Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Cần giải quyết dứt điểm những tồn tại ở dự án Thủy điện Hủa Na

(Baonghean.vn) - Liên quan đến những tồn tại ở dự án Thủy điện Hủa Na, đồng chí Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức một buổi làm việc với UBND tỉnh, UBND huyện Quế Phong và MTTQ tỉnh để giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Sáng 24/6, các đại biểu Quốc hội gồm: ông Phan Đình Trạc – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; bà Hoàng Thị Thu Trang – Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn; Moong Văn Tình đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong.
Sáng 24/6, các đại biểu Quốc hội gồm: ông Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; bà Hoàng Thị Thu Trang - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn; ông Moong Văn Tình - Ủy viên BTV Huyện đoàn Quế Phong đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong. Ảnh: Phạm Bằng

Thay mặt các ĐBQH, đại biểu Moong Văn Tình đã thông báo tóm tắt kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đến các cử tri. Quốc hội đã thông qua 10 dự án Luật, 21 Nghị quyết cùng nhiều cơ chế, chính sách quan trọng.

Cử tri Lô Hồng Ngân (trú bản Na Chảo - Piềng Văn, xã Đồng Văn) cho rằng, sau khi di dời, nhường đất để thực hiện dự án Thủy điện Hủa Na, người dân ra khu tái định cư sinh sống. Tuy nhiên, nơi ở mới đất cằn cỗi, chỉ trồng được cây keo, đất rừng giao bảo vệ có thu nhập ít.

“Bây giờ, người dân thiếu ăn, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù kiến nghị nhiều lần yêu cầu đền bù giá trị giữa nơi đi và nơi đến theo đúng quy định nhưng đến nay các cấp, ngành và nhà máy vẫn chưa thực hiện xong”, ông Ngân nói và cho rằng, không thể lấy loại đất này đền bù cho loại đất khác. Trước khi di dời, ai cũng nói nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ nhưng thực tế không phải như vậy.

Cử tri Lô Hồng Ngân (trú bản Na Chảo – Piềng Văn, xã Đồng Văn) đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết những tồn tại sau tái định cư dự án Thủy điện Hủa Na. Ảnh: Phạm Bằng
Cử tri Lô Hồng Ngân (trú bản Na Chảo - Piềng Văn, xã Đồng Văn) đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết những tồn tại sau tái định cư dự án Thủy điện Hủa Na. Ảnh: Phạm Bằng

Ông Lương Thái Quý - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho rằng, liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, việc đối trừ đất giữa nơi đi và nơi đến, người dân đã có đơn kiến nghị gửi lên cấp tỉnh. Dù thời gian trôi qua lâu nhưng đến nay chưa được giải quyết. Đồng Văn có 4 điểm tái định cư, nhưng chỉ có 2 điểm thực hiện được công tác này, 2 điểm còn lại thì từ tháng 5/2019 đến nay, Công ty CP Thủy điện Hủa Na dừng lại không thực hiện nữa.

“Đề nghị các đại biểu Quốc hội có tiếng nói đến các cơ quan chức năng để Công ty CP Thủy điện Hủa Na đền bù cho người dân đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân”, cử tri Ngân nói.

Ông Lương Thái Quý - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn đề nghị Công ty CP Thủy điện Hủa Na trích lợi nhuận để hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu tái định cư. Ảnh: Phạm Bằng
Ông Lương Thái Quý - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn đề nghị Công ty CP Thủy điện Hủa Na trích lợi nhuận để hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu tái định cư. Ảnh: Phạm Bằng

Ông Quý còn cho rằng, Nhà máy Thủy điện Hủa Na đã phát điện 7 năm, mỗi năm thu được hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận. Trong khi, các công trình thiết yếu, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp. Vì thế, ông đề nghị các ĐBQH làm việc với các ngành, đề nghị nhà máy trích một phần lợi nhuận cho huyện, xã để tái đầu tư các công trình hạ tầng trên địa bàn.

Giải trình các kiến nghị của cử tri, ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho rằng, huyện đã tiếp nhận hàng trăm lá đơn của công dân kiến nghị, phản ánh những vấn đề liên quan đến dự án Thủy điện Hủa Na. Trong đó, nhức nhối nhất vẫn là việc đối trừ giá trị quyền sử dụng đất nơi đi và nơi đến.

“Năm 2019, huyện đã tổ chức đối thoại, có đại diện công ty đến dự, quyết tâm đến hết năm 2019 cơ bản giải quyết dứt điểm các tồn tại. Nhưng sau đó, Công ty CP Thủy điện Hủa Na có văn bản thay đổi cách tính việc đối trừ giá trị quyền sử dụng đất nơi đi và nơi đến. Từ đây, sự việc càng thêm phức tạp”, ông Giáp nói và khẳng định, theo quy định pháp luật, loại đất nào thì đối trừ bằng loại đất đó. Quy định này hoàn toàn đúng pháp luật và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong đề nghị người dân tin tưởng, chờ đợi sự giải quyết của các cấp, ngành. Ảnh: Phạm Bằng
Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong đề nghị người dân tin tưởng, chờ đợi sự giải quyết của các cấp, ngành. Ảnh: Phạm Bằng

Để giải quyết vấn đề trên, huyện Quế Phong đã trực tiếp làm việc với nhiều ngành, UBND tỉnh, với quan điểm là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề này cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong mong người dân tiếp tục tin tưởng, chờ đợi, không nên có những bức xúc thái quá, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cũng giải trình nhiều nội dung liên quan đến chế độ bảo vệ rừng, hỗ trợ xi măng, chế độ cho cán bộ xóm, xã sau sáp nhập, đường giao thông, điện... Về tình trạng xuống cấp các công trình nước sạch tại 13 điểm TĐC, Chủ tịch UBND huyện cho biết sẽ cố gắng sắp xếp kinh phí đối ứng, sửa chữa các công trình nước sạch cho người dân sử dụng.

Trả lời ý kiến của cử tri, đồng chí Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, vấn đề đền bù tái định cư và hỗ trợ hậu tái định cư cho người dân các xã trên địa bàn huyện Quế Phong đã kéo dài nhiều năm nay, việc người dân bức xúc là điều dễ hiểu.

Đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức một buổi làm việc với UBND tỉnh, UBND huyện Quế Phong và MTTQ tỉnh để giải quyết vấn đề này.
“Làm gì thì làm, nhân dân không ổn thì chắc chắn sản xuất kinh doanh trên địa bàn cũng sẽ không ổn”, đồng chí Phan Đình Trạc nói.
Đại biểu Quốc hội Phan Đình Trạc – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trả lời những kiến nghị của cử tri. Ảnh: Phạm Bằng
Đại biểu Quốc hội Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trả lời những kiến nghị của cử tri. Ảnh: Phạm Bằng

Về những kiến nghị của người dân xung quanh chính sách cho đồng bào miền núi, đồng chí Phan Đình Trạc cho biết, vừa rồi, Quốc hội đã thông qua Đề án, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Mục tiêu là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Đồng chí Phan Đình Trạc cũng trả lời các cử tri về các nội dung liên quan đến chính sách cán bộ xã dôi dư sau sáp nhập, chế độ phụ cấp đối với cán bộ vùng biên giới, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng vùng tái định cư, việc Công ty CP Cao su Nghệ An lấn đất của người dân…

Các ĐBQH tặng 20 món quà cho 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ảnh: Phạm Bằng
Các ĐBQH tặng quà cho 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng thời, mong người dân tiếp tục khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, an ninh biên giới.

Dịp này, các ĐBQH tặng quà cho 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Đồng Văn.

Tin mới