Tự hào thương hiệu 'nước mắm Vạn Phần'

(Baonghean) - Vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách đến nay Công ty Cổ Phần thủy sản Vạn Phần Diễn Châu đang ngày càng phát triển lớn mạnh. Xây dựng được thương hiệu “nước mắm Vạn Phần” có mặt khắp Việt Nam và một số thị trường quốc tế.

Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần Diễn Châu tiền thân là Trạm Hải sản Diễn Châu được thành lập và hoạt động từ tháng 11 năm 1947. Ban đầu, Trạm được nhân dân xã Diễn Ngọc đóng góp ủng hộ thành lập tại xóm Hải Lý, làm nhiệm vụ thu mua chế biến thuỷ sản phục vụ kháng chiến. Năm 1950, huyện Diễn Châu cho củng cố và mở rộng tại vị trí sát Lạch Vạn, làm nhiệm vụ thu mua chế biến cá, cung cấp ngư lưới cụ cho ngư dân.

Thời kỳ 1960 - 1975 do chiến tranh, năm 1969 Trạm hải sản Diễn Châu phải sơ tán lên xã Nhân Thành, huyện Yên Thành vừa sản xuất vừa chiến đấu. Năm 1973 chuyển về địa chỉ hiện nay tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Theo Quyết định số 44 VP/UB ngày 2/10/1973 của Ủy ban Hành chính Huyện Diễn Châu, Trạm được giao 29.760 m2 đất để xây dựng Văn phòng trụ sở và khu vực sản xuất chế biến nước mắm.

Đóng gói sản phẩm nước mắm Vạn Phần. Ảnh: Văn Trường
Đóng gói sản phẩm nước mắm Vạn Phần. Ảnh: Văn Trường

Trước năm 1983, Trạm thuộc sự quản lý của Công ty thủy sản Nghệ Tĩnh. Cuối năm 1983, theo chủ trương tăng cường cấp huyện trạm được chuyển lại cho huyện quản lý. Theo Quyết định số 913 QĐ/UB ngày 11/7/1983 của UBND huyện Diễn Châu, Trạm chế biến Hải sản Diễn Châu được nâng cấp thành Xí nghiệp Hải sản Diễn Châu, việc sản xuất chủ yếu theo kế hoạch hóa.

 Đến năm 1987, Nhà nước xóa bỏ chế độ bao cấp chuyển sang hoạch toán kinh doanh. Theo Quyết định số 820 QĐ/UB ngày 26/5/1987 của UBND tỉnh Nghệ An, Xí nghiệp được chuyển thành Công ty Thủy sản Diễn Châu. Ban đầu với biết bao khó khăn thử thách, sản lượng nước mắm từ chỗ đạt trên 1 triệu lít giảm xuống chỉ còn 830 ngàn lít. Trong thời gian khó khăn đó trạm xếp đặt lại sản xuất, tăng cường thu mua nguyên liệu, đồng thời bố trí mảng bán buôn, bán lẻ như: mắm tôm, nước mắm trong huyện và ngoài huyện. Tình hình được cải thiện ngày một tốt hơn. 

Cuối năm 1992, theo chủ trương nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, Công ty có tên gọi Công ty dịch vụ Thủy sản Diễn Châu, theo Quyết định số 2029/ QĐ-UB ngày 14/11/1992 trực thuộc Sở Thủy sản Nghệ An quản lý. Điều kiện hoạt động của công ty ngày càng trở nên tốt hơn, doanh thu cũng từ đó mà tăng lên, đời sống của cán bộ công nhân viên trong công ty được cải thiện rõ rệt.

Đến năm 2000, do yêu cầu của cơ chế thị trường và điều kiện hoạt động của công ty, Công ty được cổ phần hóa, đổi tên thành Công ty cổ phần thuỷ sản Diễn Châu theo Quyết định số 03/2000/QĐ-UB ngày 03/01/2000 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An. Từ tháng 12 năm 2006, tên gọi chính thức của công ty là Công ty cổ phần thuỷ sản Vạn Phần Diễn Châu. Với vốn điều lệ ban đầu chỉ 1,2 tỷ đồng, sau cổ phần hoá, trong cơ chế thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt. Công ty vẫn trụ vững và ngày càng phát triển. Công ty đã nộp ngân sách trên 15 tỷ đồng cho Nhà nước, đầu tư trên 8 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu.

Từ năm 2016, với quan điểm chia sẻ với cộng đồng, sau khi lãnh đạo công ty hiến tặng lại nhãn hiệu Nước mắm Vạn Phần cho địa phương thì Nước mắm Vạn Phần là nhãn hiệu chứng nhận duy nhất của Nghệ An do Nhà nước quản lý. Xác định chất lượng sản phẩm quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, nên Công ty đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm ISO 22.000:2005 vào sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đã ứng dụng 4 đề tài KHCN mới, chương trình sản xuất sạch hơn, chuyển đổi quy trình kỹ thuật, giúp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trải qua 70 năm từ khi thành lập đến nay, Công ty đã thu mua chế biến trên 70 ngàn tấn nguyên liệu thủy sản và đưa ra thị trường trên 100 triệu lít nước mắm đảm bảo chất lượng cùng hàng chục ngàn tấn sản phẩm thủy sản khác phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với xuất phát điểm rất thấp trong điều kiện khó khăn của đất nước nói chung và của công ty nói riêng, mỗi một cán bộ công nhân viên, cổ đông và lao động công ty qua nhiều thời kỳ đã có những nỗ lực không ngừng trong việc gây dựng và phát triển công ty như hiện nay. Mặc dù công ty có nhiều cố gắng cải thiện điều kiện, môi trường làm việc và thu nhập cho lao động, tuy đời sống của người lao động vẫn rất nhiều khó khăn nhưng cán bộ và người lao động công ty vẫn rất tự hào là những người công nhân của Công ty CP thủy sản Vạn Phần Diễn Châu, đã có công góp phần đưa sản phẩm Nước mắm Vạn Phần trở thành một đặc sản của Nghệ An, có mặt khắp Việt Nam và một số thị trường nước ngoài.

Nước mắm Vạn Phần được chế biến theo phương pháp thủ công. Ảnh: Văn Trường
Nước mắm Vạn Phần được chế biến theo phương pháp thủ công. Ảnh: Văn Trường

Đặc biệt là sau khi thực hiện cổ phần hóa năm từ năm 2000, với số vốn điều lệ ít ỏi là 784 triệu đồng, khó khăn chồng chất, không có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng, đến nay số vốn cổ đông đóng góp đầu tư vào công ty để tạo điều kiện cho công ty khắc phục khó khăn ổn định sản xuất tăng hơn 20 lần. Doanh thu tăng trưởng gấp 10 lần so với lúc bắt đầu cổ phần hóa. Từ lúc chỉ có một vài loại sản phẩm, hiện nay số lượng sản phẩm của công ty đã tăng lên trên 30 loại, với mẫu mã bao bì đẹp, chất lượng tốt, giá cả thích hợp và sức cạnh tranh của sản phẩm ngày càng được nâng cao. Thị trường công ty ngày càng được mở rộng ra khắp cả nước và đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. 

Có được thành tích như vậy phải kể đến sự nỗ lực cố gắng của các thế hệ cán bộ CNV công ty cùng nhau vượt qua khó khăn. Công ty cảm ơn các cấp chính quyền, các ban ngành chức năng cấp tỉnh và huyện đã tạo điều kiện tốt nhất cho công ty hoạt động. Đặc biệt là sự đồng thuận, cưu mang chia sẻ và tạo điều kiện của cán bộ, lãnh đạo chính quyền và nhân dân xã Diễn Ngọc trong suốt 70 năm qua. 

Võ Văn Đại

(Giám đốc Công ty CP thủy sản Vạn Phần Diễn Châu)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới