Truy quét "vàng tặc" ở Huôi Hạng (xã Cắm Muộn- Quế Phong)

(Baonghean) - Tối 3/4/2013, chúng tôi được “bám” theo lực lượng Công an tỉnh truy quét "vàng tặc" tại vùng núi Huôi Hạng, thuộc địa bàn bản Huôi Máy, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, là địa bàn đang ngày đêm nhức nhối nạn khai thác vàng trái phép...

5 giờ 30 ngày 4/4, từ Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong), chúng tôi vượt chặng đường dài 40 km để đến bản Ná Què (xã Cắm Muộn). Tại đây, chúng tôi tiếp tục 5 giờ đồng hồ đi bộ theo Khe Quỷa, để vào vùng núi Huôi Hạng.

Dọc đường đi, tại các hiện trường khai thác vàng sa khoáng ở Khe Quỷa ngoại trừ vài chiếc máy hút cát, lán trại còn sót lại nằm chỏng chơ dọc suối thì không có ai khai thác, có vẻ như "vàng tặc" đã nhận ra kế hoạch truy quét của lực lượng chức năng. Qua các bản Ná Nọi, Huôi Máy... chúng tôi nhận thấy, lác đác tại một số nhà dân có từng tốp khoảng 5 - 10 người có dáng vẻ của “phu đào vàng”. Lân la hỏi chuyện, một người cho biết, nghe tin sắp có đoàn truy quét của tỉnh lên nên "đầu nậu" đã tẩu tán, cất giấu phương tiện máy móc làm vàng và cùng các thợ kỹ thuật người ngoại huyện, ngoại tỉnh (Thái Nguyên, Nam Định, Hải Phòng...) di chuyển ra phía ngoài từ hôm qua. Tại bãi vàng, chỉ còn hầu hết là dân làm thuê bản địa trông giữ lán trại. “Vào làm chi nữa, không còn ai trong ấy đâu, vì họ (đầu nậu, thợ đào vàng ngoại tỉnh - PV) đã đi cả rồi, chỉ còn dân bản thôi” - người này nói.

Càng đi vào sâu, những tốp 5 - 7 người khoác hành lý đi ra càng nhiều thêm. Hỏi chuyện, một số người thuộc các bản Cắm Pỏm, Cắm Nọc, Cắm Cáng (xã Cắm Muộn) cho biết: “Mới vào mỏ được vài hôm, nghe chủ nói sắp có đoàn vào truy quét nên phải trở ra”. Trên đường còn không ít người gồng gánh gạo, thực phẩm, đồ uống, xăng dầu... tiến vào vùng núi Huôi Hạng. Một thành viên đoàn truy quét là người địa phương cho hay: "Trong dòng người ra vào vùng Huôi Hạng, rất khó phân biệt được đâu là dân làm rẫy hay “phu vàng”. Chính quyền không thể cấm người dân đi lại mang gạo, quần áo, dầu đèn, chăn màn vào rừng vì thực tế trong đó có hàng trăm hộ làm nương rẫy, chăn thả trâu bò". Thực tế, có người vận chuyển lương thực, thực phẩm cho mình, nhưng không ít người làm dịch vụ tiếp tế cho lực lượng khai thác vàng. Một thanh niên xưng tên là Thâm, người bản Huôi Máy cho biết: Không phân biệt hàng vận chuyển lên bãi là thứ gì đều được thuê với giá 130 - 150 ngàn đồng/10 kg. Vì vậy, bình quân mỗi ngày người dân ở đây, miễn là có sức khỏe, nhất là phụ nữ kiếm được khoảng 500 - 700 ngàn đồng...

11 giờ 30 phút, chúng tôi đã đến được bãi vàng nằm trên đỉnh một khu đồi rộng khoảng trên 1000m2 nham nhở, lở loác những hang, hố sâu hun hút, cùng khoảng 50 - 60 chiếc lều bạt tạm bợ và tuyệt nhiên không có một phương tiện, máy móc khai thác vàng nào cả. Trong các lều bạt, hàng trăm người nằm, ngồi ngổn ngang, và dường như họ không hề ngạc nhiên khi thấy hàng chục chiến sỹ công an mang đầy đủ sắc phục tiến vào bãi... Tiếp cận một vài lán trại để tìm hiểu được biết, tại đây, việc khai thác được tổ chức thành từng nhóm do các đầu nậu người Thái Nguyên, Hải Phòng, Thành phố Vinh đứng đầu. Mỗi nhóm tự đầu tư mua máy bơm, máy khoan, máy nghiền, máy phát điện, dựng đường ống dẫn nước... để khai thác vàng. Theo một phu vàng tên là Lô Văn Êm (ở bản Cắm Pỏm), dân bản chỉ làm công chở đất ra máng nghiền, đãi... còn công việc khoét theo các vỉa đá tìm vàng thì có thợ kỹ thuật người Thái Nguyên. Dân bản làm công được trả từ 150 - 200 ngàn đồng/ngày. Có những nhóm gặp may mỗi ngày thu được khoảng 2-3 lượng vàng (loại 92%). Cũng theo ông Êm, bãi vàng trước đây là nương rẫy của dân bản, từ khoảng tháng 8/2012, có một nhóm 6 người Thái Nguyên đã tìm đến khai thác. Sau đó vài dân bản đã phát hiện và cũng tham gia làm được vàng. Tin từ đó loang ra và cuối tháng 1/2013, rất đông các đầu nậu từ các nơi đổ về và dân từ các bản thuộc xã Cắm Muộn, Quang Phong, Châu Thôn, Châu Kim... do không có việc làm đã kéo đến làm thuê.

Lực lượng truy quét kiểm tra các hố làm vàng.

Đã đến nhiều điểm khai thác trái phép vàng sa khoáng, tuy nhiên chưa nơi nào chúng tôi được chứng kiến mức độ nguy hiểm cao như ở đây. Bãi vàng nhan nhản những hố rộng khoảng 1,5m và sâu từ 16 - 40m. Từ những đáy hố, "vàng tặc" trổ nhiều hang sâu tìm vàng theo các vỉa đá non, có những hang kéo dài hàng trăm mét. Bởi vậy, chân của quả đồi đã bị hổng, thể hiện rõ điều này bởi trên bề mặt đã xuất hiện rất nhiều những vệt nứt lớn. Khi được hỏi, vào những hầm sâu không sợ bị sập, nguy hiểm đến tính mạng? Một phu vàng còn khá trẻ nói: "Không có việc gì làm thì cũng phải vào thôi". Bình thường có khoảng bao nhiêu người tại bãi? Theo anh này, thời điểm cao nhất tại bãi vàng có khoảng 1.000 người, tuy nhiên, do biết có đoàn lên truy quét nên các đầu nậu đã dừng khai thác trước đó 2 ngày để tẩu tán máy móc và di tản; còn lại tại bãi hầu hết là những phu vàng, những người làm dịch vụ tiếp tế bản địa để bảo vệ lán trại, đồ đạc...

Đợt truy quét này, theo kế hoạch ban đầu, 12 giờ ngày 4/4, mũi truy quét từ huyện Quế Phong sẽ hợp với mũi truy quét từ Tương Dương sang tiến hành truy đuổi, phá lán trại để bàn giao mặt bằng sạch cho xã và huyện quản lý. Thế nhưng, đến 15h chiều cùng ngày mũi truy quét từ Tương Dương do Trưởng đoàn truy quét tỉnh chỉ huy (vùng này không liên lạc được bằng điện thoại) chưa sang nên việc tháo dỡ, đốt lán trại chưa thể tiến hành. Bởi vậy, sau khi chứng kiến đoàn truy quét phong tỏa toàn bộ bãi vàng và tổ chức thuyết phục những người trụ lại rời bãi, chúng tôi cũng lên đường trở ra Thị trấn Kim Sơn.

Hàng chục lều bạt tạm bợ và những hang hốc "vàng tặc" tạo ra trên bãi vàng Huôi Hạng

Sau một ngày không có thông tin, đến 23 giờ 30 ngày 5/4, chúng tôi đã nối lại được liên lạc với đoàn truy quét. Anh Hoàng Mạnh Trinh - cán bộ Sở TN&MT, Phó đoàn kiểm tra theo Quyết định 163 của UBND tỉnh về công tác khoáng sản cho biết, 20 giờ ngày 4/4, mũi truy quét từ Tương Dương đã đến được bãi vàng. Sau một đêm bám trụ, 6 giờ 30 phút ngày 5/4, lực lượng truy quét đã dùng máy dò toàn bộ bãi vàng và đã phát hiện được 25 máy nghiền đá, máy phát điện và 2.000 lít dầu diezen mà các đầu nậu chôn lấp dưới đất. Đoàn đã tiến hành vô hiệu hóa máy móc, tiêu hủy toàn bộ số dầu, san lấp một số hầm hố, dỡ toàn bộ lán trại và vận động thuyết phục những người bám trụ rời bãi vàng. Đến 16 giờ, sau khi bãi vàng tại vùng núi Huôi Hạng đã được dọn sạch, đoàn truy quét đã lập biên bản bàn giao hiện trạng cho chính quyền huyện Quế Phong và xã Cắm Muộn để 2 đơn vị này quản lý theo Điều 2 và Điều 3 của Luật Khoáng sản về việc quản lý tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Huyện Quế Phong sẽ giao cho Công an huyện và xã Cắm muộn lập chốt chặn ở các đường vào để các đối tượng còn lẩn khuất trong khu vực không trở lại thực hiện khai thác trái phép...

Có thể thấy, cuộc truy quét đã có những kết quả nhất định và "vàng tặc" ở vùng núi Huôi Hạng đã được quét sạch, nhưng khách quan mà nói, vì thông tin của chiến dịch không đảm bảo được bí mật nên kết quả chưa đạt như mong muốn. Bên cạnh đó, một vấn đề cần đặt ra, đó là, sau khi lực lượng truy quét rút đi, liệu chính quyền huyện Quế Phong và xã Cắm Muộn có ngăn chặn được "vàng tặc" quay trở lại hay không? Qua thực tế, bãi vàng vùng núi Huôi Hạng nằm ở vùng sâu tiếp giáp với địa bàn huyện Tương Dương, đường đi vào cực kỳ hiểm trở, vất vả, trong khi đó lực lượng tại chỗ mỏng, "vàng tặc" ngoài những đầu nậu, còn nhân công hầu hết là người địa phương, có quan hệ họ hàng, xóm giềng với lực lượng chức năng cơ sở bởi vậy rất khó để xử lý triệt để. 

Bị hổng chân do đào vàng, trên bề mặt quả đồi đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn.

Vùng núi Huôi Hạng, bản Huôi Máy, xã Cắm Muộn thuộc tiểu khu 144 (giáp địa giới bản San, xã Hữu Khuông, Tương Dương) là vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Chính vì vậy, việc khai thác vàng trái phép nơi đây đồng nghĩa với việc Khu Bảo tồn thiên nhiên này đang bị xâm hại nghiêm trọng. Bên cạnh đó là các nguy cơ về tai nạn, ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên... Bởi vậy, chính quyền cấp tỉnh cần sớm có biện pháp quản lý hữu hiệu.

Long - Hải - Lân

Tin mới