Từ Dũng Quyết đến với quê hương Quang Trung

(Baonghean) - Từ TP. Vinh, chúng tôi theo chân đoàn công tác của tỉnh về với huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định - quê hương của vị hoàng đế tài ba Nguyễn Huệ - Quang Trung. Cảnh sắc của vùng quê trù phú vùng Nam Trung bộ với nương dâu, bãi ngô bên dòng sông Côn đem đến cho chúng tôi cảm giác gần gũi như đứng bên dòng Lam giang ở quê nhà.
Qua cầu Bến Thủy, tạm biệt núi Dũng Quyết, dòng Lam Giang, chúng tôi vượt gần 1000 km để đến với quê hương của Vua Quang Trung ở huyện Tây Sơn (Bình Định). Cách Thành phố Quy Nhơn về hướng Tây khoảng 49 km là Thị trấn Phú Phong - huyện Tây Sơn - quê hương của 3 anh em anh hùng dân tộc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Cuộc sống vùng quê này đang có nhiều đổi thay, phát triển hòa cùng dòng chảy của đất nước. Nhưng thấp thoáng bên dòng sông Côn chảy giữa những bãi ngô, nương dâu vẫn như lưu giữ những nét quê với dấu tích của đoàn quân Tây Sơn.
Dẫn chúng tôi thăm Bảo tàng Quang Trung và điện thờ Tây Sơn, anh Đặng Công Lập, nhân viên bảo tàng cho biết: Nơi đây còn lưu giữ khá đầy đủ những di tích hiện vật có liên quan tới phong trào Tây Sơn, với hơn 11.000 hiện vật. Hai di tích nằm trong khu bảo tàng là gốc me cổ thụ và giếng nước xưa của gia đình anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ. Gò đá đen nằm ở phía Đông nhà bảo tàng là nơi đóng binh tập luyện của quân Gò Lăng và Hồ Huyệt. Ở Phú Lạc là nơi thờ phụng lăng mộ của ông bà Hồ Phi Phúc và Nguyễn Thị Đồng là 2 cụ thân sinh của Vua Quang Trung.
Lãnh đạo tỉnh tham quan giếng cổ của gia đình Vua Quang Trung tại Tây Sơn - Bình Định.
Lãnh đạo tỉnh tham quan giếng cổ của gia đình Vua Quang Trung tại Tây Sơn - Bình Định.
Trong những trang sử của Việt Nam, dấu ấn của Vua Quang Trung và gia đình nhà Tây Sơn được ca tụng với những chiến công lẫy lừng. Đó là những năm từ 1771 (thế kỷ 18), anh em Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa lật đổ quyền thần Trương Phúc Loan, phò hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương. Lúc ấy, quân của Tây Sơn thường lấy của người giàu chia cho người nghèo. Năm 1778, quân Tây Sơn diệt được chúa Nguyễn ở đàng Trong và Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế lập nên triều đại Tây Sơn lấy niên hiệu là Thái Đức, phong cho làm Long Nhượng tướng quân và được giao quyền đánh đông dẹp bắc, là một tướng hành quân chớp nhoáng, “bách chiến bách thắng”.
Năm 1786, Nguyễn Ánh cầu viện vua Xiêm cho 2 vạn quân thủy và 300 chiếc thuyền sang xâm lược nước ta, bị Nguyễn Huệ đánh tan trên sông Rạch Gầm - Xoài Mút (Định Tường). Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc hà lật nhào chúa Trịnh chuyên quyền, tôn phò nhà Lê. Vua Lê Hiển Tông phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyên Súy Dực chính phù vận Lê Quốc Công và gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Sau đó Nguyễn Huệ cùng công chúa Ngọc Hân kéo quân vào Nam.
