đại học Trung Quốc lên ý tưởng. Vì nửa kia của Mặt Trăng không quay về Trái Đất nên cần một vệ tinh chuyển tiếp giúp trao đổi thông tin giữa Hằng Nga 4 với trạm thông tin trên mặt đất.

Vệ tinh này mang tên Queqiao và được phóng lên không gian từ Tây Xương vào cuối tháng 5. Tại buổi họp báo ngày 15/8, các nhà khoa học cũng cho biết vệ tinh này vẫn hoạt động tốt, tạo điều kiện để Trung Quốc tiếp tục tiến hành phóng Hằng Nga 4.

Tin mới