Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư: Đấu tranh chống cái xấu thì thông tin phải chắc chắn

"Đấu tranh chống cái xấu thì thông tin phải chắc chắn, đấu tranh phải sắc sảo, dũng cảm, kiên định, không để bị mua chuộc", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Tới dự có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT; cùng nhiều lãnh đạo Bộ, ngành, cơ quan báo chí.

- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đặc biệt lưu ý hiện trạng biểu hiện suy thoái ở trong chính nội bộ báo chí
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đặc biệt lưu ý hiện trạng biểu hiện suy thoái ở trong chính nội bộ báo chí.

Phát biểu tại Tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định: "Việc đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống là công việc rất quan trọng nhằm xây dựng chỉnh đốn Đảng để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. 

Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu rõ việc cần phải phát huy vai trò, đề cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm nặng nề. Mỗi tờ báo, người làm báo phải ý thức rõ trách nhiệm này".

Cũng theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, với vai trò vũ khí tư tưởng mạnh mẽ, trong thời gian vừa qua, báo chí đã tích cực đi đầu trong việc tham gia phát hiện những biểu hiện, hành vi tiêu cực, lãng phí, tham liêu, suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Nhưng cũng có một số việc báo chí làm chưa tốt lắm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: "Nếu không có sự tham gia của nhân dân thì không thể thành công trong công cuộc phòng, chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Phải phát huy tiếng nói của nhân dân thông qua các cơ quan báo chí. Báo chí phải truyền tải những nội dung chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, làm cho người dân, cán bộ hiểu rõ rằng nếu không chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống từ bây giờ thì không có ngày mai. Đây là sự đe dọa với sự tồn vinh của Đảng và đất nước. Báo chí cũng cần làm rõ những quy trình, con đường, cơ chế giúp tự duy trì các hành vi tham nhũng, tiêu cực, hành vi suy thoái, gây hại cho đất nước".

Thứ nhất là còn hạn chế trong nội dung thông tin tuyên truyền trên báo chí về đấu tranh chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. "Không máy móc chuyện 7 màu hồng 3 màu tối, nhưng để 1 tờ báo khi tổng kết lại 1 năm đưa 156 tin bài chỉ có 3 - 4 tin bài tốt thì cũng không phản ánh đúng tình hình của xã hội", đồng chí Võ Văn Thưởng nói.

Sự mất cân đối còn ở chỗ khi tuyên truyền cái tốt thì nội dung còn ít, tính điển hình đôi khi không cao, sức lan tỏa không lớn, đưa không thường xuyên, đưa ở những vị trí, thời điểm không được đọc nhiều. Việc đưa thông tin đấu tranh chống cái xấu nhiều khi không đạt yêu cầu, có khi chỉ đưa tin về cái xấu rồi bỏ ngỏ đó, số vụ việc phát hiện được còn ít, tính đấu tranh chưa sắc sảo, thông tin chưa vững chắc, độ dũng cảm và kiên định đôi khi bị lung lay, thậm chí bị mua chuộc.

Thứ hai, trong thực tế cũng có biểu hiện suy thoái ở trong chính nội bộ báo chí. "Có một thông tin tôi đọc được mà mong nó không đúng. Đó là  Công ty Indochina Research vừa công bố kết quả điều tra (đã được tiến hành hồi tháng 11/2016 với 700 người ở Hà Nội và TP.HCM) cho biết, trong 10 nhóm ngành nghề khảo sát thì nhà báo được xếp vào nhóm không được tin tưởng nhất (đứng số 1 trong 10 ngành nghề, đứng thứ nhì là cò môi giới bất động sản). 

Nếu nghiên cứu này thực sự có cơ sở thì đây là điều chúng ta phải tự soi rọi bản thân, trước mắt bằng phương pháp tự phê bình và phê bình để mình thực sự gương mẫu, tuân thủ pháp luật, có nền tảng kiến thức thì bài viết mới thực sự có giá trị lay động xã hội. Đây là vấn đề phải rút kinh nghiệm", đồng chí Võ Văn Thưởng chia sẻ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương còn nhấn mạnh hiện trạng lợi dụng quyền tự do báo chí để phục vụ các nhóm lợi ích ngày càng nghiêm trọng. Trên thực tế đã có hiện tượng lợi dụng đấu tranh chống tiêu cực để mưu đồ cá nhân. 

Vụ "nước mắm" nổi trội, rùm beng cả xã hội, lộ ra ai cũng thấy. Nhưng giá trị tiền bạc của vụ đó còn nhỏ hơn nhiều vụ chưa lộ ra. Mặt khác, "vẫn có hiện tượng phóng viên tới công ty này công ty khác nói rằng có vấn đề, nếu không nhận tờ báo này làm bảo trợ thông tin thì mai mốt báo khác đưa tin sẽ ảnh hưởng tới công ty. Đây là hình thức tiêu cực, lợi dụng báo chí, nói trắng ra là tống tiền", đồng chí Võ Văn Thưởng trăn trở nói.

Toàn cảnh buổi tọa đàm chiều 6/1/2016 tại Hà Nội.
Toàn cảnh buổi tọa đàm chiều 6/1/2016 tại Hà Nội.

Để thời gian tới báo chí phát huy tốt hơn vai trò của mình trong đấu tranh phòng chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nêu rõ một số việc cần làm.

Cụ thể, các cơ quan chủ quản, lãnh đạo báo chí phải quán triệt sâu sắc hơn nội dung tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, phải nhận thức đầy đủ các biểu hiện của sự suy thoái của tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". 

Báo chí cần tuyên truyền để mọi người thấy đây là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp, không đến mức không thể chống, không thể đấu tranh được, nhưng nếu làm không tốt, không có kết quả thì ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí phải thống nhất, thông suốt, thường xuyên, kịp thời. Phải tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo định hướng của Đảng, quản lý của nhà nước đối với hoạt động báo chí. Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng trong các cơ quan báo chí. Mỗi tờ báo phải tăng cường giáo dục đội ngũ của mình để khắc phục sự suy thoái trong chính nội bộ. Các cơ quan báo chí cần tăng số lượng tin bài tốt, phát hiện nhiều điển hình thật sự tiêu biểu, có sức lan tỏa. Đấu tranh chống cái xấu thì thông tin phải chắc chắn, đấu tranh phải sắc sảo, dũng cảm, kiên định, không để bị mua chuộc.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng bày tỏ sự thống nhất cao với ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân về việc sẽ tạo cơ chế để giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Hội Nhà báo Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương cứ 3 tháng 1 lần cùng ngồi lại thống kê các sự việc báo nêu để báo cáo các cơ quan chức năng nghiên cứu, giải quyết.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN

Tin mới