Từ năm 2022, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế có nhiều thay đổi

(Baonghean.vn) - Nhiều chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế thay đổi từ ngày 1/1/2022 có lợi cho người lao động.

I.     Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng cho nhiều đối tượng

Từ ngày 1/1/2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng trước ngày 01/01/2022 bao gồm 07 nhóm đối tượng:

1. Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nghỉ hưu từ Quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg về việc chuyển bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An sang bảo hiểm xã hội tự nguyện); Quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.

2. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại:

- Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

- Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

- Nghị định 121/2003/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn;

- Nghị định 09/1998/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 50/CP về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.

Tư vấn cho người lao động tại cơ quan BHXH Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà
Tư vấn cho người lao động tại cơ quan BHXH Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

3. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo:

- Quyết định 91/2000/QĐ-TTg về việc trợ cấp cho những người đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

- Quyết định 613/QĐ-TTg về việc trợ cấp hằng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động;

- Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 206-CP về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc.

4. Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130-CP ngày 20-6-1975 và Quyết định 111-HĐBT về việc sửa đổi một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường.

Tư vấn cho người lao động tại cơ quan BHXH Hưng Nguyên. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà
Tư vấn cho người lao động tại cơ quan BHXH Hưng Nguyên. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

5. Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương (được sửa đổi bởi Quyết định 38/2010/QĐ-TTg).

6. Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.

7. Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Ngoài ra, các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định này mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng; cũng thuộc đối tượng điều chỉnh.

Theo đó, tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.

Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo. 

I.       Tiếp tục điều chỉnh tuổi nghỉ hưu,  tăng năm đóng BHXH để hưởng lương hưu của nam 

Theo Điều 169, Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh hàng năm kể từ 2021, thêm ba tháng với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; thêm bốn tháng với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện làm việc bình thường sẽ là 60 tuổi 6 tháng và lao động nữ là 55 tuổi 8 tháng.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ 2022, số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu của lao động nam có sự điều chỉnh, tỷ lệ hưởng lương hưu 45% phải đóng đủ 20 năm BHXH trở lên thay vì 19 năm như hiện hành. Còn muốn hưởng tỷ lệ tối đa 75%, lao động nam đóng đủ BHXH từ 35 năm, tăng thêm một năm so với 2021.

Người lao động làm thủ tục để nhận hỗ trợ từ quỹ BHXH. Ảnh minh họa
Người lao động làm thủ tục để nhận hỗ trợ từ quỹ BHXH. Ảnh minh họa

III. Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng

Theo Khoản 2, Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn theo từng giai đoạn. Bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, mức chuẩn nghèo đối với khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ là 1.500.000 đồng.

Theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/1 tháng và số tiền hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia cũng sẽ tăng lên. Cụ thể:

Đối với người tham gia thuộc hộ nghèo: Số tiền hỗ trợ sẽ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/1 tháng.

Đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo: Số tiền hỗ trợ sẽ tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/1 tháng

Đối với người tham gia thuộc đối tượng khác: Số tiền hỗ trợ sẽ tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/1 tháng.

Đối với những người trước đây tham gia BHXH tự nguyện đăng ký mức thu nhập dưới 1.500.000 đồng đến hết ngày 31/12/2021 đến hạn đóng, nhân viên đại lý thu BHXH sẽ trực tiếp liên hệ và hướng dẫn người dân thủ tục để thay đổi mức thu nhập làm căn cứ đóng.

Đối với các trường hợp đã tham gia BHXH tự nguyện đăng ký mức thu nhập dưới 1.500.000 đồng nhưng đến hết ngày 31/12/2021 chưa đến hạn đóng thì vẫn thực hiện theo phương thức đã đăng ký trước đó cho đến khi hết hạn đóng. Người tham gia sẽ không phải đóng bù số tiền chênh lệch khi Chính phủ điều chỉnh mức thu nhập làm căn cứ đóng.

IV.  Hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách hỗ trợ 45% mức đóng khi tham gia BHYT.

Từ ngày 01/01/2022, người dân thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Nghệ An được ngân sách hỗ trợ 45% mức đóng khi tham gia BHYT (Tăng 5% so với năm 2021). Trong đó:

Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, tương đương: 241.380 đồng.

Ngân sách địa phương hỗ trợ 15% mức đóng, tương đương: 120.690 đồng.

Mức đóng khi tham gia BHYT đối với người dân thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022 là: 442.530 đồng/người/12 tháng./.

Tin mới