Từ Chiến thắng mùa Xuân 1975 đến Đại hội XIII: Thế và lực của Việt Nam

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an trả lời P.V Báo Nghệ An.

P.V: Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 46 năm (30/4/1975-30/4/2021), dưới góc độ của một học giả, là người từng tham gia chiến trường, Thiếu tướng có thể khái quát nguyên nhân chính làm nên chiến thắng vẻ vang này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Từ ngày 30/4/1975 đến bây giờ, đã có rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu dưới những góc độ khác nhau, đã giải quyết khá thấu đáo, trọn vẹn, đầy đủ về Chiến thắng mùa Xuân 1975. Dưới góc độ một nhà nghiên cứu, theo tôi có 3 nguyên nhân cơ bản làm nên chiến thắng lịch sử này, đó là:

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam có đường lối, chiến lược, sách lược hoàn toàn sáng suốt và đúng đắn. Đã huy động được hàng chục triệu người ra tiền tuyến chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước. Đây là nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất quyết định đến thắng lợi. Từ chỗ có lúc, có nơi chúng ta bị động, đối phó, đến năm 1972, chúng ta đã chuyển thế chủ động hoàn toàn trên chiến trường, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đoàn kết được toàn dân tộc Việt Nam, triệu người như một. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam phải thực hiện bằng được việc đoàn kết. Người nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đầu tiên là đoàn kết từ trong Đảng, thứ 2 là đoàn kết toàn dân tộc, thứ 3 là đoàn kết quốc tế.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng dinh tổng thống ngụy (nay là Dinh Thống Nhất).
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng dinh tổng thống ngụy (nay là Dinh Thống Nhất).

Hai miền Nam – Bắc đã đoàn kết triệu người như một “Tất cả cho tiền tuyến”. Nên nhớ rằng, 1 triệu người đoàn kết hơn sức mạnh 10 triệu người không đoàn kết, 10 triệu người đoàn kết hơn 100 triệu người không đoàn kết. Trong lịch sử Việt Nam, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng nói với Vua Trần về kế sách giữ nước khi có giặc ngoại xâm rằng “Khoan thư sức dân, vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận”. Tức là triều đình phải gắn bó với dân, được dân ủng hộ, tạo điều kiện cho đời sống của người dân được hạnh phúc. Chính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện tốt kế sách giữ nước của ông cha ta, đoàn kết triệu người như một, tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện tốt quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp, phong trào cộng sản bị chia rẽ, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản, chúng ta vẫn huy động được sức mạnh của cộng đồng quốc tế. Chúng ta tranh thủ được sự ủng hộ vô giá của Liên Xô, của Trung Quốc, cả cộng đồng quốc tế ở châu Âu, thậm chí là ở ngay cả trong lòng nước Mỹ, người dân cũng xuống đường thể hiện ủng hộ Việt Nam, đã nhân lên sức mạnh của Việt Nam để đè bẹp kẻ thù.

Còn nhớ, trước khi kết thúc chiến tranh vào năm 1975, Mỹ đã từng huy động tổng lực sức mạnh với những loại vũ khí tối tân như máy bay B52 tham chiến, nếu chúng ta không có tên lửa, máy bay, tăng pháo của Liên Xô viện trợ, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Có thể nói một cách khách quan rằng, bên cạnh tinh thần sắt thép quật cường của dân tộc, cũng cần phải có vũ khí hiện đại. Chính sự giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế đã giúp Việt Nam giành chiến thắng trước kẻ thù có tiềm lực hùng mạnh gấp chúng ta hàng trăm lần.

Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.
Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.

P.V:  Đại hội XIII của Đảng ta thành công tốt đẹp, được nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Cũng trong kỳ đại hội này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đánh giá “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”, vậy theo Thiếu tướng, đâu là nguyên nhân giúp chúng ta tạo được thành công này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, theo tôi, trong các kỳ đại hội của Đảng, chưa có kỳ đại hội nào được dư luận quốc tế đánh giá cao về Việt Nam như kỳ Đại hội XIII vừa qua. Bạn bè quốc tế đã gửi điện chúc mừng, ca ngợi thành công, sự phát triển của Việt Nam đạt được trong thời gian vừa qua.

Có thể nói, từ Chiến thắng mùa Xuân 1975 đến Đại hội XIII, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, các đảng viên sau này sẽ nhớ đến nhiệm kỳ XII với nhiều thành tựu nổi bật, để lại nhiều dấu ấn trên 3 phương diện.

Trước hết, về phát triển kinh tế, Việt Nam đã tham gia 2 hiệp định kinh tế lớn nhất toàn cầu. Đó là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP. Cũng trong nhiệm kỳ XII, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA). Chính nhờ các hiệp định này, mà trong đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những ít nước có phát triển dương. Chúng ta không những huy động được nội lực để nâng cao tiềm lực kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, mà còn vươn ra thế giới. Nếu không mạnh, chúng ta làm sao có thể đủ sức tham gia vào 2 hiệp định lớn như vậy? Nếu khả năng quản trị kinh tế không giỏi, thì làm sao chúng ta dám lái con thuyền Việt Nam đi vào biển cả, tham gia với châu Âu và các nước Thái Bình Dương. Điều này thể hiện nền kinh tế của chúng ta đã lớn mạnh, năng lực cạnh tranh của chúng ta đã phát triển rõ rệt trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII vừa qua.

Kinh tế Việt Nam đã phát triển, có khả năng cạnh tranh, vươn ra thế giới.
Kinh tế Việt Nam đã phát triển, có khả năng cạnh tranh, vươn ra thế giới.

Theo tôi, một dấu ấn nữa sáng chói hơn trong nhiệm kỳ XII, đó là hoạt động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua đấu tranh chống tham nhũng. Nên nhớ rằng, tham nhũng là vấn đề toàn cầu, chứ không chỉ riêng ở Việt Nam, nhưng các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc là tham nhũng ở Việt Nam do cơ chế. Trước đây, chúng ta cũng đã có các Nghị quyết về phòng, chống tham nhũng, đã khắc phục được một phần. Nhưng ở nhiệm kỳ vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư đã trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Cuộc chiến chống tham nhũng đã có bước ngoặt lớn, nhiều cán bộ cao cấp như: Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh cũng đã bị xử lý. Một số bị vào tù, một số bị xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính. Nếu Đảng ta không mạnh sẽ không làm được điều này. Chính thông qua cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, sức mạnh chiến đấu của Đảng đã tăng lên, được đảng viên và nhân dân ủng hộ. Theo tôi, đây là dấu ấn quan trọng bậc nhất trong nhiệm kỳ XII.

Thành tựu thứ ba là quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã tạo ra một thế lực hoàn toàn mới, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thông qua các hoạt động thực tiễn, mà cả thế giới ngưỡng mộ và khâm phục. Nhiều cuộc họp thượng đỉnh, diễn đàn quốc tế tổ chức tại Việt Nam như APEC, Cuộc gặp cấp cao Mỹ – Triều… đã tạo dấu ấn đặc biệt. Chúng ta đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch luân phiên ASEAN, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc… thể hiện vai trò quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam đã chủ trì thành công nhiều hội nghị cấp cao trong nhiệm kỳ qua.
Việt Nam đã chủ trì thành công nhiều hội nghị cấp cao trong nhiệm kỳ qua.

Liên kết lại, thắng lợi của nhiệm kỳ XII, của Đại hội XIII với Chiến thắng mùa Xuân 30/4/1975, tương đồng trên 3 phương diện:

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức, lãnh đạo cuộc cách mạng thắng lợi, đã trưởng thành vững vàng về đường lối, chiến lược, sách lược, vững mạnh về chính trị, về đạo đức, về lối sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Thứ hai, sức mạnh dân tộc được huy động tối đa. Nếu như những năm 1960-1970, ở thế kỷ trước, “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, thì nhiệm kỳ XII, toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đã phát triển rầm rộ trên mọi phương diện. Sức mạnh nội lực được động viên tối đa. Chúng ta đã vươn ra biển lớn, cạnh tranh với các cường quốc toàn cầu.

Thứ ba, là sức mạnh kết nối dân tộc, kết nối thời đại. Trước đây, trong chiến tranh chúng ta huy động được sự ủng hộ của bạn bè, cộng đồng quốc tế. Thì trong nhiệm kỳ XII, cũng là một thắng lợi rực rỡ của Việt Nam trong việc huy động sức mạnh của thời đại và sức mạnh của dân tộc, để tạo ra thế và lực của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đầy khó khăn, biến động.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 26/1 đến ngày 1/2/2021.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 26/1 đến ngày 1/2/2021.

