Tục "rửa chân" trong đám cưới người Thái

(Baonghean) - Tục này chỉ có trong đám cưới truyền thống của người Thái (nhóm Tày Mường), ở miền Tây Nghệ An. Các nhóm Thái khác hầu như không thấy có...
Nói “đám cưới truyền thống” của người Thái là nói theo tục cưới có từ lâu đời của người Thái Tày Mường gắn chặt với nhà sàn và mường bản. Những gì còn truyền đến ngày nay, cho dù ít nhiều thay đổi đều có nguồn gốc từ một câu chuyện mang tính tâm linh nào đó, chủ yếu là để giáo dục cách sống, được ẩn trong cái vỏ bọc bên ngoài là “tục lệ”. Tục “rửa chân dâu rể” trước khi lên sàn cũng mang đậm ý nghĩa này…
Trước khi đi đón dâu, gia đình nhà trai ngoài việc chuẩn bị các lễ vật còn phải chuẩn bị các vật dụng cho lễ “rửa chân dâu rể”. Đây là lễ đầu tiên khi đưa dâu về đến nhà. Các vật chuẩn bị bao gồm 2 đồng tiền xu bằng đồng, 2 cái nồi nhỏ bằng đồng thau, 2 cái ống nứa đựng nước.  
Rửa chân cô dâu, chú rể ở chân cầu thang trong một đám cưới của người Thái (nhóm Tày Mường).  Ảnh: Cao Đông
Rửa chân cô dâu, chú rể ở chân cầu thang trong một đám cưới của người Thái (nhóm Tày Mường). Ảnh: Cao Đông
Khi đưa dâu đến dưới chân cầu thang, nhà gái cũng như nhà trai cùng chào hỏi nhau, mỗi bên đứng ở mỗi phía theo thứ bậc của tục đưa và đón dâu truyền thống. Nhà trai cử ông mối  đứng ra chào khách thay cho cả họ, xong thì gọi người nhà trai rót rượu ra chén, chúc mỗi người đi đưa dâu một chén và mời các bậc trong đoàn đưa dâu một miếng trầu cau. Khi bên đưa dâu có lời cảm ơn bên họ nhà trai, ông mối liền dắt tay 2 vợ chồng trẻ đến đứng trước chân cầu thang lên nhà. Cô dâu và chú rể cùng đặt mỗi người một bàn chân lên bậc cầu thang thứ nhất, ông mối bắt đầu làm lễ rửa chân.
Trong lời cúng, ông mối nhắc đến tất cả mọi người đi đưa dâu và xin thần nước (phi nặm) rửa chân cho họ được sạch sẽ để họ bước lên nhà thông gia theo cô dâu. Cúng xong phần rửa chân chung, quay lại đôi vợ chồng trẻ, ông mối lấy hai cái nồi đồng đặt xuống dưới 2 bàn chân của cô dâu và chú rể, rồi vừa đọc lời cúng vừa lấy 2 cái ống nước có bịt miếng đan “tá léo” (miếng đan bằng lạt theo hình mắt cáo) đổ lên mu bàn chân của cả 2. Nước chảy trên mu bàn chân của 2 người xuống cái nồi đồng có một đồng xu ở phía dưới. Ông mối phải đổ sao cho không một giọt nước nào chảy ra ngoài nồi đồng. Hết 2 bàn chân này thì tiếp tục đến 2 bàn chân kia. Khi cả 2 bàn chân của cả cô dâu và chú rể đã được “rửa sạch” và nước ở trong cả 2 ống nứa đã hết, ông mối liền hô cho cả cô dâu và chú rể nhanh chóng chạy lên nhà. Ai chạy lên nhà trước, người ấy sau này sẽ là chủ chốt của gia đình.
Thường thì cô dâu nhường bước cho chú rể. Khi đôi vợ chồng trẻ đã lên hết cầu thang để vào nhà, cuộc lễ “rửa chân dâu rể” cũng kết thúc. Ông mối đi theo sau lên nhà để tiếp tục làm lễ. Mọi người lúc này mới cùng lên nhà theo sau ông mối. Người trong nhà chú rể phải cất giữ 2 cái ống nứa và 2 cái nồi đồng, trong đó có 2 đồng tiền xu. 2 cái nồi đồng đựng nước rửa chân sau đám cưới sẽ thuộc về ông mối, coi như một món quà đặc biệt, và cất giữ để còn có trách nhiệm với đôi vợ chồng trẻ. Hai đồng tiền xu bằng đồng sau đó được chia cho 2 vợ chồng, mỗi người giữ một đồng xu để làm kỷ niệm và trừ ma quỷ cũng như các việc xấu khác. Hai ống nước rửa chân thì đem dắt trên mái tranh ở ngay đầu buồng nằm của 2 vợ chồng, bao giờ mất hoặc hỏng nát thì thôi, không được tự ý vứt đi hoặc dùng làm việc khác!
Tục “rửa chân dâu rể” của người Thái Tày Mường mang đậm ý nghĩa tâm linh, nghĩa là một công việc buộc phải thực hiện, không thể bỏ qua được trong đám cưới truyền thống. Giải thích ý nghĩa của tục này, nhiều ông mo trong vùng, trong đó có ông mo Môn Lữ Văn Khuyết (82 tuổi, người xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp) cho biết: Sở dĩ có tục “rửa chân dâu rể” trước khi lên nhà, là vì ngày xưa người Thái Tày Mường thường đón dâu vào giờ Dần hoặc tảng Dần – chừng khoảng 4 đến 5 giờ sáng. Tất cả đoàn đón dâu và đưa dâu đều đi bộ và đi chân đất. Ở xa thì đưa dâu sớm hơn, ở gần thì muộn hơn, nhưng đều phải đi trên đường trong đêm thanh vắng, tất cả mọi người đều dẫm lên những dấu chân cũ nhiều người đã đi trước đó, trong đó có những dấu chân người lương thiện, kẻ nghịch tặc, ma quỷ và các chướng ngại, ám khí khác đều có. Vì thế, trước khi lên nhà, phải được rửa chân thật sạch sẽ, nhất là cô dâu và chú rể, nếu không thì mọi thứ như đã nói ở trên sẽ bám lấy bàn chân mà lên nhà, nhất là ma quỷ và ám khí… 
Ngày nay, tục “rửa chân dâu rể” vẫn được tiến hành trong các đám cưới của người Thái Tày Mường ở miền Tây Nghệ An, tuy đã được cải biến đi nhiều. Theo ghi nhận của chúng tôi, thủ tục làm lễ rửa chân cô dâu chú rể của người Thái  vùng Tây Nam Nghệ An có phần đơn giản hơn. Trong lúc chờ đoàn rước dâu về, người nhà chú rể đã chuẩn bị sẵn một thau đồng đựng nước suối. Trong thau đồng có 2 đồng xu bằng bạc. Ngày nay thì dùng đồng xu loại bằng hợp kim màu trắng. Khi cô dâu, chú rể đến chân cầu thang, ông mối, hoặc bà mối là người thực hiện nghi lễ rửa chân cho cô dâu, chú rể, rồi sau đó chú rể dắt tay cô dâu lên nhà... 
Được biết, trong cộng đồng người Mông ở bản Lưu Thông (xã Lưu Kiền – Tương Dương) cũng có tục lệ rửa chân tay trước khi đưa dâu vào nhà. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một đám cưới vào năm 2013 ở bản Lưu Thông thì trước khi vào nhà, cô dâu, chú tể tự rửa ráy chân tay. Sau đó, đến lượt tất cả mọi thành viên trong đoàn dón dâu sẽ tự rửa chân tay. Một người trong đoàn rước dâu cho biết: “Thủ tục” này có ý nghĩa nhằm làm sạch những xú uế gặp phải trên đường đưa dâu từ nhà gái về nhà trai.
Thái Tâm – Hữu Vi

Tin mới