Truông Bồn - Huyền thoại thiêng liêng, bất tử

(Baonghean) - Những ngày này, dòng người từ muôn phương lại về với Truông Bồn. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày cuối cùng của tháng Mười năm 1968 định mệnh ấy, khói hương dường như chưa bao giờ tắt nơi chiến địa xưa. Truông Bồn đã trở thành mảnh đất thiêng liêng, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp lớp thế hệ trẻ.

Lịch sử và những giá trị nhắc nhớ về chiến tranh của quê hương luôn khắc ghi sự kiện ngày 31/10/1968 - một ngày trước khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom toàn miền Bắc. Chỉ một ngày nữa thôi, nhưng 13 người con trai, con gái phơi phới tuổi thanh xuân của “Tiểu đội thép anh hùng”, Đại đội 317-N65-Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước đã không kịp bước chân về phía hoà bình. Trong ngày cuối cùng của tháng Mười định mệnh ấy, một trận bom thù của giặc Mỹ dồn dập ném xuống, vĩnh viễn vùi lấp 13 TNXP quả cảm vào lòng đất Mẹ yêu thương nơi trọng điểm chiến địa Truông Bồn…

Bộ đội và lực lượng thanh niên xung phong bàn phương án bảo vệ đường Truông Bồn năm 1968. Ảnh tư liệu

Trong khu mộ chung tại Khu di tích Truông Bồn hôm nay, tấm bia đá hoa cương khắc ghi tên tuổi của 13 chiến sỹ TNXP anh hùng: Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Đang, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên, Đàm Thị Bốn, Trần Thị Doãn, Đinh Thị Vinh, Trần Văn Hạp, Cao Ngọc Hòa.

Người duy nhất sống sót trong tiểu đội thép năm ấy là tiểu đội trưởng Trần Thị Thông. Trong những lần gặp gỡ, trò chuyện với bà, thường nghe nữ cựu TNXP này nhắc nhớ về sự “may mắn” ấy, bà nói, chỉ chậm ít phút nữa thôi, bà sẽ không còn gắng gượng được nữa.

Khi trận bom đầu tiên trút xuống, bà cùng đồng đội chạy vào trú ẩn dưới hầm chữ A. Thế nhưng, cơn mưa bom không có dấu hiệu dừng lại, những tiếng động dữ dội, những cột khói và quầng lửa cứ bốc mãi lên cao trùm lên khu vực dốc Kỳ Lợn.

Cuối cùng, cho đến khi bà cũng không còn đếm nổi là lượt bom thứ bao nhiêu thì căn hầm sập xuống, đất đá đổ ập lên vùi lấp tất thảy. Suốt cuộc đời, bà không thể nào quên khoảnh khắc sự sống dần mất đi, đến khi chỉ còn thoi thóp, bà lơ mơ nghe những tiếng gọi thất thanh…

Một trong những người khàn giọng gọi tên đồng đội sau trận bom kinh hoàng ấy là Lê Thị Hường - đội viên TNXP của Tiểu đội 2, Đại đội 317. Trở về sau cuộc chiến, sống đơn thân lặng lẽ trong xóm nhỏ ở xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, đêm đêm, bà Hường lặng lẽ đối diện với nỗi trống trải của lòng mình. Ký ức tưởng chừng đã ngủ yên lại trỗi dậy, cứa vào tâm trí những khắc khoải khôn nguôi. Bà bảo, sau loạt bom cuối cùng, anh em TNXP Đại đội 317 chạy ào ra dốc Kỳ Lợn để kiếm tìm đồng đội. Chính đôi bàn tay bà đã như điên dại cào từng vạt đất, lật từng tảng đá và hét lên trong vô vọng: “Có ai còn sống không! Trời ơi, có ai còn sống không?!” “Đang ơi, Hoài ơi, Dung, Bốn, Doãn, Vinh… ơi!” Không một mảy may hồi đáp. Không có phép màu nào cho những người con trai, con gái Truông Bồn. Tiếng gọi tuyệt vọng rơi vào khoảng không thinh lặng sau trận chiến; và đến nay, 49 năm đã trôi qua, vẫn dội vào lòng bà một nỗi đau.

Với bà Trần Thị Thông, bà Lê Thị Hường và nhiều cựu TNXP khác nữa, Truông Bồn đã trở thành cụm từ đại diện cho tất cả những gì thương đau nhất mà bi tráng nhất, cho tuổi thanh xuân trọn vẹn cống hiến cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 13 người nằm lại ở Truông Bồn trong giờ khắc ấy, trẻ nhất chỉ 17, lớn tuổi nhất cũng vừa 22.

Chân dung 13 liệt sỹ Tiểu đội 2 thanh niên xung phong hy sinh ngày 31/10/1968. Ảnh tư liệu

13 tuổi thanh xuân, 13 câu chuyện vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất, có những người không có một tấm di ảnh để lại. Họ đã hiến dâng tuổi trẻ, tình yêu, ước vọng tương lai... của mình để làm nên một Truông Bồn bất tử.

Bây giờ mỗi ngày, tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, các thuyết minh viên kể lại cho du khách nghe về chiến công và sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ TNXP quả cảm. Một câu chuyện xứng đáng được nhắc nhớ, tri ân mỗi ngày.

Hôm nay, trên vùng đất Mỹ Sơn (Đô Lương), thế hệ trẻ đang có những hành động thiết thực để tưởng niệm sự kiện ngày 31/10/1968. Hơn 300 gốc cây mua, cây sim tím đã được trồng dọc theo các con đường ở khu di tích, dự kiến, sang năm 2018, những gốc cây rừng sẽ nở hoa, tô thắm thêm vẻ đẹp chốn này.

Du khách nghe thuyết minh tại Khu Di tích lịch sử Truông Bồn (Mỹ Sơn, Đô Lương). Ảnh: Thành Cường

Những ngày cuối tháng 10, không khí ở Khu di tích Truông Bồn rộn ràng hơn thường lệ. Ngay tại khu vực tượng đài chiến thắng Truông Bồn, công tác chuẩn bị cho sự kiện lễ kỷ niệm với chủ đề “Huyền thoại Truông Bồn” diễn ra vào đêm 29/10 đang bước vào các công đoạn cuối cùng. Những cờ hoa rực rỡ, ánh sáng lấp lánh thắp sáng vùng chiến địa khốc liệt năm xưa, như minh chứng cho những đổi thay và khát vọng của hôm nay.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban Quản lý Khu di tích Truông Bồn đã đón tiếp, phục vụ hơn 1.683 đoàn đại biểu của Trung ương, các địa phương trong và ngoài tỉnh, với hơn 60.000 đại biểu và hơn 30.000 lượt người dân, du khách về thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sĩ (trung bình mỗi ngày đón hơn 9 đoàn với gần 350 đại biểu và gần 200 người dân, du khách).

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN
130 đoàn viên, chiến sỹ trồng hoa mua và sim tím tại Truông Bồn
Vọng mãi Truông Bồn
Đưa Khu di tích Truông Bồn vào tour du lịch tâm linh Nghệ An
Ký ức Truông Bồn
Truông Bồn - 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Tin mới