Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh- địa chỉ đào tạo theo định hướng ứng dụng có uy tín khu vực miền Trung

Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Phạm Hữu Truyền - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh nhân Đại hội Đảng bộ Trường nhiệm kỳ 2020-2025.

P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật mà Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020?

Đồng chí Phạm Hữu Truyền: Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiệm kỳ 2015-2020, toàn Đảng bộ và cán bộ, đảng viên, sinh viên, học viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XXV đạt được những kết quả quan trọng.

Đảng ủy đã kịp thời bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị cho mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức, SV, HV trong toàn trường; triển khai học tập, quán triệt Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Về cơ bản, tình hình chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, SV, HV trong toàn Đảng bộ ổn định.

Đảng ủy đã chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị theo tinh thần NQTW6 (khóa XII). Kết quả giảm được 4 đầu mối (phòng, khoa, trung tâm) cấp Trường, 10 đầu mối (bộ môn, xưởng) cấp khoa; 13 cán bộ quản lý cấp trường và cấp khoa. Công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ; việc thi tuyển viên chức nghiêm túc đúng quy định; công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện đúng quy trình, công khai dân chủ; công tác đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng cả về bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Trường không ngừng được nâng lên.

Thực hiện đổi mới phương thức tuyển sinh, nhà trường đã xây dựng và thực hiện đề án tuyển sinh riêng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động tuyển sinh, kết hợp chặt chẽ giữa tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm cho SV tốt nghiệp. Kết quả tuyển sinh các hình thức và trình độ đào tạo dài hạn trong nhiệm kỳ đạt quy mô từ 1.700 – 1.900 SV/năm, tuyển sinh đào tạo ngắn hạn 3.937 học viên, đánh giá kỹ năng nghề cho 266 người; đào tạo, bồi dưỡng LHS Lào: 235 HV, SV. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An, từ năm 2017, Trường đã thực hiện tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng các ngành nghề theo chỉ tiêu của UBND tỉnh giao với tổng số sinh viên là 670 người.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, trường đã mở thêm 2 ngành đào tạo thạc sĩ, mở mới 2 ngành và chuyển đổi 1 ngành đào tạo trình độ đại học; đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho 26 ngành nghề trình độ cao đẳng; đăng ký đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho 8 nghề trình độ bậc 3; thực hiện tự chủ về đào tạo Giáo dục quốc phòng an ninh; được tổ chức City & Guilds (Vương Quốc Anh) cấp giấy phép đào tạo và đánh giá kỹ năng nghề Quốc tế; được tổ chức ICDL Việt Nam cấp giấy phép đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cấp chứng chỉ Công nghệ thông tin chuẩn Quốc tế.

Nhà trường đã thực hiện xây dựng, chỉnh sửa bổ sung 12 chương trình đào tạo đại học, 26 chương trình đào tạo cao đẳng theo hướng ứng dụng đáp ứng nhu cầu của xã hội; nâng cao chất lượng công tác khảo thí, tập trung xây dựng hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi; tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, thi tay nghề cho SV; cử SV tham gia các kỳ thi olympic, thi tay nghề…; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Thông tin – Thư viện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quan hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước từ tuyển sinh, đào tạo, hướng dẫn SV thực tập, tư vấn và tiếp nhận SV làm việc sau tốt nghiệp, đánh giá kết quả và chương trình đào tạo… với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, công tác đào tạo của Nhà trường đạt được nhiều kết quả tốt, chất lượng đào tạo hàng năm không ngừng được nâng lên.

Hoạt động NCKH luôn được quan tâm và tạo mọi điều kiện để phát triển. Trường đã thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành nhằm mục đích tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, HV, SV phối hợp, hỗ trợ nhau trong xây dựng ý tưởng, đăng ký và triển khai hoạt động NCKH các cấp, thúc đẩy gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Nhiệm kỳ 2015 – 2020, đã triển khai thực hiện 05 đề tài NCKH cấp Bộ, 01 đề tài cấp tỉnh, 49 đề tài cấp trường; có 11 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học nước ngoài, 157 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước, 144 bài đăng ở các hội thảo khoa học trong và ngoài nước và các sản phẩm khoa học công nghệ khác.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế để nâng cao vị thế của nhà trường. Trong nhiệm kỳ, đã ký kết 30 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác với 21 đối tác quốc tế hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá kỹ năng nghề, trao đổi SV với các đối tác Châu Âu và Châu Á; phát triển mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác với 12 đối tác của CHDCND Lào; tham gia 3 dự án hợp tác quốc tế; cử 18 SV tham gia chương trình trao đổi và 20 cán bộ, giáo viên tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo tại nước ngoài.

P.V: Từ những kết quả đã đạt được, mục tiêu, phương hướng phát triển của nhà trường trong nhiệm kỳ 2020-2025 được xác định như thế nào, thưa ông?

Đồng chí Phạm Hữu Truyền: Căn cứ kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 và trên cơ sở dự báo tình hình trong chặng đường mới, Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh xác định mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2020-2025 là: Từng bước xây dựng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh trở thành trường Đại học sư phạm kỹ thuật đào tạo theo định hướng ứng dụng có uy tín trong khu vực miền Trung và cả nước; kết hợp công tác đào tạo và NCKH, ứng dụng chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật vào thực tiễn; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Theo đó, đến năm 2025, 100%  đội ngũ giảng viên đạt chuẩn theo quy định,  20% có trình độ tiến sĩ, 2-3 giáo viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư; 100% cán bộ quản lý và các cấp ủy viên đạt trình độ lý luận chính trị theo quy định; Mở thêm 3-5 ngành đào tạo đại học, 1-2 ngành đào tạo thạc sĩ, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 01 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ; duy trì quy mô đào tạo 6.000 – 7.000 SV, HV; 50-60% SV, HV xếp loại tốt nghiệp khá, giỏi; tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp 100%; hoàn thành kiểm định cơ sở giáo dục đại học, 3-4 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn Quốc gia, có ít nhất 01 chương trình được kiểm định theo chuẩn Quốc tế. Hàng năm, Nhà trường và các tổ chức đoàn thể được cấp trên trực tiếp xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Đảng bộ Nhà trường được công nhận Đảng bộ cơ sở đạt tiêu chuẩn Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

P.V: Để thực hiện mục tiêu đó, trường đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Hữu Truyền:  Để đạt mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ mới, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách và quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy Nghệ An để kịp thời xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ một cách khoa học, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Trong đó:

– Tập trung phát triển cơ cấu ngành, quy mô và loại hình đào tạo hợp lý; nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; xây dựng thương hiệu đào tạo Sư phạm kỹ thuật, Kỹ thuật và Công nghệ. Phát triển chương trình, giáo trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, từng bước tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho người học.

– Tạo sự đột phá trong NCKH; đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất; tập trung bồi dưỡng năng lực để cán bộ, giảng viên có đủ điều kiện chủ trì các nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp tỉnh.

– Duy trì tốt những quan hệ hợp tác đã có, đồng thời tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các trường đại học và các tổ chức quốc tế để trao đổi chương trình đào tạo, trao đổi học thuật; hợp tác trong NCKH; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, SV; tìm kiếm việc làm sau đào tạo; thu hút nguồn lực cho sự phát triển của Nhà trường và tạo ra nguồn thu từ các hoạt động HTQT.

– Làm tốt công tác quản lý và hỗ trợ người học; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho người học; tạo môi trường lành mạnh, an toàn để SV, HV có điều kiện học tập, rèn luyện tốt.

– Tăng cường và đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư, để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; ổn định và từng bước nâng cao đời sống cho người lao động.

– Quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; củng cố xây dựng khối đoàn kết thống nhất, xây dựng Đảng bộ Trường trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức

– Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn và hiệu quả; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!