Từ Singapore đến Hà Nội: Kỳ vọng những bước tiến bất ngờ!

(Baonghean) - Sự kiện quốc tế được quan tâm hàng đầu trong 2 ngày hôm nay và ngày mai (27-28/2) là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 chính thức diễn ra tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam.

8 tháng kể từ sau Hội nghị lần thứ nhất diễn ra tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, Hội nghị lần này được giới chuyên gia dự báo rất nhiều khả năng sẽ có những tiến triển bất ngờ, chỉ có điều ở mức độ nào mà thôi.

Từ biểu tượng đến thực chất

Chắc hẳn dư luận vẫn chưa thể quên sự kiện lịch sử ngày 12/6/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã cùng nhau tiến hành cuộc gặp mặt lịch sử đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Singapore tháng 6.2018. Ảnh: Getty
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Singapore tháng 6.2018. Ảnh: Getty
Đáp ứng kỳ vọng của dư luận lúc đó, các bên đã đưa ra Tuyên bố chung vạch ra các lĩnh vực ưu tiên, như hai nước sẽ thiết lập quan hệ mới vì sự hòa bình và thịnh vượng; hai bên sẽ cùng nhau xây dựng một nền hòa bình ổn định, lâu dài trên bán đảo Triều Tiên hay thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên…

Tuyên bố chung này đã tạo cơ hội cho hai chính phủ bắt đầu cùng nhau hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ song phương cũng như tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Ngay từ tháng 7 sau đó, các chuyến thăm con thoi và gặp gỡ song phương các cấp đã được tiến hành. Có thể nhắc tới hàng loạt cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức cấp cao CHDCND Triều Tiên.

Như cuộc gặp giữa ông Pompeo và ông Kim Yong Chol, người được Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un chỉ định phụ trách các cuộc tiếp xúc với phía Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa tại Bình Nhưỡng.

Hay cuộc gặp cũng giữa Ngoại trưởng Pompeo gặp Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tại các cuộc gặp này, các bên đã tích cực xem xét các bước tiếp theo và tiến trình thảo luận giữa chính phủ hai nước...

Một chuỗi các sự kiện tích cực khác cũng đã diễn ra trong đầu năm 2019, bắt đầu từ bài phát biểu chúc mừng năm mới của Chủ tịch Kim Jong Un, trong đó nhấn mạnh cam kết của Bình Nhưỡng đối với tiến trình phi hạt nhân hóa và cũng như hiện đại hóa nền kinh tế Triều Tiên.

Thế nhưng nhìn vào kết quả của hàng loạt động thái ngoại giao này, dư luận có lẽ chưa thấy tiến triển nào đáng kể trong cả quan hệ Mỹ - Triều cũng như lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Thậm chí theo phía Mỹ, các hành động từ phía Triều Tiên vẫn là chưa đủ để chứng tỏ thiện chí phi hạt nhân hóa hoàn toàn nhằm đổi lại các cam kết an ninh từ Washington.

Một sĩ quan quân đội Triều Tiên (bên trái) và một sĩ quan quân đội Hàn Quốc bắt tay nhau trong hoạt động kết nối một con đường đi qua giới tuyến quân sự bên trong khu phi quân sự liên Triều (DMZ) vào ngày 22/11. Ảnh: Reuters
Một sĩ quan quân đội Triều Tiên (bên trái) và một sĩ quan quân đội Hàn Quốc bắt tay nhau trong hoạt động kết nối một con đường đi qua giới tuyến quân sự bên trong khu phi quân sự liên Triều (DMZ) vào ngày 22/11. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa hai bên thực tế cũng chưa có nhiều tiến triển, bởi cả Mỹ và Triều Tiên vốn đều chưa thể thống nhất về khái niệm thế nào là “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.

Thực tế cho đến nay, đối với Mỹ, “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” có nghĩa là “dỡ bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Còn đối với Triều Tiên, thuật ngữ này lại bao gồm việc rút các mối đe dọa quân sự của Mỹ khỏi khu vực. Bởi vậy hơn lúc nào hết, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ mang đến bầu không khí cởi mở, giúp các bên có thể có các bước tiến mới trong quá trình đàm phán, tạo điều kiện thuận lợi cho lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cũng có nghĩa, đây sẽ là cơ hội biến “cái bắt tay biểu tượng” tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất năm 2018 tại Singapore thành những tiến bộ thực chất tại Hội nghị lần thứ 2 tại Hà Nội.

Kỳ vọng có cơ sở

Không phải là ngẫu nhiên mà từ dư luận các nước như Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cho đến giới quan sát, chuyên gia quốc tế đều bày tỏ sự lạc quan đối với triển vọng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội.

Đối với Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong Un với mục tiêu và cam kết phát triển, đổi mới kinh tế, xã hội của đất nước sau hơn 6 thập kỷ cấm vận, có lẽ đang muốn bày tỏ sự thiện chí hơn lúc nào hết.

Hàng loạt các tuyên bố mềm dẻo, các động thái nhượng bộ, xuống thang của Bình Nhưỡng thời gian qua đã cho thấy quyết tâm này từ phía Triều Tiên.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng bắt tay chào Chủ tịch Kim Jong-un khi ông bước xuống khỏi đoàn tàu bọc thép. Ảnh: Nhật Bắc
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng bắt tay chào Chủ tịch Kim Jong-un khi ông bước xuống khỏi đoàn tàu bọc thép. Ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn
Bởi một khi đạt được các tiến bộ mới trong đàm phán với Mỹ, các lệnh cấm vận kinh tế sẽ dần được gỡ bỏ. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để Triều Tiên có thể mở cửa và tiến hành đổi mới đất nước.
Trong khi đó đối với Mỹ, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hay các vấn đề nội bộ, đang trở thành động lực để Tổng thống Donald Trump đạt được những tiến bộ về mặt ngoại giao trong tiến trình đối thoại với Triều Tiên, để lấy điểm đối với cử tri trong nước.

Không chỉ vậy, nếu đạt được bất kỳ tiến triển nào, dù ít hay nhiều cũng khẳng định được uy tín chính trị của Tổng thống Trump. Bởi ông sẽ trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên đạt được các bước đột phá trong quan hệ với Triều Tiên, đồng thời có thể sẽ chấm dứt một trong những “di sản” chiến tranh Lạnh còn sót lại. Đây rõ ràng là lợi thế tạo đà cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ quan trọng sẽ diễn ra vào năm 2020.

Với rất nhiều mục tiêu và động lực như vậy, giới chuyên gia dự báo, nhiều nội dung cụ thể sẽ được các bên bàn thảo chi tiết tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 này.

Trước hết, đó phải là sự thống nhất khái niệm thế nào là phi hạt nhân hóa vốn vẫn còn nhiều khác biệt giữa Mỹ và Triều Tiên. Tiếp đó là lộ trình phi hạt nhân hóa sẽ được quy định cụ thể ra sao.

Chẳng hạn như các biện pháp tương ứng mà hai bên cần thực hiện để song song vừa nới lỏng lệnh trừng phạt, vừa từng bước phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Thậm chí theo giới phân tích, sẽ có những bất ngờ tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2, đó có thể là một tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đón , tặng hoa chào mừng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, tại khách sạn Melia. Ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đón , tặng hoa chào mừng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, tại khách sạn Melia. Ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn
Nếu thực sự đạt được điều đó, đây sẽ là bước đà không thể tốt hơn cho hai bên xây dựng lòng tin, xóa bỏ hố sâu nghi kỵ, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đàm phán tiếp theo.

Rõ ràng, đây là kỳ vọng không chỉ của các bên liên quan mà còn của cả cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình. Bởi thế, dù là lạc quan thận trọng, nhưng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội đang được đánh giá sẽ mang theo “lực đẩy mạnh mẽ” cho tiến trình hòa bình, phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên./.

Tin mới