Trung Quốc - 'Yếu tố hiếm' kéo NATO xích lại gần nhau

(Baonghean) - Khối Liên minh quân sự NATO có thể nói chưa bao giờ mâu thuẫn, bất đồng và chia rẽ như hiện nay. Lễ sinh nhật tròn 70 năm của khối cũng bị phủ bóng đen bởi những tranh cãi và chỉ trích về hàng loạt vấn đề, từ chia sẻ chi phí quân sự, vấn đề thành viên Thổ Nhĩ Kỳ hay sự lãnh đạo của Mỹ. Ngay đến mục tiêu vốn là động lực thành lập nên khối này - đó là chống lại Nga thì hiện nay cũng là chủ đề gây chia rẽ giữa các nước thành viên.

Thế nhưng, giữa một bức tranh màu xám, Trung Quốc có vẻ như đang trở thành yếu tố hiếm hoi có thể kéo các thành viên NATO lại với nhau khi lần đầu tiên trong lịch sử, khối này công nhận các mối đe dọa đến từ Trung Quốc.

E DÈ TRUNG QUỐC TRỖI DẬY

Ai cũng hiểu rằng, thành lập từ năm 1949, mục tiêu cốt lõi và chiến lược của khối NATO là để đối phó với Liên Xô lúc đó. Thế nhưng, sau 70 năm hình thành và phát triển, lần đầu tiên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã phải chính thức công nhận các mối đe dọa từ Trung Quốc cũng như khuyến nghị các thành viên cần chú ý đến sự gia tăng sức mạnh của Bắc Kinh. Lý giải cho tuyên bố này, Tổng Thư ký NATO Jen Stoltenberg bày tỏ lo ngại, sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang gây ra những mối lo ngại về mặt an ninh với tất cả mọi quốc gia thành viên NATO.

Hải quân Trung Quốc đưa quân sang căn cứ hậu cần quân sự Djibouti để hỗ trợ các hoạt động tại châu Phi và Tây Á, các vùng ảnh hưởng truyền thống của châu Âu và Mỹ. Ảnh: China News Service
Hải quân Trung Quốc đưa quân sang căn cứ hậu cần quân sự Djibouti để hỗ trợ các hoạt động tại châu Phi và Tây Á, các vùng ảnh hưởng truyền thống của châu Âu và Mỹ. Ảnh: China News Service

Trung Quốc thời gian qua đang đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, không gian mạng để thâm nhập vào châu Âu.

Cũng bởi, Trung Quốc hiện là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ 2 thế giới. Theo số liệu mà NATO thu thập được, Trung Quốc đã đạt chi tiêu quốc phòng cao hơn 7,5% so với năm ngoái - lên mức gần 1,2 nghìn tỷ NDT. Mới đây, Bắc Kinh còn cho ra mắt nhiều loại vũ khí mới, trong đó bao gồm cả tên lửa tầm xa có khả năng tấn công cả Mỹ và châu Âu. Đó là chưa kể, Trung Quốc thời gian qua đang đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, không gian mạng để thâm nhập vào châu Âu. Và không chỉ Biển Đông, Bắc Kinh thời gian qua tích cực tăng cường hiện diện tại các khu vực của NATO, châu Phi hay Bắc Cực.

Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc như vậy, không khó hiểu khi tại Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này tại London, Anh, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào các mối quan hệ địa chính trị, các thách thức mới nổi, trong đó có Trung Quốc. Dự kiến, một chính sách mang tầm chiến lược với nhằm vào Trung Quốc cũng sẽ được bàn thảo và có lộ trình phát triển rõ ràng. Bởi theo một số nhà phân tích, về lâu dài, Trung Quốc thậm chí còn có thể trở thành vấn đề lớn hơn so với nước Nga. Dù vậy theo Tổng Thư ký NATO Jen Stoltenberg, nếu như Nga có Hội đồng Nga - NATO để cải thiện đối thoại và hợp tác giữa hai bên thì đến nay, khối này vẫn chưa có kế hoạch nào cho việc lập ra một Hội đồng tương tự để ứng xử với Trung Quốc.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

ĐỐI THỦ CHUNG

Mặc dù Tổng thống Pháp Macron còn hoài nghi về mối quan hệ với Trung Quốc thì bản thân ông và Tổng thống Trump đều kêu gọi hành động nhiều hơn để cân bằng quyền lực đang gia tăng của Trung Quốc. Đây rõ ràng là một điểm chung hiếm hoi giữa hai nhà lãnh đạo vốn đang có nhiều mâu thuẫn và căng thẳng, đặc biệt về những vấn đề liên quan đến khối NATO.