P.V: Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đặt ra những mục tiêu lớn cho từng chặng đường tiếp theo, Thiếu tướng có thể dự báo về sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đại hội XIII không chỉ vạch ra đường lối, chiến lược, sách lược cho nhiệm kỳ 5 năm tới, mà còn vạch ra các giai đoạn tiếp theo. Tôi cho rằng, trước hết, phải thừa nhận, nếu như không có thế và lực mới, thì chúng ta không thể đề ra mục tiêu cho 10 năm, 25 năm, 30 năm tiếp theo. Chúng ta đặt ra mục tiêu như vậy, chứng tỏ đến thời điểm này chúng ta đã trưởng thành và đã cho phép nghĩ xa hơn. Trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, tôi nghĩ rằng Đảng ta đã trưởng thành thực sự. Thông qua nhận thức đúng đắn, theo dõi đánh giá đúng những dòng chảy của thế giới, nhận thức được cả thuận lợi và thách thức mới dám đưa ra những mục tiêu dài hạn như vậy.

Kinh nghiệm từ Chiến thắng mùa Xuân 1975, từ thành công của nhiệm kỳ XII, Đại hội XIII, không có gì từ ngoài 3 nguyên nhân dẫn đến thắng lợi mà tôi đã nói ở trên. Cho dù Đảng ta đã vững mạnh, đã thành công trong cuộc phòng, chống tham nhũng, nhưng như đồng chí Tổng Bí thư đã từng nói, tham nhũng còn diễn ra nhiều nơi, ngày càng tinh vi, phức tạp. Cho nên, trong thời gian tới, việc đầu tiên vẫn là xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, thông qua đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Xung quanh vấn đề xây dựng Đảng và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tôi muốn nêu một vấn đề. Nếu nhiệm kỳ XII, chúng ta chống tham nhũng hiệu quả, tạo ra bước ngoặt, thì nhiệm kỳ XIII này, chúng ta phải tập trung vào phòng. Nghĩa là chúng ta phải xây dựng cơ chế để phòng ngừa tham nhũng từ trong nội bộ, trong đó, giám sát quyền lực là vấn đề cốt tử. Trong nhiệm kỳ XIII này, song song với chống tham nhũng, Đảng cần phải đặc biệt quan tâm nghiên cứu xây dựng các cơ chế, quy chế để phòng tham nhũng phát sinh trong bộ máy công quyền. Cái này là cơ bản, lâu dài. Nếu chúng ta làm tốt sẽ giúp cho Đảng mạnh, bên cạnh đó cũng sẽ góp phần bổ sung vào lý luận Mác-Lênin về việc phòng, chống tham nhũng trong điều kiện của Việt Nam.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội.

Để thực hiện mục tiêu của Đại hội XIII, quan trọng nhất vẫn là huy động nguồn lực trong nước, tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Chưa bao giờ chúng ta có sự thuận lợi, điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như bây giờ. Muốn thu hút tốt thì chúng ta phải xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, môi trường lành mạnh, để thu hút các tập đoàn lớn, công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam. Sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Trong một thế giới biến động khôn lường, Việt Nam phải hết sức tỉnh táo để đưa con tàu vào vị trí thuận lợi nhất, tránh đưa con tàu Việt Nam vào “mắt bão” của thế giới. Chúng ta phải tỉnh táo nhìn rõ những chuyển biến của thế giới, của khu vực để có những sách lược đúng đắn, bảo vệ Tổ quốc. Biết được thách thức, để chủ động vượt qua.

Hơn lúc nào hết, vai trò của đối ngoại, quốc phòng, an ninh trong giai đoạn tới cực kỳ quan trọng, đòi hỏi sự thông minh, sắc sảo, linh hoạt của Đảng, Nhà nước ta, có như vậy chúng ta mới huy động được sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại, tránh các sai lầm có thể xảy ra. Nhận rõ cơ hội để tận dụng tối đa, biết được thách thức để chủ động vượt qua. Bài học của Chiến thắng mùa Xuân 1975, của nhiệm kỳ XII vẫn còn nguyên giá trị để Việt Nam phát triển trong các giai đoạn tiếp theo.

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!