Tư duy làm nông nghiệp đô thị nơi địa đầu xứ Nghệ

à địa phương có đầy đủ ba hệ sinh thái: Đồng bằng, miền núi và biển, thị xã Hoàng Mai được định hướng chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch. Nhưng thực tế, 70% thu nhập của người dân vẫn dựa vào nông nghiệp. Bởi vậy, thay đổi tư duy để có lối đi riêng trong phát triển nông nghiệp vùng đô thị được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi tôm của ông Nguyễn Hồng Cương được thành lập từ năm 1994, chuyên sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm. Sau 20 năm khởi nghiệp, ông đã có 15 ha nuôi tôm, thu hoạch gần 200 tấn tôm thương phẩm và trại sản xuất tôm giống cung cấp 60 – 100 triệu con tôm giống/năm cho người nuôi, giải quyết việc làm cho 40 lao động địa phương.

Nếu như chỉ nhìn vào con số báo cáo thì có lẽ bất kỳ ai cũng cho rằng, công cuộc start-up (khởi nghiệp) với tôm giống của ông Nguyễn Hồng Cương vô cùng suôn sẻ. Thậm chí, người lạc quan còn ví von là được trải bằng hoa hồng. Gặp Nguyễn Hồng Cương, nghe ông chia sẻ câu chuyện ngày đầu khởi nghiệp mới biết rằng đằng sau thành quả ngày hôm nay là bao lần mất trắng tay, tưởng không thể nào gượng dậy nổi.

Vào những năm nước lũ lên đến đỉnh điểm, đặc biệt năm 2013, đê vỡ, lũ tràn về trong chốc lát, dâng lên quá nhanh khiến người nuôi tôm trở tay không kịp. Những ao tôm đến kỳ thu hoạch của ông Cương trôi đi cùng dòng nước xiết. Nhà kho chứa thức ăn vật tư bị nhấm chìm.

Thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng. Tiền hỗ trợ thiên tai sau lũ không đủ để bắt đầu vụ nuôi mới. Chưa kể, thời gian đầu, do môi trường còn sạch bệnh nên được mùa, nhưng cùng với thời gian, do sự biến đổi và đặc tính nhạy cảm của tôm, nên dịch bệnh xuất hiện. Không ít mùa, người nuôi tôm phải vật lộn chống chọi với dịch bệnh, với nỗi ám ảnh “dã tràng xe cát”!

Có câu chuyện rất ý nghĩa kể về hai người bán lạc rang trên cùng một con phố nhỏ. Người thứ nhất, cứ sau mỗi lần rang lạc bỏ đầy vào túi, ông ta lại lấy bớt vài hạt cho vào một cái hộp, làm xong thì đã có mấy túi lạc rang để trong hộp riêng. Ông ta xuất thân nghèo khổ, luôn sống cuộc sống nghèo khổ, cho tới lúc chết vẫn là một người nghèo khổ.

Ông ta hao tâm tổn sức vì hạt lạc, so đo tính toán từng ly từng tý, nhưng không thay đổi được cuộc sống. Người thứ hai, viết rồi đặt trước cửa hàng của mình một tấm biển: “Lạc của tôi cam đoan là tồi nhất thị trấn này”. Ai đi qua cũng không nhịn được cười. Nhưng vẫn dừng lại mua. Sau đó, ông ta đã cho in dòng chữ này lên túi lạc. Công việc làm ăn ngày càng phát đạt. Ông ta phải thuê rất nhiều người đi bán lạc cho mình. Và dần dần trở nên giàu có.

Dẫn một ví dụ có vẻ không liên quan đến nghề nông, tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố tư duy trong cách làm ăn nói chung, làm nông nghiệp nói riêng. Dù bán buôn nhỏ lẻ hay đầu tư tiền tỷ vào một đầm tôm, một khu vườn trồng rau sạch, đều cần được tiến hành bằng cả hai vốn quý: kinh nghiệm và tư duy.

Riêng đối với nông nghiệp, tư duy ở đây là chuyển đổi mô hình canh tác, áp dụng một cách hợp lý các thành quả khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư tiền của và tâm huyết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu dựa trên chữ tín!

Xã hội càng phát triển, chất lượng cuộc sống của con người được nâng cao thì nhu cầu của con người về lương thực, thực phẩm cũng ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng và chủng loại. Đây là cơ hội lớn của ngành nông nghiệp nói chung, nông nghiệp Hoàng Mai nói riêng.

Là một thị xã trẻ, ra đời khi Việt Nam đã vượt qua những bước đi chập chững đầu tiên trong tiến trình hội nhập, Hoàng Mai vừa được kế thừa truyền thống là các làng nghề phong phú vừa có nhiều thuận lợi để công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, với những sản phẩm đã có uy tín và thương hiệu trên thị trường.

Đặc biệt, là những sản phẩm có tính cá biệt, đặc thù về thổ nhưỡng, chế biến như su su Quỳnh Liên; nước mắm, ruốc Quỳnh Dị; mực, cá trỏng, tôm nõn Quỳnh Lập, Quỳnh Phương; tinh bột nghệ Quỳnh Vinh; rau thơm Quỳnh Vinh, Quỳnh Dị, Quỳnh Thiện… Về mặt tự nhiên, diện tích đất nông nghiệp của Hoàng Mai có 17 ngàn ha, có triền dốc và bãi ngang, là mảnh đất màu mỡ để ươm mầm cho rau màu, hay cây nông nghiệp có giá trị cao.

Cơ hội là có, nhưng cơ hội cũng sẽ đem đến những thách thức buộc Hoàng Mai phải vượt qua. Xác định hướng đi để có sự đầu tư bài bản từ chủ trương, quy hoạch đến tuyên truyền vận động rồi hỗ trợ tối đa về mặt chính sách giúp bà con nông dân mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ cách làm vốn đã ăn sâu vào tiềm thức là việc đầu tiên cần làm. Một trong những hướng đi phù hợp là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa mang tính đặc thù, chỉ Hoàng Mai mới có, khẳng định bằng chất lượng để cạnh tranh trên thị trường.

Thứ hai, tạo sự liên kết trong sản xuất, hình thành các HTX và hội nghề nghiệp để tương trợ nhau về sản xuất và tìm kiếm thị trường; Thứ ba, khơi dậy và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sản xuất mới vào chế biến truyền thống để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, nhất là chất lượng giống, quy trình sản xuất sạch, an toàn; Thứ tư, đăng ký thương hiệu sản phẩm, tạo uy tín trên thương trường; Thứ năm, liên kết sản xuất với tiêu thụ, nhất là các siêu thị lớn, và thị trường trong và ngoài nước.

Thị xã hiện có trên 400 doanh nghiệp, chủ yếu là vừa và nhỏ. Họ đi lên từ đa dạng ngành nghề nhưng trong đó, làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao. Nhiều doanh nghiệp thành đạt và có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Thành công ngày hôm nay họ đạt được đều nhờ hai yếu tố: khai thác, tận dụng ưu thế đa dạng sinh thái của địa phương và thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Và đó là thực tế chứng minh: để phát triển nông nghiệp đô thị thì không chỉ cần kinh nghiệm truyền đời mà còn cần có cả sự đột phá về mặt tư duy.