Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tự do ngôn luận gắn liền với nghĩa vụ của mỗi người

(Baonghean.vn) - Lợi dụng tự do ngôn luận để xâm hại đến lợi ích Nhà nước, tổ chức và công dân là vấn đề không mới. Nhưng trong thời gian toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XIII, tình trạng phát ngôn tùy tiện, võ đoán, lệch chuẩn, thiếu ý thức xây dựng, thậm chí đi ngược với quan điểm, đường lối của Đảng, “té nước theo mưa” phụ họa cho những luận điệu bóp méo, xuyên tạc của các thế lực thù địch diễn ra khá phức tạp.

Chớ lẫn lộn, lập lờ đánh lận con đen

Những người có những hành vi như đã nêu trên một phần do nhận thức của họ về quyền tự do nói chung và tự do ngôn luận nói riêng chưa đầy đủ (!?). Một số người xem quyền tự do ngôn luận là quyền tuyệt đối không có giới hạn nên lẫn lộn giữa quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Đặc biệt có những trường hợp đã lợi dụng tự do ngôn luận vi phạm nghiêm trọng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điển hình phải nhắc đến gần đây là trường hợp Phạm Thị Đoan Trang. Lợi dụng mạng xã hội và một vài diễn đàn thiếu thiện chí với Việt Nam ở hải ngoại, đối tượng này đã có những lời nói và việc làm đi ngược lại quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp Nhà nước… Lợi dụng việc các cơ quan chức năng của Nhà nước ta áp dụng các biện pháp xử lý một số đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận vi phạm pháp luật, các thế lực thù địch, phản động thông qua một số diễn đàn như: BBC, VOA, RFA…. lu loa rằng: “Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận”, “đàn áp những người bất đồng chính kiến”…

Một số đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận thông qua BBC, VOA, RFA... vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận. Ảnh chụp màn hình
Một số đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận thông qua BBC, VOA, RFA... vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận. Ảnh chụp màn hình

Chúng ta chẳng lạ gì chiêu trò móc nối với những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động. Những phần tử trong nước lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để tuyên truyền xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước thực chất họ đã trở thành những con rối, những công cụ hoạt động dưới sự bảo trợ, giật dây của các thế lực thù địch, phản động. Và khi những con rối, những cái vòi bạch tuộc ấy bị các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước ta chặt đứt, xử lý thì các thế lực phản động, phản động lu loa nhằm bênh vực, bao che cũng là điều dễ hiểu. Để bảo vệ cho những con rối, những cái vòi bạch tuộc ấy, các thế lực thù địch đã lập lờ đánh lận con đen giữa thực hiện quyền tự do ngôn luận chân chính với hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Dù có bằng chiêu thức gì, tinh vi, biến ảo đến đâu đi chăng nữa thì các thế lực thù địch, phản động cũng không thể lấp liếm, che đậy nổi tâm địa xấu xa và âm mưu đen tối của chúng.

Tự do nào cũng phải trong khuôn khổ pháp luật

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, ở mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, không phân biệt thể chế chính trị. Thực tế cho thấy, mặc dù công nhận các quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận nhưng không một quốc gia nào coi đó là quyền “tự do tuyệt đối”. Một thực tế mà giới cầm quyền của mọi quốc gia đều nhận thấy là nếu các quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận là tự do tuyệt đối, tự do vô chính phủ thì xã hội sẽ bị rối loạn, không thể kiểm soát. Quyền tự do nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng ở từng quốc gia đều được giới hạn trong khuôn khổ pháp luật của quốc gia đó. Chẳng hạn ngay nước Mỹ, Điều 2385 Chương 115 - Bộ luật Hình sự của nước này đã quy định nghiêm cấm mọi hành vi: "in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực"...

Phóng viên báo chí tác nghiệp. Ảnh tư liệu
Phóng viên báo chí tác nghiệp. Ảnh tư liệu

Việc các quốc gia giới hạn các quyền tự do, trong đó có quyền tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật là hoàn toàn phù hợp với nội dung đã nêu trong “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” của Liên hợp quốc. Tại Điều 29 của Tuyên ngôn nêu rõ: “Mỗi người đều có nghĩa vụ với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.

Chúng ta cần phải thấy rõ một thực tế rằng, không riêng ở Việt Nam, mà với mọi quốc gia trên thế giới tuy có cách tiếp cận không giống nhau về các quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận nhưng đều có một nguyên tắc cơ bản là việc thực thi các quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận phải phù hợp với tình hình, điều kiện lịch sử, văn hóa, trình độ dân trí, thể chế chính trị của mỗi nước và không ai được phép lợi dụng quyền cơ bản này để xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, làm phương hại danh dự, nhân phẩm người khác, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức cộng đồng và trật tự xã hội. Mọi công dân, mọi thành viên trong xã hội thực hiện các quyền tự do, trong đó có quyền tự do ngôn luận của mình trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng các quyền tự do nói chung và quyền tự do ngôn luận nói riêng để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Quyền tự do ngôn luận không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân

Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về thực hiện các quyền tự do của con người, quyền tự do của công dân là rất rõ ràng, minh bạch, khoa học và nhân văn. Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm chăm lo thực hiện tốt quyền tự do cơ bản của con người, của công dân, trong đó có tự do ngôn luận, nhưng đi kèm với đó phải là kỷ luật, kỷ cương, pháp luật. Tạo mọi điều kiện tốt nhất để công dân thực hiện quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận nhưng với những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để làm những điều trái luật, làm phương hại danh dự, nhân phẩm người khác; gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc…thì phải nghiêm trị theo pháp luật.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Như vậy, có thể thấy việc thực hiện các quyền tự do nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng phải luôn gắn chặt với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Với tư cách là một con người, một công dân trong xã hội để thực hiện tốt các quyền lợi của mình thì trước hết mỗi chúng ta phải thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội. Mỗi thành viên trong xã hội thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình là thiết thực góp phần làm cho xã hội ngày càng tiến bộ, phát triển, mọi hoạt động của xã hội đều tuân thủ kỷ cương, pháp luật. Ngược lại một xã hội dân chủ, tiến bộ, có kỷ cương đó chính là nền tảng để bảo đảm quyền tự do của mỗi thành viên.

Để góp phần đấu tranh ngăn chặn tình trạng phát ngôn tùy tiện, lệch chuẩn, thiếu ý thức xây dựng, đi ngược với quan điểm, đường lối của Đảng, thậm chí “té nước theo mưa” hùa theo, phụ họa cho những “màn kịch” của các thế lực thù địch, mỗi người chúng ta cần nhận thức đầy đủ, phân định rõ ràng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Cùng với đó cần tỉnh táo, cảnh giác nhận diện rõ ràng âm mưu, thủ đoạn lợi dụng thực hiện các quyền tự do nói chung và quyền tự do ngôn luận nói riêng để chống phá Việt Nam. Chỉ có nhận diện đúng mới giúp chúng ta chủ động đấu tranh phòng, chống và làm thất bại mọi chiêu trò lợi dụng quyền tự do nói chung và tự do ngôn luận nói chung nhằm chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Tin mới