Tự hào về PGS Văn Như Cương - người con ưu tú làng Quỳnh

(Baonghean.vn) –  Xin kể lại một kỷ niệm tôi có về PGS- TS Văn Như Cương với lòng mong mỏi được nói với ông rằng: Ông mãi là niềm tự hào, niềm thương nhớ của làng Quỳnh quê hương.

» Gia đình PGS Văn Như Cương sẽ dùng tiền phúng viếng xây trường vùng cao

 » Ông đồ Nghệ Văn Như Cương và những giai thoại khó quên

 » Thầy Văn Như Cương và triết lý về số không
 

Hồi tôi mới ra nhập học ở trường ĐHSP Hà Nội 1 (năm 1979), chân ướt chân ráo vừa xách cặp vào khoa Mác - Lê đã thấy Giáo sư - Tiến sỹ Phan Cự Nhân - Phó hiệu trưởng nhà trường ngồi ở khoa.

Thấy tôi ghi tên nhập học, thầy đến ân cần nắm tay tôi hỏi ngay : “Cháu là người Quỳnh Đôi à, con ai, đi đường có vất vả không ?”. Tôi trả lời xong thầy nói: “Chú cũng người Quỳnh Đôi đây, nhà cô chú ở cạnh đây, cháu rỗi thì lên chơi xem ti vi nhé. Trong học hành mà có đề đạt gì thì nói với chú, chú là hiệu phó trường này”.

Vừa xa quê lần đầu được gặp thầy hiệu phó lại xưng chú cháu thân tình, nói tiếng Quỳnh Đôi đặc sệt nên tôi cảm thấy gần gũi và cảm động lắm. Tôi liền đề xuất: “Chú ơi, hồi phổ thông cháu rất thích môn toán và môn toán cháu cũng được điểm cao, chú cho cháu vào khoa toán ạ”.

PGS Văn Như Cương lên đánh trống khai giảng ngôi trường Lương Thế Vinh. Ảnh: Internet
PGS Văn Như Cương lên đánh trống khai giảng ngôi trường Lương Thế Vinh. Ảnh: Internet

Thầy nói: “Chuyện này cháu trao đổi với chú Cương nhé, chú ấy sắp tới rồi đó.” Rồi thầy hỏi chuyện gia đình, chuyện quê hương. Hai chú cháu đang say sưa chuyện trò thì thấy một người cao to, râu dài đến ngực đi tới. Thầy Nhân dứng dậy bắt tay và nói luôn: “Đây là cháu Quang, con o Huê chú Pha ở làng ta. Cháu được phân về khoa Mác - Lê”.

Thầy Cương nói: “Chị Huê thì tôi biết, bố của chị ấy chơi thân với bố của tôi mà. Cháu vào khoa này thì tốt quá!”. Tôi vội đứng dậy:  “Thưa thầy, thầy cho em chuyển sang khoa toán của thầy ạ”. Thầy cười rất thoải mái và vỗ vai tôi nói to: “Được học khoa này là may đó, vì học Mác- Lê ra trường làm được rất nhiều việc, có thể làm chính trị, làm khoa học, làm báo… đều được tuốt”.

 Nghe thầy nói thế, tôi yên tâm ở lại học khoa Mác- Lê. Khi mới vào trường, thấy nhà A7 (sinh viên khoa Văn) cãi nhau to với nhà A6 ( sinh viên khoa Toán), nam khoa Toán tràn sang khoa Văn, đến cầu thang thì các nữ sinh cầm nồi niêu xoong chậu xô ra chạy lại gõ vào nhau thành tiếng keng keng liên hồi. Một bạn gái ra dõng dạc đọc bài hịch ( bài dài nhưng hơn 40 năm rồi tôi không nhớ hết nội dung, chỉ nhớ mấy câu đầu):

“Keng, keng, keng sinh viên Khoa Toán nghe đây nghe đây....

Người xưa có câu

Ở gần người giàu thì được ăn cốm

Ở gần kẻ trộm thì bị chịu đòn lây

Nay ta ở gần các ngươi nên ta phải chịu đòn lây

Ở Khoa các ngươi

Văn Như Cương tiên sinh

Một đề toán làm rung mình thế giới

Hoàng Xuân Sính nữ sỹ

Mười ba tuổi đã giật bằng cử nhân ở Pháp

Các ngươi không lấy đấy làm gương mà đi xuống nhà ăn mâm 6 biến thành mâm 3, mâm 3 biến thành mâm 1, làm cho một số nữ nhi chân yếu tay mềm phải nhịn đói nhịn khát lếch thếch trở về.

Keng keng keng.”…

Phút thanh thản của thầy Văn Như Cương. Ảnh: FB Hồ Ngọc Quang
Phút thanh thản của thầy Văn Như Cương. Ảnh: FB Hồ Ngọc Quang

Sinh viên khoa Toán nghe thế kéo nhau về hết, không xảy ra xung đột nữa. Chứng kiến chuyện này, tôi lại càng tự hào về thầy Văn Như Cương và quê hương làng Quỳnh của tôi.

Cần nói thêm: hồi đó, xã Quỳnh Đôi có Hội khuyến học ở Hà Nội do ông Hồ Sỹ Bằng làm hội trưởng. Con em trong xã ra Hà Nội học là hội đón ở trường giáo viên trường nào thì đón sinh viên trường đó, hỏi thăm chuyện học hành và nhu cầu học thêm.

 Sinh viên mới vào đại học, hội đồng hương mở hai lớp bồi dưỡng cho con em trong làng học thêm kiến thức cơ bản . Môn Toán do thầy Văn Như Cương, thầy Văn Đức Cự dạy, môn văn do giáo sư Phan Cự Đệ và một số thầy cô khác dạy. Mỗi lần về hè hay nghỉ tết, được hội đồng hương cho tiền tàu xe chiều về, còn khi ra đã có gia đình lo.

Hội đồng hương mỗi năm gặp sinh viên làng 2 lần căn dặn, dạy bảo làm quen với nhau, vì thế sinh viên Quỳnh Đôi ở Hà Nội luôn chăm chỉ và thành đạt phát huy được truyền thống quê hương. Nhiều người bây giờ là giáo sư tiến sỹ, tướng quân đội tướng công an đảm nhận nhiều cương vị quan trọng của Đảng và nhà nước.

Để có những thành quả đó là nhờ sự vun đắp của bao thế hệ con em làng Quỳnh, trong đó có công lớn của những người như PGS- TS Văn Như Cương. Xin thắp một nén tâm hương tiễn biệt Ông – Người con ưu tú của quê hương làng Quỳnh.

Hồ Ngọc Quang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới