TS Nguyễn Sỹ Dũng: Làm gì để xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển?

(Baonghean.vn) - Sáng 5/5, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng có buổi nói chuyện với cán bộ, đảng viên Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An về mô hình nhà nước kiến tạo, phát triển.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Hoài Thu
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các trưởng phó phòng các cơ quan, đơn vị thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh. Ảnh: Hoài Thu
Hội nghị đưa đến người nghe những thông tin, kiến thức lý luận liên quan đến sự phát triển của các hình thức nhà nước trên thế giới, từ đó tìm hiểu sự phát triển của các mô hình kinh tế của Việt Nam, trong đó có việc xây dựng mô hình Nhà nước kiến tạo, phát triển (KTPT).
Nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình đối với mỗi quốc gia, TS Nguyễn Sỹ Dũng giới thiệu một số mô hình nhà nước đã và đang được áp dụng trên thế giới, gồm mô hình Nhà nước điều chỉnh, mô hình Nhà nước KTPT, mô hình Nhà nước kế hoạch hóa tập trung.
Mô hình Nhà nước điều chỉnh đang được áp dụng ở các nước như Mỹ, Anh…; Mô hình Nhà nước KTPT đang được áp dụng ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan...
Trước đây, các nước XHCN truyền thống áp dụng mô hình Nhà nước kế hoạch hóa tập trung, một kiểu nhà nước không công nhận nền kinh tế thị trường. Mô hình này có đề ra kế hoạch, đường lối phát triển kinh tế nhưng là do nhà nước trực tiếp làm, vì thế mô hình Nhà nước kế hoạch hóa tập trung chỉ thành công ở giai đoạn đầu, sau đó thì thất bại.
Còn đối với mô hình nhà nước KTPT, việc đề ra kế hoạch, đường lối phát triển kinh tế là do người dân thực hiện, và hiện nay đang đưa lại thành công cho nhiều quốc gia.

Mô hình Nhà nước KTPT nằm giữa mô hình Nhà nước điều chỉnh và Nhà nước kế hoạch hóa tập trung. Nghĩa là Nhà nước KTPT đề ra đường lối phát triển và tích cực tác động vào thị trường để thúc đẩy thị trường phát triển.

Nhiều đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Hoài Thu
Đông đảo đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Hoài Thu
Làm rõ những nét đặc trưng về mô hình nhà nước KTPT, TS Nguyễn Sỹ Dũng dẫn ý kiến của các chuyên gia như Chalmers Johnson, Adrian Leftwith, hay của tổ chức UNDP (Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc). Theo Chalmers Johnson, Nhà nước KTPT có đặc điểm:
1.Có bộ máy hành chính gọn nhẹ nhưng hiệu quả. Tuyển dụng những người tài giỏi sẽ giúp tạo bộ máy hành chính công vụ hiệu quả, chuyên nghiệp và thuộc giới tinh hoa. Đây là một trong những đặc trưng quan trọng của mô hình Nhà nước KTPT.
2.Có một nền hành chính được trao quyền năng đầy đủ để đưa ra những sáng kiến và vận hành hiệu quả. Nhà nước thông qua các thiết chế tài chính và các hướng dẫn hành chính để can thiệp vào thị trường.
3.Có bộ thương mại quốc tế và công nghiệp mạnh điều phối chính sách phát triển công nghiệp.

Còn theo Adrian Leftwith, Nhà nước KTPT có các đặc điểm:

1. Có một tầng lớp công chức hành chính tinh hoa hỗ trợ nhà nước. Chính sách phát triển của nhà nước chịu ảnh hưởng của tầng lớp công chức ưu tú này.

2.Nhà nước có tính độc lập, tự chủ cao trước áp lực của các nhóm lợi ích và luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Để thực hiện, các nhà lãnh đạo nhất định phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ thì mới có thể thành công.

3.Nhà nước điều phối kinh tế qua một số thiết chế chuyên biệt và có thực quyền, tức là đưa quyền lực về những nhà chuyên nghiệp, những nhà chính trị biết hiểu lòng dân, hiểu xu thế để cân đối, đưa ra chính sách phát triển.

4.Xã hội dân sự yếu, chính quyền mạnh và kiểm soát xã hội dân sự rất chặt, đặc biệt là trong thời kỳ đầu. Đây là đặc trưng rất cần ở Việt Nam và cần được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ.

5.Nhà nước ít chịu ảnh hưởng bởi các lợi ích kinh tế tư nhân.

6. Các quyền dân sự bị hạn chế, đặc biệt là trong thời kỳ đầu.

Còn theo UNDP (chương trình phát triển của Liên hợp quốc), mô hình Nhà nước KTPT gồm:

1. Bộ máy hành chính quan liêu mạnh, có thẩm quyền, không bị chính trị hóa, không bị áp lực của các cuộc bầu cử và kinh doanh.

2.Giới lãnh đạo mạnh mẽ, có tầm nhìn, có cam kết và năng lực.

3.Kế hoạch phát triển quốc gia hiệu quả và đúng hướng.

4.Có khả năng điều phối các hoạt động kinh tế và các nguồn lực.

 5.Hỗ trợ các tầng lớp doanh nhân của quốc gia, những người sẽ phát triển thành giai cấp tư sản quốc gia.

6.Đầu tư nâng cao năng lực con người thông qua y tế, giáo dục và các cơ sở hạ tầng xã hội.

7.Thúc đẩy pháp quyền, công lý và giữ vững ổn định chính trị để đảm bảo niềm tin của thị trường.

Nọi dung chuyên đề do TS Nguyễn Sỹ Dũng trình bày. Ảnh: Hoài Thu
Nội dung chuyên đề do TS Nguyễn Sỹ Dũng trình bày. Ảnh: Hoài Thu
Thực tế cho thấy, ưu điểm của mô hình Nhà nước KTPT chính là giúp quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng; giúp kinh tế phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, hạn chế là khó xác định mức độ can thiệp vào thị trường của nhà nước.

Ở Việt Nam, theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, thuật ngữ “Chính phủ KTPT” lần đầu được nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu ra. Và thuật ngữ “Chính phủ KTPT” trở nên nổi tiếng nhờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thực chất, kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới năm 1986, nước ta đã phát triển theo hướng Nhà nước KTPT. Đó là việc thực hiện nhà nước hoạch định đường lối công nghiệp hóa; cơ chế thị trường được công nhận nhưng có sự can thiệp của nhà nước, tức nhà nước tích cực can thiệp vào thị trường.

Song, chúng ta chưa thật sự thành công là vì đã thực hiện công nghiệp hóa dựa vào các doanh nghiệp nhà nước là chính; chúng ta không có một đội ngũ quan chức hành chính - công vụ tài giỏi và độc lập.

TS Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh: Để thực hiện hiệu quả mô hình Nhà nước KTPT, chúng ta cần kiến tạo nền quản trị quốc gia hiện đại gồm:
Nhất thể hóa giữa Đảng và Nhà nước.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh.
Có cơ chế để chọn được người tài.
Xây dựng đội ngũ quan chức hành chính chuyên nghiệp, tài giỏi và liêm chính.
Xây dựng hệ thống tòa án độc lập và hiệu năng.
Thực hiện hòa giải dân tộc.
Dân chủ hóa theo sự phát triển của kinh tế.
Củng cố pháp quyền.

Tin mới