Trường học nước ngoài “vẽ đường cho hươu chạy” như thế nào?

Giáo dục giới tính rất được chú trọng tại nhiều nước. Các trường thường có chương trình phát bao cao su cho học sinh nhằm nâng cao ý thức tình dục an toàn.

Candice Jalili, phóng viên tại Elite Daily, từng theo học trường công giáo. Tại đó, cô cùng bạn học được dạy rằng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là sai trái. Hành vi sai lầm này có thể đẩy họ xuống địa ngục.

Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, Candice nhận ra cô dường như là nữ sinh duy nhất trong trường không có quan hệ thể xác với người khác.

Cô vẫn cho rằng càng ngày, cách người ta nhìn nhận về tình dục càng thoáng, số lượng học sinh trung học có quan hệ tình dục sẽ tăng. Song tình hình thực tế hoàn toàn trái ngược.

"Vẽ đường cho hươu chạy"
Theo số liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong giai đoạn 2005-2015, tỷ lệ học sinh trung học quan hệ tình dục giảm từ 47% xuống 41%.

Tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên cũng giảm liên tục trong vòng 20 năm qua và từ năm 1991 đến nay, con số này giảm 67%.

Trường học nước ngoài “vẽ đường cho hươu chạy” như thế nào? ảnh 1
Tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tại Mỹ ngày càng giảm. Ảnh: CDC

Điều đáng nói, phụ huynh, giáo viên không hề ngăn cấm và xã hội cũng không khuyến cáo trẻ vị thành niên tránh các hành vi tình dục. Thay vào đó, họ hướng dẫn các em đảm bảo an toàn và có nhận thức đúng đắn về tình dục.

Mỹ cũng như các nước châu Âu rất chú trọng giáo dục giới tính. Tại nước này, chương trình giáo dục toàn diện dần chứng tỏ tính hiệu quả và ngày càng phổ biến so với việc giáo dục ngăn cấm tình dục trước hôn nhân.

Về cơ bản, giáo dục giới tính tập trung việc giúp trẻ hiểu biết về đặc trưng giới tính, sức khỏe tình dục, tránh bệnh truyền nhiễm và ngừa thai. Chương trình cũng giúp định hướng tính hướng cho học sinh.

Giáo dục giới tính được đưa vào giảng dạy ở cấp trung học cơ sở. Tuy nhiên, ngày nay, phần lớn các trường bắt đầu giảng dạy từ cấp tiểu học.

Ở Anh, việc này còn bắt đầu sớm hơn. Lên 5 tuổi, trẻ được dạy về khác biệt giới tính, cách bảo vệ bản thân trước các hành vi tình dục.

Trong khi đó, trường học ở Thụy Điển dạy trẻ cách phòng tránh thai từ năm 7 tuổi.

Canada cũng là nước đi đầu về giáo dục giới tính. Chính phủ nỗ lực đưa kiến thức về an toàn tình dục đến với học sinh sớm nhất có thể, bất chấp sự phản đối cùng cáo buộc khiêu dâm từ một số nhóm phụ huynh.

Năm 2015, họ áp dụng chương trình giáo dục giới tính sửa đổi. Theo đó, học sinh lớp 1 học về tên các bộ phận cơ thể và cách đọc tín hiệu phi ngôn ngữ như nét mặt, giọng nói.

Học sinh lớp 2 tìm hiểu các giai đoạn phát triển, những thay đổi của cơ thể cùng một số hành vi bạo lực bằng lời nói và hành động. Giáo viên dạy học sinh lớp 3 về quan hệ đồng giới.

Trường học nước ngoài “vẽ đường cho hươu chạy” như thế nào? ảnh 2
Giáo dục giới tính được đưa vào giảng dạy từ sớm. Ảnh: PBS

Kiến thức về tuổi dậy thì vốn được dạy ở lớp 5, nay chuyển xuống lớp 4.

Học sinh lớp 6 tìm hiểu về thủ dâm và "sự biểu lộ giới tính". Chương trình lớp 7, 8 đề cập các biện pháp tránh thai, quan hệ tình dục bằng miệng hoặc qua đường hậu môn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ngoài ra, tại một số bang ở Mỹ, trường học phát bao cao su cho học sinh để ngăn ngừa tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn.

Một số nước châu Á như Philippines, Hàn Quốc cũng hành động tương tự, dù cách làm này không nhận được sự đồng thuận của nhiều bậc phụ huynh.

Phụ huynh thẳng thắn nói về sex
Ngoài các chương trình ở trường, phụ huynh phương Tây cũng thắng thắn trò chuyện với con về quan hệ tình dục dù rằng họ cũng khá bối rối khi nhắc đến vấn đề nhạy cảm này.

Với họ, việc dẫn đường để con chín chắn hơn khi nghĩ đến “chuyện người lớn” hiệu quả hơn nhiều so với để con thỏa mãn trí tò mò thông qua các văn hóa phẩm đồi trụy.

Tình trạng trẻ vị thành niên xem phim khiêu dâm được coi là dấu hiệu đáng ngại dù bà Elizabeth Schroeder, giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục Giới tính Answer tại Đại học Rutgers, Mỹ, khẳng định phần lớn trẻ em đều xem phim khiêu dâm. Đây là điều không thể tránh khỏi.

Do đó, nhiều phụ huynh thay vì ngăn cản con xem phim sex, họ thẳng thắn trao đổi với con về những tò mò về giới tính, tình dục.

Trường học nước ngoài “vẽ đường cho hươu chạy” như thế nào? ảnh 3
Sự trao đổi từ phụ huynh giúp trẻ hạn chế quan hệ tình dục sớm. Ảnh: Huffington Post

Laura Widman, giảng viên Tâm lý học tại ĐH North Carolina, Mỹ, cho biết phụ huynh không cần phải nắm nhiều kiến thức sức khỏe giới tính để nói chuyện với con.

Điều quan trọng, họ giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe, chia sẻ, giúp con hiểu tình dục không phải tội lỗi, nó xuất phát từ tình yêu và người trong cuộc phải có trách nhiệm với bản thân cũng như nửa còn lại.

Trong khi đó, không ít cha mẹ cho rằng việc nói với con về tình dục sẽ khiến trẻ hiểu nhầm đây là lời đồng ý ngầm để chúng làm chuyện người lớn.

Lý giải băn khoăn này, Vincent Guilamo-Ramos, giáo sư ĐH New York, khẳng định khi trao đổi với phụ huynh, vị thành niên hình thành suy nghĩ chín chắn, và thông thường sẽ quan hệ tình dục muộn hơn so với những người không nhận được sự quan tâm từ bố mẹ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên dành cho phụ huynh khi những đứa con tuổi teen của họ mang thai ngoài ý muốn. Đây chắc chắn là trải nghiệm khó khăn với bậc làm cha mẹ khi để con họ lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Kate Walker, một phụ nữ ngoài 30 tuổi ở Anh, thực sự choáng váng khi biết mình chuẩn bị lên chức bà ngoại. Cô thấy xấu hổ, nhưng trên hết là cảm giác đau xót khi nhìn những giọt nước mắt hối lỗi của con gái Susan.

Sau phút bàng hoàng ban đầu, cô trò chuyện với con về bố đứa trẻ và mối quan hệ của họ. Cũng như con gái cô, cậu ta còn quá trẻ để gánh vác trách nhiệm này. Hai mẹ con đứng trước lựa chọn khó khăn.

Trước khi đưa ra quyết định, hai người gặp bác sĩ tâm lý, hiểu ra rằng cuộc sống không chấm dứt khi mang thai ở tuổi vị thành niên và đứa con ấy đáng giá được cuộc đời chào đón.

Cô quyết định nghe theo lời khuyên, cùng con vượt qua những ngày tháng đen tối nhất. Cô dẫn Susan đến gặp bác sĩ sản khoa, cùng con lên kế hoạch dưỡng thai vì cô bé còn quá trẻ. Họ cũng gặp mặt gia đình bố đứa trẻ, bàn bạc về kế hoạch nuôi con.

Chuyên gia khuyên cô nên quan tâm Susan để con không cảm thấy bị bỏ rơi. Cô cũng không cho phép con bỏ học, đồng thời thường xuyên mời bạn bè thân thiết của con đến chơi.

"Tháng 9/2012, Susan sinh con. Năm 2015, con bé nhận bằng cao đẳng ngành Quản trị Kinh doanh. Nó vẫn ở cùng bố đứa trẻ. Hai vợ chồng cùng làm việc để nuôi con. Dù sao, cuộc sống vẫn tiếp diễn", bà ngoại trẻ kể.

Tin mới