Từ chiếc khăn piêu đến... lỗ hổng văn hóa

(Baonghean) - “Người dân tộc Thái yêu cầu được xin lỗi” là dòng tựa trên trang mạng xã hội của một người con dân tộc Thái trước sự việc đang ồn ào dư luận gần đây. Nó bắt nguồn từ việc những chàng trai trong ban nhạc F Band lấy khăn piêu đóng khố, biểu diễn trong đêm bán kết chương trình X - Factor - Nhân tố bí ẩn diễn ra ngày 12/10 vừa qua. 
TIN LIÊN QUAN
F Band
F Band sử dụng trang phục đang gây ồn ào dư luận gần đây.
Điều thực sự gây phẫn nộ trong cộng đồng người Thái nói riêng và không ít người Việt nói chung, bởi chiếc khăn piêu không chỉ đơn thuần là một phần trong trang phục của người Thái, nó còn là một biểu tượng văn hóa. Biểu tượng ấy vốn được người con gái đội trên đầu, thế nhưng từ vật được đặt trang trọng trên đầu người con gái, nó lại được biến tấu thành chiếc khố của chàng trai. Một sai lầm quả thật đã vượt qua ranh giới của sự cảm thông. 
Tuy nhiên, nhìn vào hiện tượng ấy, lắng nghe sự giải thích của nhóm nhạc F Band cũng cho thấy một hiện tượng không có gì là lạ trong đời sống hiện nay. Ở thời đại mà “Dân ta phải biết sử ta/ Nếu mà không biết thì tra google”, việc người dân, đặc biệt là giới trẻ quên đi sử sách, lãng quên văn hóa ông cha đang trở thành một hiện tượng có thực. Chưa nói đến những chàng trai trong ban nhạc kể trên, tôi tin chắc rằng có cả những chàng trai, cô gái người dân tộc Thái không hề biết đến sự cần mẫn, ý nghĩa tồn tại trong từng đường kim sợi chỉ mỏng manh của chiếc khăn truyền thống ấy. 
Sự xâm nhập của đời sống hiện đại, sự dẫn dụ của công nghệ tân tiến đã kéo lùi dần người trẻ ra khỏi cộng đồng xung quanh mình, nhất là những giá trị thiêng liêng không phải lúc nào cũng trực quan sinh động như thế giới trong những chiếc điện thoại thông minh. 
Dù sao, cũng không có bất cứ một điều gì có thể đủ sức biện minh cho một hành vi sai lầm. Người trẻ sai lầm là một chuyện, nhưng bao nhiêu con mắt nhìn vào, bao nhiêu bộ não nhiều trải nghiệm, lắm thông tin và tràn trề hiểu biết của đơn vị tổ chức, của nhà đài đã làm gì để nó phô diễn rộng khắp trên sóng quốc gia và tràn lan trên mạng xã hội, gây nhức nhối người Thái như vậy. 
Câu hỏi đó chắc còn phải đợi nhiều vòng đổ lỗi nữa chưa chắc đã được trả lời, chỉ có một câu trả lời đã hiển hiện trước mắt, thêm một minh chứng cho thấy lỗ hổng văn hóa của không chỉ người dân bình thường mà trong những người làm văn hóa đang ngày càng rộng ra. 
Cầm Sơn