Tự giải hạn cho chính mình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Với tâm linh, tôi thành kính và tín niệm nhưng không rụt rè, không vướng chấp, không mù quáng; thay vào đó, tôi thực hành tâm linh bằng sự hiểu biết. Tôi giải hạn cho chính tôi bằng cách nỗ lực gieo nhiều nhân tốt, thong dong chăm sóc tâm trí mình, tin vào nội lực của mình.

Năm tôi lên 10 tuổi, bác tôi - một người tín Phật, dẫn tôi lên một ngôi chùa gần nhà, dạy cho tôi cách khấn cầu: Con cứ nhẩm thế này: Nam mô a di đà Phật, hôm nay ngày X tháng Y năm Z, con dâng chút lễ bạc lòng thành, cầu mong ABCD…

“Lễ bạc” của bác tôi là mâm quả dựng thành tháp 9 tầng được trang trí rất cầu kỳ, “lòng thành” lại cầu xin đủ thứ: xin Phật độ cho con cuối năm được thăng quan tiến chức, xin cho con trai con đang làm việc ở nước ngoài sớm nhận được “thẻ xanh”, xin cho con gái con có được tình duyên như ý…

Và hình ảnh bác tôi chắp tay hợp thập, miệng lẩm nhẩm khấn, thi thoảng “xuýt” khẽ lên một tiếng như dấu phẩy giữa những lời cầu xin in sâu vào tâm trí tôi đến nỗi hàng chục năm sau, đó là hình ảnh đầu tiên tôi nhớ đến khi nghĩ về cửa Phật, về tâm linh. Một cách vô thức, bằng sự thành kính đến mức rón rén, kiêng cữ đến mức sợ hãi, bác đã dẫn tôi - một đứa trẻ, bước vào thế giới kỳ diệu ấy với nỗi e dè.

Mỗi lần đến chùa, ngước nhìn lên tượng Phật im lìm trên ban Tam Bảo, ngửi mùi khói hương, lòng tôi dấy lên nỗi sờ sợ mơ hồ. Tìm đến cửa Phật, thay vì bình tâm, tôi lại lúng túng không biết khấn cầu như thế nào cho đúng, sợ làm sai một bước sẽ bị quở phạt. Tôi không hiểu Phật là ai, Phật có quyền năng như thế nào. Nhưng tôi sợ Phật. Người ta thường sợ hãi khi người ta chưa hiểu biết. Tôi ôm nỗi sợ ấy để lớn lên, và vì sợ, nên dù bận đến thế nào, tôi vẫn luôn giữ thói quen tìm về các ngôi chùa ở những nơi mình đến để dâng hương; thậm chí, còn học theo mọi người làm lễ dâng sao giải hạn dịp tháng Giêng hàng năm. Tôi từng thắp khói hương nghi ngút, dâng những “lễ bạc” tốn đến hàng triệu đồng, vàng mã đủ loại chất chồng để hoá vàng… chỉ để mong thứ vận hạn xui rủi vô hình ấy đừng tìm đến với mình. Nhưng của đáng tội, hạn thì có bao giờ biết trước, dù lễ giải tốn kém đến mấy, có nhiều năm tôi vẫn lao đao.

Cảnh biển người chen lấn trên đường dự lễ cúng sao giải hạn chùa Phúc Khánh, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Internet

Cảnh biển người chen lấn trên đường dự lễ cúng sao giải hạn chùa Phúc Khánh, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Internet

Mãi cho đến khi tôi hiểu Phật, rằng Người không phải là đấng siêu nhiên tối thượng có phép thuật hoá giải mọi phiền não của loài người. Phật không cần ta khói hương nghi ngút, thắp 1 cây hương cũng chẳng khác gì thắp 1 bó hương. Trong giáo lý nhà Phật cũng không có kinh sách nào nhắc đến tục đốt vàng mã, ta đốt nào nhà lầu nào xe hơi thì Phật cũng chẳng dùng đến được.

Phật giáo chẳng dạy ta cúng dâng sao giải hạn, mà đó là tập tục có nguồn gốc từ văn hoá Trung Quốc. Trái lại, Phật dạy ta trở về với chính mình, an trú trong thân tâm của mình, bởi tất cả chúng sinh đều có Phật tính: “Ta là Phật đã thành và chúng sinh là Phật sẽ thành”. Đến cửa Phật hay bất kỳ nơi tâm linh nào khác, quý nhất là cái tâm, thể hiện ở thân, khẩu. Thân là trang phục, tư thế, dung nhan đúng mực, tử tế; khẩu là chào hỏi thưa gửi, tụng niệm nghiêm ngắn thành kính. Một ly nước trong cũng là lễ. Một vái lạy thành tâm cũng là lễ.

Khi tâm mình sáng, mình sẽ hiểu rằng mọi hoạ và phúc trên đường đời đều do chính mình mà ra, không phải do sao nào chiếu cả. Nếu sao chiếu thật, và dâng sao giải hạn hiệu quả thật, thì trên đời này lấy đâu ra nhiều khổ đau, tai ương, thương tích, mất mát đến thế? Hoạ và phúc đến từ nhân quả, gieo nhân nào gặt quả đó. Ta gieo nhân lành, nghĩ thiện làm thiện, thì ta nhận quả lành, trước hết là sự an yên trong tâm ta; và ngược lại.

Khi hiểu Phật, tôi không còn sợ nữa. Những chấp mê bất ngộ bỗng tan đi. Với tâm linh, tôi thành kính và tín niệm nhưng không rụt rè, không vướng chấp, không mù quáng; thay vào đó, tôi thực hành tâm linh bằng sự hiểu biết. Tôi giải hạn cho chính tôi bằng cách nỗ lực gieo nhiều nhân tốt, thong dong chăm sóc tâm trí mình, tin vào nội lực của mình. Nếu ai cũng làm được vậy, thì sẽ không còn phải mệt nhoài vì chen lấn, xô đẩy, nghẹt thở trước cửa đền, chùa để hy vọng các bậc thánh thần nghe thấu lời niệm cầu. Cửa đền, chùa quý nhất thanh tịnh, liệu đông đúc xô bồ như thế, cả ngàn người cùng niệm cầu như thế, các Ngài có nghe thấu hết được không?