Trung tâm hỗ trợ người nghèo lừa dân: Bài học trong quản lý nhà nước

(Baonghean.vn) - Đề ra mục tiêu hết sức tốt đẹp là “hỗ trợ người nông dân nghèo biết cách và quan tâm làm giàu trên chính quê hương mình”, vậy nhưng, Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong xây dựng nông thôn mới đã sớm bộc lộ bộ mặt thật, và là mối hoạ của dân.

Mục tiêu trung tâm hỗ trợ người nghèo đề ra là rất cao cả, nhưng thực chất khiến người nghèo... thêm nghèo.
Mục tiêu trung tâm hỗ trợ người nghèo đề ra là rất cao cả, nhưng thực chất khiến người nghèo... thêm nghèo.

Hội Nông dân tỉnh là tổ chức đã nhận ra bản chất và chỉ trích mạnh mẽ các hành vi của những đối tượng của tổ chức mượn danh này. Và ngày 23/11/2015, đã ban hành Công văn số 190 - CV/HNDT yêu cầu Ban Thường vụ Hội Nông dân các huyện, thành, thị vào cuộc phát hiện, đấu tranh ngăn chặn.

Với Công an tỉnh, đã có sự chỉ đạo xuyên suốt cho các đơn vị trực thuộc làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng thuộc trung tâm này. Từ những thông tin điều tra ban đầu, lực lượng công an đã xác định Trung tâm hỗ trợ người nghèo vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hành chính. Đó là toàn bộ giấy tờ tổ chức này đang sử dụng có nguồn gốc không chính thống, mượn danh một số lãnh đạo, tổ chức; dùng dấu scan sau đó tự ký tên. Bên cạnh đó, không chứng minh được nguồn vốn của tổ chức, cá nhân tài trợ; mạo danh thành viên trên các đơn kiến nghị “duy trì, phát triển và giữ vững ổn định chương trình Trái tim Việt Nam”; việc “hỗ trợ” trở lại cho các thành viên không có sự cam kết có đảm bảo tính pháp lý… Và hiện nay, các đơn vị công an đang tiếp tục tập trung điều tra về những dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước thông tin báo chí phản ánh, sự vào cuộc tích cực của Hội Nông dân tỉnh, các đơn vị công an…, cấp ủy, chính quyền các cáp đã nhận thấy các hoạt động của tổ chức này là mối hoạ cho người dân, tiềm ẩn những dấu hiệu dẫn đến mất an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn. Vì vậy, đang khẩn trương báo cáo kiến nghị lên cấp trên để có sự kiểm tra xử lý; đồng thời chỉ đạo các phòng ban, tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền trong nhân dân.

Có thể nói, các hành vi vi phạm pháp luật của trung tâm hỗ trợ người nghèo đã cơ bản được chứng minh. Tuy nhiên, cần phải làm rõ là tại sao tổ chức này lôi kéo được một số người dân tin theo?

Có không ít người đã cho rằng là bởi người dân ham lợi, nghĩ rằng số tiền được “hỗ trợ”  cao gấp rất nhiều lần so với lãi suất ngân hàng nên đánh liều “nhắm mắt đưa chân”. Dĩ nhiên, hiểu như vậy không sai nhưng chưa đầy đủ!

Tìm hiểu ở xã Nghi Kim, là xã ngoại thành của TP. Vinh có một số người dân tham gia thành viên của trung tâm hỗ trợ người nghèo thì thông tin về tổ chức này đến với người dân là từ một số cán bộ phụ nữ xóm! Số cán bộ phụ nữ đó, theo xác minh đều “được mời dự lớp tập huấn” của trung tâm này. Và sau khi được “tập huấn” họ đã nhầm tưởng về về lợi ích ảo, vô tình trở thành những “tuyên truyền viên” tích cực, lôi kéo láng giềng và kể cả người thân trong gia đình tham gia.

Bà Trần Thị Phương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghi Kim (bên phải) và bà N.T.N, cán bộ phụ nữ xóm, người đã nhầm tưởng về trung tâm hỗ trợ người nghèo.
Bà Trần Thị Phương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghi Kim (bên phải) kể cuộc "tập huấn"; ngồi cạnh bên là bà N.T.N, cán bộ phụ nữ xóm, người đã nhầm tưởng về trung tâm hỗ trợ người nghèo.

Một cán bộ đoàn thể ở Nghi Kim từng dự “lớp tập huấn” đã kể lại rằng, họ được một người từng là cán bộ phụ nữ xóm đem “thư mời” đến tận tay. Dù thư không có dấu nhưng trước tiêu đề “giúp người nghèo trong phát triển nông thôn mới”, nghĩ xã nhà đang cũng đang tập trung xây dựng nông thôn mới nên đã háo hức tham gia. Qua ít giờ “tập huấn” đã thấy ngay đây trung tâm này đang thực hiện một cuộc tập hợp, nhân rộng đội ngũ “tuyên truyền viên”. Cán bộ này nói: “Họ nói về lợi ích khi tham gia tổ chức; cho mỗi người một lọ thực phẩm chức năng, rồi đề nghị tuyên truyền trong dân chương trình Trái tim Việt Nam. Người chủ trì còn không quên dặn “đừng nói với dân đây là chương trình đa cấp”. Nghe họ nói vậy, tôi đã nghi ngờ, tuy nhiên, có nhiều người tin theo sau đó đã tuyên truyền trong dân…”.

Cán bộ tổ chức hội xã Nghi Kim, ông Nguyễn Văn Duyệt, Chủ tịch Hội Nông dân (bên trái), ông Phạm Văn Hạnh, Phó CT Hội CCB, là những người dự lớp tập huấn của trung tâm hỗ trợ người nghè, nhưng đã sớm nhận ra bản chất của tổ chức này.
Cán bộ tổ chức hội xã Nghi Kim, ông Nguyễn Văn Duyệt, Chủ tịch Hội Nông dân (bên trái), ông Phạm Văn Hạnh, Phó CT Hội CCB (bên phải), là những người dự lớp "tập huấn" của trung tâm hỗ trợ người nghè, nhưng đã sớm nhận ra bản chất của tổ chức này.

Từ thông tin ở Nghi Kim thì thấy rằng, chiêu thức gây dựng “tuyên truyền viên” của những đối tượng mượn danh hỗ trợ người nghèo là hết sức “khôn ngoan”, có tính toán đường đi nước bước bài bản. Bên cạnh việc đưa ra mức “hỗ trợ” khủng, tiền thưởng hấp dẫn, chúng căn cơ, tính toán gây dựng thành viên cốt cán là một bộ phận ít nhiều uy tín, sâu sát với người dân. Lợi ích ai chẳng ham. Thế nên, khi mồi nhử về “lợi ích” được vẽ ra từ những người có chút uy tín thì người dân (vốn ít thông tin) dĩ nhiên sẽ mắc!

Có một câu hỏi cần có lời giải, đó là tại sao một tổ chức mượn danh; hoạt động như tín dụng, đa cấp; không được cấp thẩm quyền cấp phép theo quy định lại vẫn có thể hoạt động trên địa bàn tỉnh với thời gian đã khoảng 3 tháng trời?

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ông Nguyễn Hữu Nhị trao đổi rằng: “Tôi cho rằng vai trò quản lý nhà nước ở một số cơ quan đơn vị liên quan còn chưa rõ ràng. Lâu nay đã có khá nhiều tổ chức, doanh nghiệp làm ăn không lành mạnh đến Nghệ An kiếm ăn, dối gạt người dân, gây xáo trộn mất trật tự xã hội. Trung tâm hỗ trợ người nghèo cũng chỉ là một trong số đó…”.

Liên hệ tới nhiều những vụ việc đã xẩy ra thì thấy những gì ông Nhị trao đổi là xác đáng. Việc để trung tâm hỗ trợ người nghèo “mở lớp tập huấn” gây dựng “tuyên truyền viên”, thuê trụ sở, treo biển hiệu, băng rôn hoạt động như tín dụng đa cấp “bẩn” một thời gian khá dài là có lỗi trong quản lý nhà nước!. Với sự việc này đã cho thấy, một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đang tự đánh mất vai trò. Đã không nắm bắt thông tin của cơ sở, thiếu nhanh nhạy với vấn đề thời sự của cả nước, lại chậm vào cuộc kiểm tra, xử lý…

Với những hành vi đã thực hiện, tổ chức với mượn danh từ thiện, hỗ trợ người nghèo sẽ bị tận trừ.
Với những hành vi đã thực hiện, tổ chức với mượn danh từ thiện, hỗ trợ người nghèo sẽ bị tận trừ.

Tin rằng rồi đây, các cơ quan có liên quan sẽ tiếp tục vào cuộc. Và cũng tin rằng, mối hoạ cho người dân từ Trung tâm hỗ trợ người nghèo sẽ được tận trừ. Thế nhưng, sẽ tiếp tục có các tổ chức, cá nhân làm ăn không chính đáng “ghé thăm” để khuyến dụ, lừa đảo dân lành. Bởi vậy, vụ việc trung tâm hỗ trợ người nghèo cần được xem là một bài học để rút kinh nghiệm trong vai trò quản lý nhà nước, tăng cường vai trò trách nhiệm, thực hiện tốt vai trò được giao. Có như vậy, mới không còn mối họa cho dân!.

                                                                                                  Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới