Trường vùng cao Nghệ An cho học trò ăn ở tập trung để tránh dịch

(Baonghean.vn) - Đặc thù miền núi cao, việc tổ chức ăn, ở cho học sinh tại trường là điều hết sức khó khăn. Nhưng đây là giải pháp nhằm hạn chế ít nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Gian nan chống dịch ở trường học vùng cao

Yên Tĩnh là một xã nằm ở vùng khó khăn của huyện Tương Dương. Ra Tết, dịch diễn biến phức tạp và Yên Tĩnh cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó khi có thời điểm mỗi ngày trên địa bàn có gần chục ca dương tính với Covid-19. Hiện toàn địa bàn xã chuyển sang vùng đỏ thuộc cấp độ 3.

Sau Tết, dù ngày mùng 8 là lịch học chính thức, tuy nhiên, do sợ dịch nên Trường PT DTBT THCS Yên Tĩnh đã lùi thời gian nhập học sau 1 tuần. Trong thời điểm đó, thay vì đến trường, giáo viên mỗi ngày len lỏi “vượt núi, vượt suối” đến từng nhà giao bài cho học sinh và làm thêm công tác vận động học sinh đến trường.

Nơi ăn ngủ của học sinh bán trú mới được xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Ảnh: MH
Nơi ăn, ngủ của học sinh bán trú mới được xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Ảnh: Mỹ Hà

Nỗi lo lắng là có thật bởi đúng 1 tuần sau, trước khi cho học sinh tựu trường, Trường PT DTBT THCS Yên Tĩnh đã tổ chức test cho toàn bộ học sinh và đã phát hiện 1 học sinh có kết quả dương tính. Theo đó, gần 20 học sinh khác thuộc đối tượng F1 phải chuyển sang cách ly vì có tiếp xúc gần. Nguy cơ dịch bệnh lây lan trong trường học là điều không tránh khỏi.

Chưa kể, nhà trường đang thực hiện mô hình bán trú và việc học sinh cùng học, cùng ăn, cùng ở trong một môi trường có đến hàng trăm học sinh lại càng dễ dàng tạo mầm mống cho dịch phát triển.

Nhà ăn khang trang cho học sinh bán trú, Ảnh: MH.
Nhà ăn khang trang cho học sinh bán trú. Ảnh: NTCC

Là Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Nguyễn Văn Thọ rất trăn trở về vấn đề này. Thầy cũng cho biết, đặc thù của những vùng miền núi cao việc đi lại giữa các vùng miền chưa được quản lý chặt chẽ, ý thức phòng chống dịch bệnh còn nhiều hạn chế. Nhưng, nếu vì dịch mà học sinh không đến trường hoặc chuyển sang hình thức dạy học khác thì không hiệu quả với điều kiện của học sinh nơi đây.

Giải pháp tốt nhất đó là phải xây dựng mô hình “trường học bong bóng”, ít nhất là phải qua giai đoạn đỉnh dịch. Và với một trường huyện vùng núi cao, cách duy nhất để thực hiện đó là "gom" học sinh về trường và tổ chức dạy học, chăm sóc cho học sinh theo đúng mô hình của một... doanh trại quân đội "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Đón học sinh vào trường

Để chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi này, sau khi thông qua toàn bộ giáo viên trong toàn trường, Ban Giám hiệu Trường PT DTBT THCS Yên Tĩnh đã bàn bạc với chính quyền xã và Hội Cha mẹ học sinh.

Trước đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhà trường, trường tổ chức test sàng lọc toàn bộ giáo viên và học sinh. Cùng với học sinh, các giáo viên cũng sẽ tình nguyện vào “3 cùng” với các em. Trường học từ mô hình “mở” trở thành mô hình khép kín, học sinh ăn, ở tại trường cho đến khi dịch được kiểm soát.

Phụ huynh nhà trường hỗ trợ thực phâm cho học sinh và giáo viên. Ảnh:  NTCC
Phụ huynh nhà trường hỗ trợ thực phẩm cho học sinh và giáo viên. Ảnh: NTCC

Thực tế, đây là lần thứ 2 trong năm học này Trường PT DTBT THCS Yên Tĩnh phải đưa ra quyết định này. Tuy nhiên, nếu như lần trước việc tập trung chỉ phải tổ chức trong 1 tuần thì nay dự kiến có thể phải kéo dài nếu dịch chưa tạm thời lắng xuống.

Trong quá trình chuẩn bị, điều thuận lợi là khu nhà ở ký túc xá với 24 phòng và hơn 200 chỗ ở mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhưng “khó” hơn cả là phải lo tổ chức các bữa ăn và cắt cử giáo viên để tăng cường cho công tác bán trú. Ngoài ra, các giáo viên cũng phải trực tiếp bàn bạc với từng phụ huynh để thống nhất, đồng tình với chủ trương này bởi thực tế có những học sinh nhà chỉ cách trường vài bước chân.

 Trường chúng tôi có 250 học sinh và có 160 học sinh thuộc diện bán trú. Còn lại có hơn 90 học sinh ở ngoại trú, chủ yếu tập trung chính ở các bản Cáp Chạng, Cành Coong, bản Hạt. Để tổ chức cho các em vào ở bán trú trong trường, chúng tôi dự kiến mỗi gia đình sẽ đóng góp  23.000 đồng/ngày (đúng với chế độ của học sinh bán trú). Tuy nhiên, vì thời điểm này khá cấp bách nên nhà trường chỉ mới vận động phụ huynh nhưng chưa thu bất cứ nguồn kinh phí nào. Số tiền để tổ chức bán trú nhà trường đang tạm ứng và vận động nguồn xã hội hóa và hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thọ - Hiệu trưởng nhà trường 

Gần 1 tuần học sinh ở bán trú, trong khi nhiều trường học khác trên địa bàn đã bắt đầu xuất hiện các ca F0 trong nhà trường thì Trường PT DTBT THCS Yên Tĩnh vẫn đang là "vùng xanh" và chưa xuất hiện các ca bệnh mới. Để đảm bảo việc ăn, ở cho học sinh, hiệu trưởng nhà trường thông qua trang cá nhân kêu gọi sự hỗ trợ của phụ huynh và các nhà hảo tâm để cùng chung tay chăm lo bữa ăn bán trú cho học sinh của trường.

Trước đó, trong quá trình thực hiện, vì sự an toàn, 10 giáo viên đang ở ngoài trường cũng đã tình nguyện vào ở tập trung trong trường. Dù điều này bước đầu ảnh hưởng khá nhiều cuộc sống của gia đình nhưng chủ trương đã được tập thể giáo viên đồng tình cao.

Thầy giáo Hoàng Ngọc Đại - nhà ở cách trường chưa đến 1km chia sẻ: Vợ tôi ở nhà kinh doanh nhỏ nên công việc cũng bộn bề. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, thời điểm này sức khỏe của học trò là hết sức quan trọng và mình là giáo viên lại càng phải cố gắng, vượt khó vì lợi ích chung của học sinh và của nhà trường.

Bữa cơm dành cho học sinh bán trú. Ảnh: NTCC
Bữa cơm dành cho học sinh bán trú. Ảnh: NTCC

Muốn hiệu quả phải an toàn

Mô hình của Trường PT DTBT THCS Yên Tĩnh không phải là mô hình duy nhất ở huyện Tương Dương, bởi trước đó một số trường bán trú khác trên địa bàn cũng đã thực hiện.

Thời điểm này, khi dịch đang ngày càng lan rộng, đây cũng có thể xem là một mô hình hiệu quả, phù hợp với đặc thù ở các huyện vùng núi cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai để thành công cũng có những khó khăn, đặc biệt là khi dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Test sàng lọc cho giáo viên và học sinh trước khi tổ chức bán trú cho học trò. Ảnh: NTCC
Test sàng lọc cho giáo viên và học sinh trước khi tổ chức bán trú cho học trò. Ảnh: NTCC
Từ cuối học kỳ I, Trường PT DTBT THCS Nhôn Mai cũng đã tổ chức thành công cho toàn bộ học sinh của trường ở bán trú, trong đó có 65 học sinh không thuộc diện ưu tiên với thời gian kéo dài 21 ngày. Thời điểm đó, Nhôn Mai từng là điểm nóng của huyện Tương Dương và vì có ca F0 trong nhà trường nên so với các trường khác trên địa bàn trường phải nghỉ học mất 3 tuần.
Khi dịch đã khống chế, nhà trường tổ chức dạy học trở lại. Để theo kịp chương trình và hạn chế ít nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhà trường quyết định tổ chức cho toàn bộ học sinh ăn ở tập trung trong toàn trường. Tranh thủ "thời điểm vàng", trường đã tăng thời gian dạy học lên 2 buổi/ngày, phụ huynh cũng an tâm vì con ở tập trung trong trường không tiếp xúc bên ngoài nên không bị lây bệnh.
Giáo viên Trường PT DTBT THCS Nhôn Mai tổ chức bữa ăn cho học sinh bán trú. Ảnh: NTCC
Giáo viên Trường PT DTBT THCS Nhôn Mai tổ chức bữa ăn cho học sinh bán trú. Ảnh: NTCC
Qua thực tế đã triển khai, cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, việc tổ chức cho toàn bộ học sinh ở bán trú trong trường là hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế ở các trường miền núi cao. Về phía giáo viên, dù phải nhường toàn bộ khu nhà hiệu bộ của giáo viên làm phòng ở cho học sinh nhưng vẫn sẵn sàng vì điều này tạo thuận lợi cho việc tổ chức dạy và học, giữ vững được chất lượng.
Tại thời điểm này, nhà trường cũng đã lên kế hoạch tiếp tục thực hiện triển khai mô hình nhưng đang phải tạm dừng vì dịch đã lây lan vào trường học. Hiệu trưởng nhà trường cũng nói rằng: Khi đã tổ chức bán trú thì quan trọng là toàn bộ giáo viên và học sinh đều phải an toàn và không ai bị lây nhiễm. Chúng tôi đang chờ kết quả test và nếu ổn định thì sẽ sớm tổ chức lại cho học sinh.
 
Học sinh được ở bán trú sẽ yên tâm học tập và hạn chế lây lan dịch bệnh. Ảnh: NTCC.
Học sinh được ở bán trú sẽ yên tâm học tập và hạn chế lây lan dịch bệnh. Ảnh: NTCC.
Thầy giáo Trần Hưng Thái - Hiệu trưởng Trường PT DTBT THCS Lượng Minh cũng đã triển khai mô hình này ngay từ đầu năm học và giữ được an toàn cho trường trong suốt học kỳ I. Chia sẻ về hiệu quả của mô hình này, thầy cũng cho rằng có 3 cái "được", đó là đảm bảo an toàn cho học sinh, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, tránh thiệt hại cho gia đình và chính quyền địa phương và quan trọng nhất là tạo ổn định để học sinh học tập hiệu quả. Nhưng trước đó, muốn thành công thì phải được sự đồng tình ủng hộ và kêu gọi được xã hội hóa vì thực tế điều kiện của phụ huynh miền núi rất khó khăn.

 Việc tổ chức mô hình trường bán trú trong điều kiện hiện nay là điều rất khó khăn. Chính vì vậy, sự nỗ lực của tập thể giáo viên của các nhà trường là rất đáng ghi nhận và nếu không có sự tận tâm, trách nhiệm, nếu không có sự ủng hộ đồng tình của phụ huynh, học sinh thì khó có thể thực hiện tốt.

Chúng tôi cũng hy vọng, trong thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng và trở thành một giải pháp hữu ích để tổ chức dạy học an toàn đối với các trường miền núi cao.

 Ông Kha Văn Lập – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương 

Tin mới