Từ việc một cán bộ, đảng viên từ chối luân chuyển ở Cửa Lò

(Baonghean.vn)- Thời gian gần đây, có nhiều luồng dư luận khác nhau xung quanh câu chuyện một cán bộ, đảng viên ở thị xã Cửa Lò được tổ chức điều động sang làm Bí thư đảng ủy phường trên địa bàn nhưng đã không nhận nhiệm vụ. Vì sao một việc làm thuộc công tác tổ chức đơn thuần lại hóa thành phức tạp một cách không bình thường? Phóng viên Báo Nghệ An đã  tìm hiểu về sự việc....

Chuyện từ việc đồng chí Nguyễn Văn Tuân, sinh năm 1977- Ủy viên BCH đảng bộ, Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Giáo dục Thị xã Cửa Lò; một cán bộ trẻ được đánh giá có triển vọng, có năng lực, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng (ông nội là đảng viên lâu năm, bố là đảng viên, liệt sỹ). Bản thân đồng chí là sinh viên sư phạm đầu tiên của khoa Vật lý (Trường Đại học Vinh) được kết nạp đảng tại trường học.

Trải qua nhiều vị trí công tác: giáo viên kiêm Bí thư chi đoàn trường THPT Bán công Cửa Lò (2000-2003); Phó Bí thư Thị đoàn Cửa Lò (2003-2005); Phó văn phòng HĐND-UBND thị xã (2005), Bí thư Thị đoàn Cửa Lò (2005-2009). Ở vị trí nào, đồng chí cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 2009, dù tuổi đời còn khá trẻ, kinh nghiệm giáo dục, thời gian đứng lớp chưa nhiều (mới chỉ có 3 năm công tác trong ngành với cương vị là giáo viên Vật Lý kiêm bí thư đoàn tại một trường bán công), đồng chí Tuân vẫn được tổ chức tin tưởng, mạnh dạn bổ nhiệm vị trí Trưởng phòng GD&ĐT thị xã, tham gia BCH đảng bộ thị xã khóa III,IV,V. Trong 7 năm làm Trưởng phòng, đồng chí Tuân đã có những đóng góp nhất định cho ngành giáo dục trên địa bàn trong thành tích chung của tập thể. Bằng chứng là liên tục nhiều năm ngành GD&ĐT thị xã Cửa Lò được Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An xếp loại xuất sắc.Cá nhân đồng chí Tuân được quy hoạch làm Phó chủ tịch UBND Thị xã...

Đến tháng 11 năm 2015, trên cơ sở rà soát nguồn quy hoạch và các quy định về công tác cán bộ, các chức danh nhà nước không giữ chức vụ tại một vị trí quá 8 năm (đồng chí Tuân làm Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã năm thứ 7), Thường trực Thị ủy, Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò thống nhất chủ trương đồng chí Tuân thôi giữ chức vụ Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã, điều động, luân chuyển, chỉ định tham gia BCH, BTV, giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy phường Nghi Thu nhiệm kỳ 2015 – 2020. Mục đích luân chuyển là để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ về kinh nghiệm công tác Đảng, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở.

Theo Quyết định số 47 của BTV Thị Ủy Cửa Lò, ngày 27/11/2015 đồng chí Tuân phải bàn giao công việc, nhận nhiệm vụ mới. Thế nhưng mọi việc bỗng trở nên phức tạp, bởi từ đó đến nay đồng chí Tuân vẫn chưa chấp hành quyết định của Đảng.

Lý giải về việc làm của mình, nguyên Trưởng phòng Giáo dục thị xã Cửa Lò trình bày: “Không có nguyện vọng phát triển chức vụ cao hơn trong quy hoạch đã được phê duyệt, chỉ có nguyện vọng được công tác trong ngành Giáo dục để phát huy mặt mạnh của bản thân và để hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Đồng chí Nguyễn Văn Tuân còn cho rằng: Việc tổ chức thực hiện luân chuyển đồng chí Phùng Đức Nhân (nguyên ủy viên BCH Đảng bộ thị xã, bí thư đảng ủy Phường Nghi Thu, có hai bằng đại học chính quy (Đại học Luật Hà Nội và Học viện Hành chính quốc gia) loại khá. Nằm trong diện thu hút nhân tài của tỉnh- PV) về đảm nhiệm trưởng phòng GD-ĐT thị xã thay mình là chưa phù hợp bởi đồng chí Nhân không có trình độ, năng lực, nghiệp vụ giáo viên, không có kinh nghiệm công tác trong ngành giáo dục, đương nhiên không làm được cán bộ quản lý giáo dục...

Đồng chí Tuân còn khẳng định “Xét về nhiệm vụ làm Trưởng phòng giáo dục, quản lý nhà nước về giáo dục thì tôi sẽ chiếm ưu thế hơn đồng chí Nhân trên tất cả các mặt về trình độ, năng lực, nghiệp vụ, kinh nghiệm, lòng yêu nghề.....”

Ở đây, thấy rằng sự tự tin, đề cao năng lực của bản thân và tâm huyết với ngành là cần thiết. Tuy nhiên, là một đảng viên, thiết nghĩ trước hết đồng chí Tuân phải nhận thấy: việc đánh giá, luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ là việc của tổ chức, do tổ chức quyết định và chịu mọi trách nhiệm trước đảng, trước nhân dân; khi tổ chức đảng đã ban hành quyết định chính thức việc điều động, luân chuyển cán bộ thì trách nhiệm của đảng viên là phải thi hành quyết định của Tổ chức Đảng.

Khoản 2, Điều 9 Chương II Điều lệ Đảng quy định “Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức...”.

Việc luân chuyển, điều động cán bộ theo Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ chính trị khoá X và Nghị quyết 14-NQ/TU của Tỉnh uỷ Nghệ An vốn là việc làm rất bình thường và được triển khai thường xuyên trong công tác cán bộ. Trường hợp điều động, luân chuyển đồng chí Nguyễn Văn Tuân đã được BTV Thị ủy Cửa Lò thảo luận, thống nhất và đưa ra quyết định. Bản thân đồng chí Tuân là đảng viên, hơn thế còn là ủy viên Ban chấp hành đảng bộ thị xã thì phải tuân thủ sự phân công, điều động của tổ chức đảng, mà trực tiếp ở đây là Thị ủy Cửa Lò.

Việc đảng viên (dù vì bất cứ lý do gì) từ chối nhận nhiệm vụ, không chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức là vi phạm nguyên tắc, điều lệ, kỷ cương, kỷ luật Đảng. Đánh giá nghiêm túc về sự việc, nhiều ý kiến cho rằng nếu ai cũng chỉ muốn làm những việc mà bản thân cho là phù hợp, thuận lợi với mình, thì những việc khác ai làm và còn đâu tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên? Mặt khác, việc tổ chức điều động đảng viên thôi vị trí công tác này để chuyển qua nhiệm vụ khác  không có nghĩa là bị cách chức, kỉ luật hay bị đánh giá về năng lực mà còn thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ  đào tạo, rèn luyện cán bộ của đảng. Trong trường hợp đồng chí Nguyễn Văn Tuân, nhiều người tin tưởng rằng, với truyền thống gia đình, với nền tảng kiến thức và quá trình phấn đấu từ trước đến nay, cho dù  điều động đi đâu, đảm nhận vị trí công tác nào, đồng chí cũng sẽ hoàn tốt nhiệm vụ của mình.

Sự việc trên có thể coi là bài học trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ ở cơ sở. Trong quy trình thực hiện luân chuyển cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng và tổ chức, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng khi có yêu cầu luân chuyển. Cán bộ  trong diện luân chuyển cần được trao đổi thông suốt về chủ trương, thống nhất về tư tưởng để tự giác chấp hành, thực hiện quyết định điều động, luân chuyển của tổ chức. Về nguyện vọng riêng của cá nhân, tổ chức có thể tùy từng trường hợp cụ thể mà xem xét nhưng vẫn phải trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, nguyên tắc của đảng.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mỗi cán bộ, đảng viên nhất là ở cấp quản lý, cán bộ thuộc diện nguồn quy hoạch phải thấu suốt: việc luân chuyển vị trí công tác, thử sức, rèn luyện ở những môi trường khác nhau không chỉ là nghĩa vụ, bổn phận mà còn là danh dự, trách nhiệm của người đảng viên đối với tổ chức đảng. Đồng thời thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam  trước quần chúng nhân dân.

Khoản 1 Điều 2, chương 1 Điều lệ đảng quy định trách nhiệm của đảng viên “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”.

Nhóm phóng viên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới