Trưởng đại diện UNESCO nói về quan điểm ngoại giao độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Baonghean.vn) - Ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định: Bôn ba qua các đại dương và lục địa, từ phương Đông sang phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh hình thành một quan điểm độc đáo về tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa. Di sản Hồ Chí Minh trở thành “sức mạnh mềm” của văn hóa quốc gia.

 “Sức mạnh mềm”

Tôi rất vinh hạnh khi có cơ hội được ở đây hôm nay để thảo luận những đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngoại giao văn hóa.

Ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo quốc tế "Di sản Hồ Chí Minh với ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới" . Ảnh: Thanh Lê
Ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo quốc tế "Di sản Hồ Chí Minh với ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới" . Ảnh: Thanh Lê

Tôi tin tưởng rằng, mỗi chúng ta có mặt ở đây vì những lý do quan trọng hơn là sự quan tâm đơn thuần đến lịch sử. Buổi thảo luận hôm nay có thể chỉ mang tính lý luận, nhưng đây là một trong những vấn đề liên quan trực tiếp đến vị trí của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và tầm ảnh hưởng tới phát triển của công tác đối ngoại của quốc gia.

Hơn nữa ngoại giao văn hóa không đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trái lại ngoại giao văn hóa được biến đổi qua cuộc cách mạng này.

Vì vậy, việc rà soát, đánh giá di sản Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này rất quan trọng, vì chúng ta tìm cách đánh giá lại một khái niệm như ngoại giao văn hóa, trước tiên chúng ta phải nhìn lại những thành tựu, những bài học đắt giá của các lãnh tụ, nhà tư tưởng vĩ đại để lại.

Bôn ba qua các đại dương và lục địa, từ phương Đông sang phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh hình thành một quan điểm độc đáo về tầm quan trọng của đối thoại liên văn hóa làm nền tảng cho sự hiểu biết lẫn nhau và là một công cụ ngoại giao quan trọng.

Ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa nhân văn, với sự hiểu biết sâu sắc của Người về bản chất con người đã làm sáng tỏ sự thật lịch sử. Đối với tôi, sự sáng tỏ này là điều khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những cân nhắc, yêu cầu về một nền hòa bình trong tương lai vào việc ra quyết định đường lối, chính sách, ngay cả khi Người đang chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc lâu dài.

...Chúng ta biết qua nhiều sự kiện lịch sử rằng, sự tự tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ sự hiểu biết của Người về chân lý ở trung tâm của cuộc đấu tranh - niềm tin của nhân dân Việt Nam về một quốc gia thống nhất (và do đó quyền thực thi độc lập, tự do dân tộc là kết quả tất yếu).

Và, nếu một nền văn hóa chia sẻ là nền tảng của sự thống nhất đó, thì bước đi của Người ngay sau khi giành độc lập đã khuyến khích, củng cố nỗ lực ngoại giao trong cùng đường lối thống nhất.

Như chúng ta đã biết, điều này đã góp phần vào thành công lớn của dân tộc. Các tiếp cận uyên bác đã mang lại hiệu quả vươn xa tới những mối quan hệ chính thức của một quốc gia với các quốc gia có mối quan hệ thân thiết, hay cả với các quốc gia khác.

Do đó, việc áp dụng ngoại giao văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt người dân và văn hóa Việt Nam làm cốt lõi, có thể kết nối hiệu quả những cá nhân ủng hộ công lý và tự do. Nhiều người trong số họ, trên thực tế, chính là những công dân của các quốc gia mà Việt Nam từng đấu tranh.

Hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam

Ngày nay, hệ thống quốc tế đang trong chu kỳ thay đổi. Dưới bối cảnh còn tồn tại nhiều phức tạp và bất ổn, những người đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng hướng đi của một quốc gia trên trường quốc tế vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Con đường phía trước dường như còn nhiều điều chưa thể dự đoán, thậm chí những nhà lý luận cổ điển về chính sách đối ngoại chưa bao giờ đối mặt với thực tế ngày nay, hình ảnh của quốc gia đang ngày càng được định hình bởi nhận thức toàn cầu trực tuyến, nghĩa là, ở một mức độ nhất định nào đó, chúng ta không còn là những gì chúng ta nói - mà những gì người khác nói về chúng ta.

Vậy thực tế mới này có ý nghĩa như thế nào đối với ngành Ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh thế kỷ XXI?

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Lê
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Lê

Thực tế những câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ phụ thuộc vào “sức mạnh mềm” văn hóa quốc gia. Bởi vậy, ngoại giao văn hóa sẽ chỉ có thể phát triển tầm quan trọng của nó trong vai trò là một công cụ cho các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam.

Vào thời điểm khi một quốc gia mở rộng các mối quan hệ để gắn kết với cộng đồng khu vực và quốc tế nhằm đảm bảo cho các mục tiêu kinh tế và ngoại giao, đây là bước đi đúng đắn khi chúng ta nhìn lại di sản Hồ Chí Minh, không chỉ đơn giản từ góc độ lịch sử, mà còn đảm bảo những chính sách hiện nay phản ánh được bài học sâu sắc và tầm nhìn xa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu trước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiểu rất rõ, làm thế nào để đất nước Việt Nam có thể tạo ra và duy trì quyền lực mềm là trung tâm của quốc gia độc lập tự chủ, đồng thời cũng là chìa khóa tốt nhất đưa Việt Nam đến sự thành công, ổn định, hòa bình.

Tin mới