Bên cạnh đó, trong khi châu Âu đang phải đối diện ngày càng nhiều các áp lực từ Trung Quốc trong việc đánh đổi các lĩnh vực đầu tư, thì chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump cũng đang triển khai một chính sách cứng rắn trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Có ý kiến nhận định rằng, giả định nếu mục tiêu cũ của NATO là Nga đã lỗi thời thì mục tiêu mới là Trung Quốc lại đang trở thành lý do để khối này khẳng định vị thế và tiếng nói thống nhất của mình.

Với khối NATO, không ít các thành viên trong số 29 nước thuộc khối và cả các đối tác của khối như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia thời gian qua đều muốn tìm cách cân bằng sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và trên toàn cầu. Cả Mỹ và các nước châu Âu trong khối có lẽ đều chia sẻ lo lắng về việc chỉ trong vòng 5 năm qua, Trung Quốc đã bổ sung 80 tàu và tàu ngầm cho hải quân - tương đương toàn bộ lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh. Trung Quốc còn được cho là sở hữu hàng trăm tên lửa với tầm bắn đã vượt quá các lệnh cấm theo Hiệp ước INF, cũng như các loại tên lửa siêu thanh hành trình, tên lửa chống hạm hay tàu lượn siêu âm...

Công nghệ cao cũng là lĩnh vực mà NATO phải dè chừng với Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Công nghệ cao cũng là lĩnh vực mà NATO phải dè chừng với Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Không chỉ tăng cường hiện diện về quân sự tại nhiều địa bàn địa chiến lược như biển Đông, châu Phi hay Trung Á, Bắc Kinh còn đang tăng cường triển khai sức mạnh kinh tế tại toàn khu vực Thái Bình Dương và cả Trung Á, thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng và thương mại của chiến lược “Vành đai, Con đường” mà nước này ấp ủ. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, Trung Quốc được cho là đang dần trở thành người dẫn đầu trong phát triển các công nghệ mới với 5G cho đến nhận diện khuôn mặt, điện toán lượng tử cho đến thu thập dữ liệu khổng lồ trên toàn cầu.

Động lực để NATO nhắm đến cùng một mục tiêu còn là việc, Trung Quốc và Nga dường như ngày càng có mối liên hệ gần gũi hơn.

Chẳng thế mà Mỹ thời gian qua đã vừa kêu gọi vừa thúc ép các đồng minh châu Âu ngăn chặn gã khổng lồ công nghệ Huawei mang 5G thâm nhập khu vực, do các lo ngại về an ninh. Đáp lại, Canada hay Anh thời gian qua đã thực hiện một chính sách ngoại giao khá cứng rắn với Trung Quốc. Chưa hết, động lực để NATO nhắm đến cùng một mục tiêu còn là việc, Trung Quốc và Nga dường như ngày càng có mối liên hệ gần gũi hơn. Mới nhất, Nga đã chuyển một đường ống khí đốt khổng lồ trị giá hàng tỷ USD đến Trung Quốc.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là tất cả các thành viên NATO đã có tiếng nói đồng thuận để chống lại Trung Quốc. Vẫn còn đó một chính quyền Italy rất hào hứng để mở cửa hợp tác với Bắc Kinh, bất chấp lời cảnh báo của giới chức NATO. Bên cạnh đó là một số nước vẫn đang cân đong, đo đếm các lợi ích kinh tế khổng lồ với Trung Quốc, điển hình như “nhà đi dây” Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi thế vào lúc này, chính sách nào sẽ được khối NATO thống nhất để ứng phó với Trung Quốc vẫn còn là một câu hỏi chưa lời đáp. 

Trung Quốc có thể khiến NATO xích lại gần nhau hơn. Ảnh: Sputnik
Trung Quốc có thể khiến NATO xích lại gần nhau hơn. Ảnh: Sputnik

Một số chuyên gian nhận định, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, các nhà lãnh đạo các nước thành viên dự kiến sẽ ký 1 tuyên bố chung thừa nhận các cơ hội và thách thức đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, có vẻ như ngôn ngữ được sử dụng trong tuyên bố sẽ không được mạnh mẽ như một số nước mong muốn. Cũng có nghĩa, dù Trung Quốc có thể khiến NATO phần nào xích lại gần nhau; nhưng những bất đồng, mâu thuẫn sâu sắc nội khối có lẽ vẫn chưa thể sớm hàn gắn trong một sớm, một chiều!.

Tin mới