Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Câu chuyện cuộc đời

(Baonghean) - Căn nhà của vị Tướng nổi danh nằm tĩnh lặng trong con ngõ nhỏ, ẩn mình giữa một Hà Nội nhộn nhịp. Hàng ngày, trong phòng khách của ông, vị chè xanh xứ Nghệ vẫn phả ra ấm nóng, ông bày tỏ: “Chè xanh xứ Nghệ chính hiệu đấy, tôi phải đặt mua ở tận quê nhà, nhờ gửi xe khách ra ngoài này. Cứ đều đặn 10 ngày một lần, chỉ có chè xứ Nghệ quê mình mới vừa chát, vừa thơm”, ông nói. 
Ở quân ngũ nhiều hơn ở nhà
Hỏi đường vào nhà ông không khó, vì chỉ mới đứng ở đầu con dốc, buông lời hỏi những người qua đường về số nhà đã thấy người ta ồ lên: “À, nhà ông Trung tướng Thước chứ gì, đi qua cái ngõ kia là tới”. 
Vợ chồng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Vợ chồng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Khi gặp ông, tôi đem thắc mắc này ra hỏi, ông chầm chậm trả lời: “Ngày trước mình sinh hoạt ở cấp vĩ mô, giờ về với cơ sở thì mình sinh hoạt ở cấp vi mô, thấy cũng nhiều cái quý lắm. Thế nên, chẳng có hoạt động nào của tổ dân phố, của phường, hội mà tôi không tham gia cả. Thành ra, cũng nhiều người biết”, ông giải thích. 
Ký ức hào hùng về những ngày khoác áo lính, vướng bụi trường chinh theo mạch hồi tưởng của ông cứ thế ùa về, rõ nét, sôi động như những thước phim màu...
Sinh ra tại Nghi Diên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), Nguyễn Quốc Thước lớn lên và nhanh chóng được hấp thụ khí thế sục sôi từ phong trào đấu tranh cách mạng của xứ Nghệ lúc đó. Vừa học hết khóa của Trường Cô-le đơ Vinh cũng là lúc cuộc vận động cách mạng đang trên đà lên cao, tổ chức Việt Minh phát triển mạnh. Chàng trai trẻ Nguyễn Quốc Thước nhanh chóng nhận thấy: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim” (thơ Tố Hữu), ông gia nhập Việt Minh bí mật. Cuộc đời dường như đã sắp đặt cho ông một con đường của sự nghiệp cách mạng, ở vị trí nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và nhanh chóng được giao giữ những trọng trách quan trọng. Bước ngoặt dẫn ông đến với đời lính là vào năm 1949, khi đang là Bí thư Thanh niên huyện Nghi Lộc, ông xung phong đi bộ đội và được vào học ở Trường Sỹ quan Trần Quốc Tuấn. 
Cuộc đời binh nghiệp mở ra từ đó, ông tổng kết bằng một câu khái quát: “Hết đánh Pháp rồi đánh Mỹ, rồi làm nhiệm vụ ở nước bạn, sau đó lại tham gia bảo vệ đất nước trong chiến tranh biên giới”. Ông đã có mặt ở những trận tuyến ác liệt, đã chỉ huy những mũi tiến công quan trọng. Năm 1975, Đại tá Nguyễn Quốc Thước với cương vị là Tham mưu trưởng Quân đoàn 3, đã cùng với Tư lệnh, Thiếu tướng Vũ Lăng, Chính ủy là Đại tá Đặng Vũ Hiệp chỉ huy Quân đoàn 3, anh dũng tiến công, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 của dân tộc. 
Đất nước hòa bình, tắt lửa chiến chinh, ông lại được giao trọng trách làm Tham mưu trưởng Quân khu 4. Cuộc đời ông gắn với những trận đánh oai hùng, những chiến thắng vẻ vang... nhưng đằng sau ông, vợ ông vẫn đang lặng lẽ “chỉ huy” một trận đánh không kém phần cam go, đó chính là chống chọi với tuổi thanh xuân không có chồng bên cạnh, để nuôi dạy con, gánh vác “giang sơn” nhà chồng. 
Hào sảng kể về những năm tháng sôi nổi trên các mặt trận, nhưng khi nhắc đến vợ mình, đôi mắt của vị tướng dường như chùng xuống. Ông tâm sự: “Vợ tôi hầu như không có tuổi thanh xuân, bởi vì có một người chồng như tôi, dành hết thời gian của mình cho các cuộc chiến mất rồi. Tôi ở với đồng đội nhiều hơn ở với gia đình”, ông tổng kết. 
Kể về việc lấy vợ của mình, ông ví von: “Tôi lấy vợ cũng như đánh trận vậy. Từ khi được giới thiệu đến khi lấy nhau, chỉ có 15 ngày!”. 
Lúc đó, chiến chinh giặc giã, ông đang làm nhiệm vụ dưới tuyến đóng quân ở Quảng Bình. Do đây là vùng mới giải phóng, nên có quy định cán bộ, sỹ quan không được lấy vợ ở vùng chiếm đóng, muốn lấy vợ ở quê lại không có thời gian nghỉ phép, nên đã ngoài 30 mà ông vẫn là trai chưa vợ. 
Tình duyên chỉ đến với ông khi trong một lần ngắn ngủi về thăm quê, tình cờ gặp lại Bí thư Huyện ủy. Ông Bí thư Huyện ủy vỗ vai ông, hỏi: “Thế nào, vợ con gì chưa?”. Ông lúng túng trả lời chưa và phân trần nguyên nhân. “Thế thì được, để tau giới thiệu cho đứa cháu ruột”, ông Bí thư Huyện ủy nói. Ngay sau đó, một cuộc mai mối thần tốc được bố trí cho đôi trẻ, cả hai gia đình đồng ý, đôi trẻ lại thuận lòng, 15 ngày sau khi vừa ra Hà Nội nhận nhiệm vụ, ông cũng nhanh chóng về quê làm đám cưới...
Hậu phương thầm lặng
Chính thức làm vợ ông, đó cũng chính là lúc cô dâu 18 tuổi Phan Thị Thủy bào mòn tuổi xuân của mình trong những ngày tháng chờ chồng. Vừa mới cưới xong, lên đường làm nhiệm vụ, mẹ chồng “ra chỉ thị” ngay cho con dâu phải theo chồng vào nơi đóng quân để có với nhau một đứa con. Đứa con đầu ra đời, ông lại tiếp tục nhận lệnh hành quân đến vị trí mới. Không dám nói thật với vợ, vì ông biết chiến tranh không thể lường trước mọi rủi ro, ông nói dối vợ là đi xem bói, thầy bói bảo phải có con trong năm nay, nếu không thì trời chỉ cho hai vợ chồng một đứa. Đứa con thứ hai ra đời cũng là lúc ông đằng đẵng xa bà cả chục năm trời. Lần hiếm hoi ông gặp con vẻn vẹn chỉ có hơn một tiếng đồng hồ, sau đó ông lại tất tả lên đường. Có những thời điểm hai vợ chồng bằn bặt tin nhau...
Lặng lẽ chăm con, chờ chồng, nhưng niềm khắc khoải của người vợ trước an nguy của chồng vẫn khiến cho trái tim bà không thôi mong ngóng. Không chỉ phục vợ ở khả năng toan lo gia đình, ông còn phục vợ ở cái tính liều, ông nói: “Hai lần, vợ tôi đã vượt đường trường vào tìm tôi chỉ với một thông tin ngắn ngủi là nghe đơn vị do tôi chỉ huy vừa đánh trận ở đâu đó”. 
Lần thứ nhất là sau khi giải phóng miền Nam năm 1975. Nghe tin Quân đoàn 3 tham gia giải phóng Sài Gòn, bà đã một mình bắt xe đi 4 ngày đường để vào Sài Gòn tìm chồng. Tuy nhiên, Quân đoàn 3 của ông lúc đó đã rút ra Thủ Dầu Một (Bình Dương bây giờ). Gặp bộ đội bà đều hỏi về ông, hỏi về đơn vị của ông, nhưng ai cũng lắc đầu không biết. Mất 4 ngày, bà vật vạ ở Sài Gòn với dòng tin ngắn ngủi và hy vọng tìm được chồng đang tắt dần đi. Phải đợi đến ngày Chủ nhật, bộ đội trong đơn vị của ông được nghỉ mới xuống Sài Gòn chơi, bà tình cờ bắt chuyện hỏi thăm, lúc đó, mấy người mới ngỡ ngàng: “Thế chị là vợ thủ trưởng của bọn em rồi, mời chị lên xe bọn em đưa chị lên gặp thủ trưởng!”. 
Lần thứ hai, đơn vị của ông nhận lệnh hành quân lên biên giới phía Bắc. Đang đóng quân ở Thái Nguyên, bà cũng dẫn con trai mới mười mấy tuổi tìm đến chồng. Dừng chân ở Khu gang thép Thái Nguyên, bà dò tìm thông tin về chồng qua những người lính. Tuy nhiên, do Quân đoàn 3 lúc đó là đơn vị sẵn sàng chiến đấu, nên không ai được rời đơn vị. Vậy là cũng mất mấy ngày tìm chồng trong vô vọng, phải đến ngày Chủ nhật, khi trợ lý của ông xuống nhận nhiệm vụ, tình cờ gặp mới đưa bà lên đơn vị, vợ chồng bà mới lại được đoàn tụ. 
Ông tổng kết, vợ chồng ông “như mặt trăng với mặt trời”, bởi khi chồng ở Nam thì vợ ở Bắc, khi chồng ra Bắc thì vợ ở Nam, rồi khi ông về hưu muốn dành tình cảm bù đắp cho vợ mình thì bà cũng bị tai biến dẫn đến liệt người: “Vợ tôi không có một ngày thanh xuân hạnh phúc, chúng tôi lấy nhau mà chưa được một ngày đi chơi với nhau, như những lứa đôi khác”, ông nói rồi bất chợt dừng lại, đưa mắt nhìn sang phòng bên cạnh, nơi đó bà đang ngồi bất động trên chiếc xe lăn, chỉ có đôi mắt vẫn nhìn chồng. 
Đượm vị chè xanh 
Năm 1997, sau khi về hưu, ông chính thức về với gia đình mình ở Hà Nội. Hà Nội trong ký ức của ông đậm đà nhất vẫn là những ngày khi ông đang Quảng Bình. “Có những lúc ra Hà Nội họp, chúng tôi phải đạp xe đạp. Từ Quảng Bình cho đến Hà Nội, phải đạp xe ba ngày ròng...”, ông hồi nhớ. 
Ông tâm sự, sau khi nghỉ hưu, ông đã có ý định ở lại Nghệ An, vì đó mới là quê hương của mình. Lãnh đạo tỉnh cũng muốn giữ ông lại để tham gia Hội CCB tỉnh, tuy nhiên, các đồng chí ở Trung ương lại muốn ông ra tham gia vào Hội CCB Trung ương. Thế là ông lại rời xa quê Nghệ về Hà Nội. “Hà Nội là trái tim của cả nước. Ra với Thủ đô, để tiếp tục được đóng góp cho đời, nhưng gốc cội của tôi vẫn là Nghệ An. Tôi vẫn thấy nỗi nhớ quê rần rần trong máu”, ông bày tỏ. 
Dường như muốn cho tôi hiểu cảm nhận rõ hơn nỗi nhớ của mình, ông nâng chén nước chè xanh lên, nhấp một ngụm rồi thủng thẳng nói, đại ý nỗi nhớ quê của ông cũng đượm như vị chè xanh này vậy. Bao nhiêu năm, vẫn đượm chát nhường ấy! 
Bài, ảnh: Hồ VIết Thịnh
Vị tướng trên nghị trường 
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước từng là ĐBQH của tỉnh Nghệ An các khóa VIII, IX, X. Thời điểm đó, tại nghị trường Quốc hội đã xuất hiện câu “thành ngữ”: Nhất Thước - nhì Trân - tam Lân - tứ Quốc (các đại biểu Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng, và Dương Trung Quốc). Ông chính là người châm ngòi cho nhiều phiên chất vấn trực diện, thẳng thắn. Ông từng phát biểu: “Tôi là một người lính. Tôi và rất nhiều đồng đội đã hy sinh xương máu, và những người lính của tôi cũng đã nằm xuống để bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, trong thời bình, còn sức lực, tôi còn chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của người dân”. Ông lý giải, tính cách đó một phần là do “cái tính mình nó thế”, một phần cũng là đặc điểm của người dân xứ Nghệ, thẳng thắn, cương trực.

Tin mới