Trường đào tạo 'hạt giống đỏ' đầu tiên cho Cách mạng Việt Nam

Di tích Lớp huấn luyện chính trị thanh niên Việt Nam tại số nhà 13, đường Văn Minh (nay là số nhà 248-250 đường Văn Minh) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc, bồi dưỡng cán bộ và sinh sống vào thời kỳ đại cách mạng của Trung Quốc năm 1924 sau khi đến Quảng Châu.

Sau khi tiếp nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin và trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc nhận rõ: Chỉ có thể cứu nước theo con đường cách mạng vô sản. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, từ những năm 1925-1927, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp thành lập Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, mở 3 lớp huấn luyện chính trị cách mạng cho lớp thanh niên ưu tú của Việt Nam, tạo tiền đề cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Gần 100 năm qua, Trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội – tại số nhà 13 (nay là số nhà 248-250) phố Văn Minh, quận Đông Sơn, thành phố Quảng Châu – trường đào tạo hạt giống đỏ cho tổ chức cách mạng của Việt Nam đã được Trung Quốc công nhận là di tích cách mạng, là điểm đến tham quan cho nhiều du khách.

Căn nhà số 13 (nay là 248 – 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Căn nhà số 13 (nay là 248 – 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Trong ngôi nhà 3 tầng nằm bên dòng Châu Giang hiền hòa vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật, tranh, ảnh về những năm tháng hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Đó là hình ảnh thanh niên 3 miền Bắc- Trung –Nam dự khóa huấn luyện đầu tiên. Nhiều học viên đã trở thành các nhà lãnh đạo nòng cốt của cách mạng Việt Nam sau này như Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng…
Nhiều năm làm hướng dẫn viên tại Khu di tích lịch sử này, chị Nhung Uy vô cùng cảm phục về quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Tinh thần của Bác Hồ trong quá trình hoạt động cách mạng gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Người không bao giờ từ bỏ và luôn luôn kiên định và ý chí của mình. Tất cả những đóng góp của Bác Hồ đem lại sức mạnh cho nhiều người và chính sự kiên định đó làm cho mỗi người đến đây tham quan đều rất cảm động” - chị Nhung Uy cho biết.

Đáng chú ý là tầng thượng của căn nhà có nhiều phòng. Căn phòng rộng nhất dùng làm lớp học. Với 3 hàng bàn nhỏ, những chiếc bàn cá nhân liền ghế bằng gỗ tạp, trải qua gần 100 năm đã xuống màu cũ kỹ. Tại đây, đồng chí Vương, tức Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp giảng dạy cho những thanh niên ưu tú của Việt Nam.

Căn phòng nghỉ nhỏ của đồng chí chỉ kê đủ 1 chiếc giường cá nhân và lối đi vào. Máy đánh chữ ở cuối giường, chính tại nơi này Người đã viết những bài giảng và được in thành cuốn sách nổi tiếng có tên: “Đường Kách mệnh”- Cẩm nang chứa đựng những đường nét cơ bản của con đường giải phóng Việt Nam khỏi chế độ thuộc địa.

Tại đây, còn có ký túc xá của học viên “Lớp huấn luyện chính trị thanh niên Việt Nam”, lúc đông nhất có đến 15 người. Đời sống của học viên rất gian khổ, ngủ giường tầng, mỗi người chỉ có chiếu cói, gối và một chăn chiên mỏng.

Căn nhà số 13 (nay là 248 - 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Căn nhà số 13 (nay là 248 - 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
 Theo ông Dương Kỳ - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh Quảng Đông, nơi này có vị trí quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. "Di tích Lớp huấn luyện chính trị thanh niên Việt Nam tại số nhà 13, đường Văn Minh (nay là số nhà 248-250 đường Văn Minh) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc, bồi dưỡng cán bộ và sinh sống vào thời kỳ đại cách mạng của Trung Quốc năm 1924 sau khi đến Quảng Châu. Nơi này có vị trí và ý nghĩa quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong 2,5 năm làm việc và sinh sống thì đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp và đào tạo nên những người lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam”.

Trung tuần tháng 10/1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc đã rời  Moscow, đáp chuyến tàu hỏa xuyên Siberia sang thành phố Vladivostok, thuộc Liên xô cũ. Từ đây, Người đi tàu thủy tới thành phố Quảng Châu - thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Trung Quốc do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, để tiếp tục chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giữa tháng 12/1924, Người thành lập tổ chức "Tâm Tâm xã" nhằm thu hút các thanh niên yêu nước Việt Nam. Đây là tổ chức tiền thân của "Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng  chí Hội". Tại đây, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp mở 3 lớp huấn luyện chính trị cách mạng cho 75 thanh niên ưu tú của Việt Nam. Trong tất cả những nghiên cứu của ông Hoàng Quần, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đều khẳng định, những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc đều rất phong phú, sát với đòi hỏi của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.

“Hồ Chủ tịch sang làm việc ở Quảng Châu, bước đầu là bồi dưỡng những cán bộ để thành lập Đảng. Lúc bấy giờ có rất nhiều thanh niên tiến bộ của Việt Nam đang hoạt động ở Quảng Châu. Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục cho họ, biến họ từ những người chỉ là có tình yêu nước, muốn lật đổ chế độ thực dân pháp, rồi dần dần tiến lên có tư tưởng cách mạng theo hướng Chủ nghĩa Mác” - ông Hoàng Quần cho biết.

Tháng 6/1925, kết thúc khóa huấn luyện đầu tiên, cũng ở trên tầng thượng ngôi nhà số 13 phố Văn Minh, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Gần 100 năm sau biết bao biến thiên, thay đổi của lịch sử, ngôi nhà bình dị ở khu phố Văn Minh đã trở thành một địa chỉ đỏ quan trọng cho những người dân Việt Nam tới thăm mỗi khi đến Quảng Châu, là một minh chứng sống động cho những năm tháng hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trước khi về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi vẻ vang./.

Tin mới