Tháng 4/1788, Lê Chiêu Thống bỏ kinh thành chạy ra ngoài, tạo đường cho đội quân xâm lược Mãn Thanh vào chiếm đóng Kinh đô Thăng Long. Nghe tin cấp báo, ngay ngày hôm sau 25/11 Mậu Thân (22/12/1788), Nguyễn Huệ một lần nữa xuất quân tiến ra Bắc Hà. Chiều ý các tướng quân, và để tỏ rõ danh nghĩa với cả nước, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Quang Trung. Ngày 29/11 năm Mậu Thân (26/12/1788), đại binh của Hoàng đế Quang Trung tới Nghệ An và dừng chân tại đó để tuyển thêm binh lính nâng tổng số quân lên 10 vạn, với đội tượng binh 200 con. Quang Trung chia làm 5 đạo quân: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân. Hoàng đế Quang Trung còn tổ chức lễ duyệt binh ngay tại Nghệ An để khích lệ ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân sỹ đối với quân Mãn Thanh xâm lược. Ngay sau lễ duyệt binh, Quang Trung đã cho quân tiến ra Bắc Hà. Ngày 5/1 năm Kỷ Dậu (1789) đội quân bách chiến, bách thắng của Hoàng đế Quang Trung đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, tiêu biểu là trận Ngọc Hồi - Đống Đa do vua Quang Trung trực tiếp chỉ huy tiến vào giải phóng Thăng Long. 
Phía trước Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt trong quần thể  Bảo tàng Quang Trung.
Phía trước Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt trong quần thể Bảo tàng Quang Trung.
Cùng dẫn chúng tôi tham quan khu vực bảo tàng Vua Quang Trung, ông Hồ Quốc Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tâm sự: “Gốc mấy đời của tôi là ở Nghệ An và cây phả hệ của Vua Quang Trung cũng chỉ rõ gốc ở Nghệ An, điều đó là niềm tự hào khi tôi được cống hiến cho quê hương Bình Định. Cứ mỗi khi có đoàn từ Nghệ An vào là tôi mong muốn được gặp, dẫn đi tham quan quê hương Bình Định. Không chỉ bản thân tôi mà hầu hết người dân Bình Định thực sự tự hào, trân trọng vì ngày xưa Hoàng đế Quang Trung trên đường ra Bắc dẹp loạn từng chọn Nghệ An làm điểm đóng quân chiến lược và trong kháng chiến chống Mỹ lại có nhiều người Nghệ An trên đường vào Nam giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước từng đóng quân tại Bình Định. Trên mảnh đất quê hương này còn có nhiều bộ đội phía Bắc, trong đó có người Nghệ An nằm lại…”.
Trước đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định niềm tự hào về quê hương Nghệ An là gốc rễ của gia đình Vua Quang Trung. Đặc biệt tại Nghệ An, trên đường ra Bắc, Vua Quang Trung đã tổ chức chiêu mộ, huấn luyện binh sỹ và chọn nơi địa linh này để xây dựng kinh đô. Tuy rằng hoài bão này chưa được thực hiện nhưng chúng ta có thể thấy rõ những ý tưởng táo bạo của Vua Quang Trung. Với tâm nguyện tưởng nhớ đến vị anh hùng, đồng thời lưu giữ những dấu vết của lịch sử oanh liệt, ôn lại chiến công của đoàn quân Nguyễn Huệ năm xưa vượt núi băng rừng thần tốc tiến vào Thăng Long, đánh thắng quân Thanh xâm lược, Đảng bộ, nhân dân Nghệ An đã xây dựng đền thờ Ngài trên đỉnh núi Dũng Quyết - nơi xưa Hoàng đế Quang Trung đã chọn xây Phượng Hoàng Trung Đô. Nơi đây vừa là một địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh vừa là một điểm tham quan hấp dẫn thu hút du khách. Từ trên đền, du khách có thể nhìn ngắm dòng sông Lam hiền hòa uốn lượn, ngắm Thành phố Vinh đang chuyển mình trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của các tỉnh Bắc Trung bộ. 
Về với Tây Sơn, tham quan Bảo tàng Quang Trung, chúng tôi còn được chứng kiến màn múa võ cổ truyền đặc sắc, nghe âm vang lúc trầm bổng, dồn dập, khi khoan thai, vui tươi khúc khải hoàn từ dàn trống trận. Đây được xem là hai di sản phi vật thể quý giá của vùng đất Tây Sơn gắn liền với triều đại Quang Trung. Từ Nghệ An đến với Tây Sơn, tận mắt thấy những di vật của đội quân do vị vua áo vải Quang Trung năm xưa gồm gươm giáo, súng thần công, trống, chiêng… chúng tôi cảm nhận được khí thế hào hùng xung trận vì đất nước của các thế hệ người Việt.
Nguyên Nguyên

Tin mới