Trường Đại học Vinh: Tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh

(Baonghean) - Năm học 2016 - 2017, Trường Đại học Vinh chuyển từ phương thức tuyển sinh theo ngành sang phương thức tuyển sinh theo nhóm ngành. Mục đích chính là nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh trong đăng ký xét tuyển, đảm bảo chất lượng, phù hợp với ngành nghề đào tạo, thực tiễn địa phương và nhu cầu nhân lực xã hội. Để hiểu rõ hơn về phương thức tuyển sinh mới này, Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn GS,TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng nhà trường.

P.V: Thưa Giáo sư, một số phụ huynh, thí sinh vẫn chưa hiểu rõ về phương thức tuyển sinh theo nhóm ngành. Vậy nó khác với hình thức trước đây như thế nào?

Giảng viên hỗ trợ, tư vấn cho thí sinh đến đăng ký tại Trường Đại học Vinh.
Giảng viên hỗ trợ, tư vấn cho thí sinh đến đăng ký tại Trường Đại học Vinh.

GS. TS Đinh Xuân Khoa: Việc tuyển sinh và đào tạo theo nhóm ngành là một xu thế phát triển tất yếu của giáo dục đại học Việt Nam. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành tuyển sinh đại học theo nhóm ngành và nhóm trường. Với cách làm này, sẽ thúc đẩy các trường đại học tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; bảo đảm công khai, minh bạch trong xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh; cân đối quy mô đào tạo giữa các ngành nghề, phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Tuyển sinh theo nhóm ngành sẽ mở ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong quá trình học tập cũng như tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Hơn thế nữa, trong quá trình xét tuyển, việc tuyển sinh theo nhóm ngành sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh khi lựa chọn nghề nghiệp, cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ cao hơn so với cách thức tuyển sinh theo ngành như những năm trước đây.

Cũng cần thấy rằng, trong trường hợp các nhóm ngành và mỗi nhóm ngành sử dụng chung một mức điểm trúng tuyển sẽ không còn dẫn đến hiện tượng ngành có tỷ lệ chọi cao, ngành có tỷ lệ chọi thấp. Ngoài ra, thí sinh đạt điểm chuẩn sẽ được vào học chung nhóm ngành, phổ điểm trúng tuyển đối với thí sinh sẽ rộng hơn. Từ đó, cơ hội trúng tuyển và được học đúng ngành của thí sinh sẽ tăng lên rất nhiều.

Mặt khác, như chúng ta đã biết, trước đây tuyển sinh theo ngành, nhiều sinh viên sau khi vào học cảm thấy ngành học của mình lựa chọn không phù hợp, nên đã bỏ học giữa chừng để ôn và thi lại ngành học khác; việc làm đó vừa gây tốn kém cho gia đình, xã hội, vừa lãng phí thời gian của người học.

Trong khi đó, tuyển sinh và đào tạo theo nhóm ngành tạo cơ hội cho sinh viên sau khi trúng tuyển vào học có thể thay đổi ngành đào tạo - lựa chọn một ngành khác trong cùng nhóm ngành; hoặc có thể đăng ký học thêm cùng thời gian một ngành thứ hai thuộc nhóm ngành khác.

P.V: Giáo sư có thể nói rõ hơn về các nhóm ngành hiện nay và phương thức xét tuyển? Và việc nếu trúng tuyển, nhiều thí sinh băn khoăn về ngành mình sẽ được học sau khi kết thúc giai đoạn 1?

GS.TS Đinh Xuân Khoa: Theo kế hoạch tuyển sinh năm học 2016, Trường Đại học Vinh có 5.000 chỉ tiêu dành cho 5 nhóm ngành xét tuyển, đó là các ngành thuộc nhóm ngành Kinh tế; nhóm ngành Kỹ thuật, công nghệ; nhóm ngành Nông lâm ngư - môi trường; nhóm ngành Khoa học xã hội và nhân văn; nhóm ngành Sư phạm tự nhiên; nhóm ngành Sư phạm xã hội; (các ngành Sư phạm năng khiếu, Sư phạm Tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh tuyển theo ngành)...

Về nguyên tắc xét tuyển, không khác nhiều so với năm 2015. Theo đó, xét tuyển dựa trên kết quả của Kỳ thi THPT Quốc gia, điểm trúng tuyển sẽ lấy từ cao xuống đến hết chỉ tiêu của các nhóm ngành. Riêng đối với ba ngành: Nông học, Nuôi trồng thủy sản và Khuyến nông ngoài lấy kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia, trường còn xét tuyển theo học bạ. Trong đó tổng điểm các môn Toán học, Hóa học, Sinh học của cả 3 năm THPT (6 học kỳ) phải đạt từ 99 điểm trở lên.

Thí sinh đến đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Vinh trong năm học 2016.
Thí sinh đến đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Vinh trong năm học 2016.

Khi đăng ký xét tuyển, trong phiếu đăng ký thí sinh phải ghi cả nhóm ngành và ngành mình đăng ký (đăng ký ngành là cơ sở để kết thúc giai đoạn I nhà trường sắp xếp sinh viên vào học giai đoạn II). Sau khi trúng tuyển, chương trình học của sinh viên sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I: thời gian đào tạo là 1,5 năm; giai đoạn II: thời gian đào tạo là 2,5 năm (đối với hệ đào tạo 4 năm); 3,5 năm (đối với hệ đào tạo 5 năm).

Sau khi kết thúc giai đoạn I, căn cứ vào ngành đăng ký xét tuyển trong hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, kết quả điểm 3 môn thi theo tổ hợp môn xét tuyển và kết quả học tập giai đoạn I của sinh viên, nhà trường sẽ xét, phân ngành học cho sinh viên vào học giai đoạn II các học phần ngành và chuyên ngành. Đây là một lợi thế không nhỏ mà việc triển khai đào tạo theo nhóm ngành đưa lại cho sinh viên, giúp sinh viên chủ động hơn trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp, đáp ứng tốt nguồn nhân lực và các ngành nghề mà xã hội đang cần.

Ảnh minh họa: Tư liệu
Ảnh minh họa: Tư liệu

Tuyển sinh theo nhóm ngành cũng là bước đi quan trọng trong quá trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường. Việc triển khai tuyển sinh theo nhóm ngành là một việc làm cần thiết, đem lại lợi ích thiết thực cho người học, nhà trường và xã hội. Một mặt, mở ra nhiều cơ hội trong học tập và việc làm cho người học sau khi ra trường, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Mặt khác, là cơ sở, nền tảng để Trường Đại học Vinh trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, là thành viên của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á.

P.V: Xin cảm ơn giáo sư!

Thí sinh và phụ huynh có thể tìm hiểu các thông tin bằng cách truy cập vào website: vinhuni.edu.vn: mục tuyển sinh/đại học chính quy, tuyensinh.vinhuni.vn, Báo Dân trí, Báo Tuổi trẻ, Báo Nghệ An hoặc liên hệ qua đường dây nóng tư vấn tuyển sinh: 0388.988.989.


Mỹ Hà (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới