Trường Sa trên hành trình mùa biển động

(Baonghean) - Trung tuần tháng 4/2018, đoàn công tác tỉnh Nghệ An có chuyến thăm và làm việc tại Trường Sa dịp nhân dân cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 43 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là dịp kỷ niệm 43 năm giải phóng quần đảo Trường Sa...
Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đón đoàn công tác đến thăm và làm việc. Ảnh: Sỹ Thành
Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đón đoàn công tác đến thăm và làm việc. Ảnh: Sỹ Thành
Sau khi nhận thẻ lên tàu KN-491, tôi vẫn chưa hết cái cảm giác vui sướng, xúc động khi được hành trình đến với Trường Sa. Đúng 16 giờ ngày 7/4, tàu KN-491 rúc lên những hồi còi chào đất liền bắt đầu hải trình. Chúng tôi rời cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, gió mùa Đông Bắc tràn về, biển động giật cấp 7 đến cấp 8.
Trước đó,  Đại tá Lê Xuân Thủy - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân thông tin, lần này, chúng tôi sẽ đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại 10 đảo, điểm đảo thuộc nhóm đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/7 với một hải trình gần 1.300 hải lý. Đây là đoàn công tác số 5, gồm 184 thành viên, đoàn công tác tỉnh Nghệ An có 10 thành viên, do đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dẫn đầu. Trước khi lên tàu, chúng tôi cũng đã được khuyến cáo khả năng sẽ phải chịu đựng sóng to, gió lớn ngoài biển khơi...
Tàu KN-491 là loại tàu tuần tra xa bờ, tìm kiếm cứu nạn, tiếp tế hàng hóa cho các đảo, kiểm ngư, tàu có chiều dài toàn bộ là 90,50m, chiều rộng của tàu là 14m, tốc độ tối đa của tàu đạt 21 km/h. Đặc biệt, tàu có sân bay trực thăng, hệ thống vây giảm lắc giúp giảm tác động của sóng, gió biển tới thân tàu. Chúng tôi được bố trí ở tầng 2, mỗi phòng rộng chừng 15m2 với 4 dãy giường 3 tầng.
Chỉ những ai đã ra Trường Sa gặp biển động mới thấm thía cảm giác say sóng. Sau 30 phút ra khơi, sóng vỗ nhiều hơn và tiếng cười nói ít đi. Con tàu nghiêng ngả liên tục sang phải rồi sang trái. Trong những buồng tàu, người ta phải giữ cho vật dụng không “chạy” lung tung trên sàn.
Trẻ em vui chơi trên đảo Trường Sa lớn.
Trẻ em vui chơi trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Sỹ Thành
Say sóng quả là loại say khó chịu nhất. Hơn cả say xe, say máy bay và say rượu. Nhưng còn tồi tệ hơn với những ai phải chịu cơn say đến hàng tuần lễ trên vùng biển động dữ dội. Anh Nguyễn Sông Bến Hải làm tại Kho bạc tỉnh Thừa Thiên Huế ở giường cạnh tôi, cứ nằm bẹp trong hầu hết thời gian ở trên tàu, hầu như không ăn được, chỉ uống nước cho đỡ dính ruột rồi lại nằm. Không riêng anh, đa phần thời gian của mọi người trên tàu là nằm. 
...Kết thúc một ngày, hai đêm trên biển, đến 5h30' sáng ngày thứ ba, hệ thống loa tàu thông báo chuẩn bị thả neo để đưa đoàn vào thăm đảo Song Tử Tây, mọi người trên đoàn tàu ai cũng háo hức mong được đặt chân đến hòn đảo đầu tiên nên mọi mệt nhọc như tan biến. Nhưng do thời tiết xấu, tàu neo gần đảo đến quá trưa và chỉ huy tàu đành quyết định nhổ neo rời đến điểm đảo khác vì xuồng cập bến sẽ rất nguy hiểm.
Mọi người đều rất hẫng hụt luyến tiếc khi không được vào thăm đảo Song Tử Tây.
Đến khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, chúng tôi tới đảo Đá Nam. Lính đảo đón chúng tôi bằng những cái bắt tay thật nồng ấm.
Ở Đá Nam, chúng tôi được gặp 4 đồng hương Nghệ An gồm 3 sĩ quan hải quân là anh Nguyễn Văn Giáp, sinh năm 1984 quê ở khối 2, thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ; anh Phan Văn Thành, sinh năm 1982 quê ở xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương; anh Hoàng Văn Cường, sinh năm 1983 ở huyện Yên Thành và chiến sĩ Tạ Việt Anh, sinh năm 1994 ở thị xã Hoàng Mai.
Các anh tâm sự "Nhớ nhà, nhớ vợ con lắm, nhưng nhiệm vụ chưa phút nào lơ là". Còn chiến sĩ Tạ Việt Anh thì bộc bạch: "Em mới nhập ngũ đợt sau Tết. Được ra làm nhiệm vụ Trường Sa là niềm vinh dự của bản thân và gia đình. Thời gian đầu cũng có buồn và nhớ nhà, nhưng được sự động viên của các anh chỉ huy, đặc biệt là các anh đồng hương em đã dần quen và bắt đầu có cảm giác đây như là quê hương thứ hai".
Đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm hỏi quân, dân trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Sỹ Thành
Đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm hỏi quân, dân trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Sỹ Thành
Chia tay đảo, các chiến sĩ bịn rịn tiễn chân chúng tôi lên xuồng để về tàu và vẫy theo mãi như gửi gắm tất cả tình thương, nỗi nhớ về với đất liền.
Rời Đá Nam, tàu chúng tôi hướng về đảo Đá Thị ở 100 24’ 30” vĩ độ Bắc, 1140 34’ 30” kinh độ Đông cách đảo Sơn Ca 9 hải lý về phía Tây Nam. Đảo Đá Thị là bãi san hô có bề mặt tương đối bằng phẳng, thỉnh thoảng có những vũng sâu. Ngày 15/3/1988, thực hiện lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trong Chiến dịch CQ-88, tàu HQ-709 đã đến thả neo ở đảo Đá Thị. Sau đó tàu 16, 11 và tàu 05 (Quân khu 5) đã đưa lực lượng và vật liệu xây dựng nhà ở. Đến ngày 3/4/1988, công trình đóng quân đã hoàn thành nhà và được bàn giao cho cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị bảo vệ đảo.
Trên boong tàu KN-491.
Trên boong tàu KN-491. Ảnh: Sỹ Thành
Ở Đá Thị nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt chủ yếu từ nước mưa. Là đảo chìm nên công tác tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi của cán bộ, chiến sĩ ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Để tổ chức tăng gia trồng rau xanh cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ. Mặc dù nguồn nước ngọt khan hiếm, song nhờ các biện pháp sử dụng nước ngọt tiết kiệm khoa học và phù hợp trong sinh hoạt cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị đã thực hiện tốt việc trồng rau xanh và chăn nuôi.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, đến nay đảo Đá Thị đã được xây dựng nhà lâu bền khang trang, sạch đẹp, có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt và phục vụ huấn luyện, công tác, đưa cán bộ, chiến sỹ trên đảo về gần đất liền thân yêu hơn nữa. Thượng úy Lê Anh Sơn - Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị kể: “Mặc dù ở đây thiếu thốn tình cảm gia đình, thiếu thốn nước ngọt nhưng chúng tôi luôn khắc phục mọi khó khăn để vững chắc tay súng, đồng thời tăng gia sản xuất, quyết tâm xây dựng, bảo vệ đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp để đảo thực sự là nhà, biển cả là quê hương"... (Còn nữa)

Tin mới