Từng bước xây dựng Nghĩa Đàn thành trung tâm kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Nghệ An

(Baonghean.vn) - Chỉ ra những điều kiện thuận lợi của Nghĩa Đàn về địa lý, giao thông, tiềm năng đất đai, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, huyện cần xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lan tỏa tinh thần, ý chí khát vọng làm giàu; xây dựng Nghĩa Đàn thành huyện nông thôn mới và từng bước trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Nghệ An.

(Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn nhiệm kỳ 2020 - 2025):

Thưa đoàn chủ tịch!

Thưa các quý vị đại biểu, khách mời, thưa toàn thể Đại hội!

Hôm nay, tôi cùng các đồng chí trong đoàn công tác của tỉnh rất vui mừng về dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin gửi đến quý vị khách quý, cùng toàn thể 247 đại biểu chính thức của Đại hội lời chào trân trọng và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. 

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo đại hội. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo đại hội. Ảnh: Phạm Bằng

Thưa toàn thể Đại hội!

Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Đàn đã phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Kinh tế tăng trưởng khá, ổn định và có tính bền vững; Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 16,5%, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội tiếp tục phát triển. Lĩnh vực nông nghiệp được chú trọng, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất tập trung, cơ giới hóa gắn với đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao, từng bước khẳng định được vai trò là trung tâm phát triển kinh tế nông nghiệp của vùng Tây Bắc.

Bắt đầu hình thành liên kết giữa người nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp, từng bước phát huy thế mạnh của huyện nông nghiệp, hình thành một số dự án lớn ứng dụng công nghệ cao như: dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch; dự án trồng rau và hoa trong nhà kính (FVF), Dự án Nhà máy gỗ Nghệ An (MDF) đã trở thành điểm sáng của cả tỉnh, cả nước.

Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp, nhiệm kỳ qua có 14/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư mạnh mẽ, diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp; sản xuất và đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc; môi trường sinh thái ngày càng được chú trọng bảo vệ.

Đoàn chủ tịch điều hành đại hội. Ảnh: Phạm Bằng
Đoàn chủ tịch điều hành đại hội. Ảnh: Phạm Bằng

Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Các chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách dân tộc miền núi được triển khai tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 9,6% (năm 2016) xuống còn 2,69% (năm 2020). An ninh - quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thường xuyên được chú trọng, nhất là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, việc nắm bắt tình hình, tư tưởng nguyện vọng và định hướng dư luận tốt. Hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từng bước được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả rõ nét. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được chuẩn hóa. Đảng bộ đoàn kết, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể.

Ghi nhận đánh giá cao những thành tựu trên, trong 4 năm liền, Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh (xuất sắc) và Đảng bộ, nhân dân huyện Nghĩa Đàn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2).

Những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Đàn đạt được góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đây là tiền đề để huyện tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Đàn đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể Đại hội!

Bên cạnh những kết quả đạt được, tôi cơ bản đồng ý với các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được nêu trong các báo cáo. Theo đó, trong nhiệm kỳ tới Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn cần nghiêm túc nhận rõ và khắc phục những hạn chế, tồn tại sau:

Kinh tế phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; Thương mại dịch vụ tăng trưởng chậm. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại dịch vụ. Kinh tế hộ gia đình chưa phát triển mạnh mẽ, bền vững; đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác quản lý nhà nước và giải quyết những vướng mắc về đất đai, khai thác khoáng sản, môi trường còn chưa quyết liệt. Cải cách hành chính hiệu quả chưa cao. Công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị có mặt còn hạn chế.

Tôi đề nghị Đại hội tiếp tục phân tích rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra kinh nghiệm để có những giải pháp thiết thực, khắc phục ngay từ đầu nhiệm kỳ tới.

Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Phạm Bằng
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Phạm Bằng

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể Đại hội!

Nghĩa Đàn là huyện nằm trong vùng kinh tế Phủ Quỳ, cửa ngõ Tây Bắc Nghệ An, có vị trí địa lý thuận lợi và quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; Đường Hồ Chí Minh chạy qua dài 36 km; Quốc lộ 48 chạy ngang nối liền với các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong; Quốc lộ 48D kết nối huyện với Quốc lộ 1A, đi xuống Khu công nghiệp Hoàng Mai, cảng Đông Hồi, Cảng Nghi Sơn; các tuyến Quốc lộ 15A, Quốc lộ 48E cùng với các tuyến đường tỉnh, đường huyện tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ thông suốt.

Là vùng đất đỏ bazan có hơn 10.000 ha, với hệ thống sông ngòi dày đặc và có trên 130 hồ đập lớn nhỏ, thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Về định hướng phát triển, mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trong Báo cáo chính trị và dự thảo Nghị quyết Đại hội đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất. Trong đó, thống nhất cao với mục tiêu nhiệm kỳ tới của Đảng bộ là: quyết tâm xây dựng Nghĩa Đàn thành huyện nông thôn mới, từng bước trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Tôi xin lưu ý và nhấn mạnh một số nội dung để chúng ta cùng thảo luận, xem xét, quyết định:

Một là, huyện cần tập trung xây dựng, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quy hoạch phát triển, mở rộng không gian các thị trấn, thị tứ, quy hoạch phát triển liên kết vùng nhằm phát huy hiệu quả các tuyến đường huyết mạnh như Quốc lộ 48, Quốc lộ 48B và đường Hồ Chí Minh chạy qua để phát triển lâu dài, bền vững.       

Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại dịch vụ, phát triển thương mại - dịch vụ không chỉ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân Nghĩa Đàn, tăng tỷ trọng trong cơ cấu nền kinh tế mà còn cần tính đến chiến lược dài hơi phục vụ thị xã Thái Hòa, Khu công nghiệp Nghĩa Đàn và có tính liên kết như là vùng đệm phục vụ khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi, Nghi Sơn.

Hai là, tích cực thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn, mang tính đòn bẩy, các dự án sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông nghiệp, các dự án hạ tầng giao thông nông thôn, thương mại dịch vụ và hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đánh giá đầy đủ, toàn diện sự tác động cả mặt tích cực và tiêu cực của các dự án lớn trên địa bàn đối với sự phát triển của huyện và đời sống người dân. Từ đó, tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện để các dự án, tập đoàn sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, mối liên kết giữa doanh nghiệp - người dân.

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý khai thác, sử dụng hợp lý hiệu quả tài nguyên; sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững.

Thu hoạch nguyên liệu bằng hệ thống máy cắt hiện đại; Trồng cây trong nhà kính tại Công ty CP sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế FVF; Trồng cây bơ ở xã Nghĩa Phú.
Thu hoạch nguyên liệu bằng hệ thống máy cắt hiện đại; Trồng cây trong nhà kính tại Công ty CP sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế FVF; Trồng cây bơ ở xã Nghĩa Phú. Ảnh tư liệu

Ba là, cần xác định đúng và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế có tính chiến lược, dài hạn. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện mạnh mẽ việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ sạch.

Xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa hộ nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp, thị trường. Chăm lo, chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình, nhất là phát triển kinh tế vườn đồi, ao, chuồng nhằm tăng thu nhập người dân.

Huyện cần xác định rõ bước đi, cách làm cụ thể để đưa 8 xã còn lại sớm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, ngoài nguồn lực hỗ trợ của cấp trên thì việc huy động sức đóng góp của nhân dân, phát động mọi người, mọi nhà tự giác chung tay xây dựng nông thôn mới là yếu tố có tính quyết định để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện Nông thôn mới như Báo cáo chính trị đã đề ra.

Bốn là, quan tâm xây dựng nguồn nhân lực, đây là vấn đề hết sức quan trọng để đưa Nghĩa Đàn trở thành huyện nông thôn mới, là trung tâm kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ về giáo dục; huy động các nguồn lực, xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ tốt việc dạy và học.

Trước hết là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt thạo việc, có năng lực thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lan tỏa tinh thần, ý chí khát vọng, làm giàu, biết tận dụng lợi thế, tranh thủ thời cơ để bứt phá, phát triển địa phương, đơn vị mình.

Bên cạnh đó, huyện phải chú trọng đào tạo nghề, nâng cao trình độ và khả năng tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ cho người lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Năm là, thực hiện tốt hơn nữa việc nâng cao chất lượng các lĩnh vực Y tế và văn hóa. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành Y tế, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ; chủ động phòng chống dịch bệnh, khai thác tốt cơ sở vật chất hiện có để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

Chú trọng công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội. Phát huy giá trị, bản sắc văn hóa con người Nghĩa Đàn, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, tính năng động, sáng tạo, để xây dựng Nghĩa Đàn ngày càng giàu đẹp.

Sáu là, tiếp tục chú trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, phải thực sự xem đây là nhiệm vụ then chốt. Trọng tâm là củng cố, nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị để đảm bảo được vai trò dẫn dắt, định hướng, nắm chắc tư tưởng của nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng của nhân dân, không để xảy ra điểm nóng.

Chăm lo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; Tiếp tục phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao chất lượng, ý thức trách nhiệm, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật Đảng và hành chính để phục vụ tốt nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Tập trung lãnh đạo xây dựng, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, hiệu quả hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu
Chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu

Thưa toàn thể Đại hội!

Cùng với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ qua, thảo luận và quyết định các nhiệm vụ, mục tiêu nhiệm kỳ mới, Đại hội còn có nhiệm vụ quan trọng là: Thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIX và bầu đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Tôi đề nghị các đồng chí tập trung trí tuệ để có ý kiến đóng góp sâu sắc cho các văn kiện của Đảng, đồng thời sáng suốt lựa chọn, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XXIX đảm bảo về tiêu chuẩn, cơ cấu, tiêu biểu cho phẩm chất, trình độ, bản lĩnh; bầu đoàn đại biểu đại diện trí tuệ, tiếng nói của 49 tổ chức cơ sở đảng và hơn 6.700 đảng viên trong toàn huyện tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Ngay sau Đại hội này, tôi đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn khóa mới cần nhanh chóng xây dựng quy chế, chương trình, kế hoạch công tác và có các biện pháp triển khai kịp thời để Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống.

Với truyền thống đoàn kết, thống nhất cao, phát huy những kinh nghiệm quý báu và những thành tựu đã đạt được, tôi tin tưởng rằng:

Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Nghĩa Đàn thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIX, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ vươn lên, đổi mới và phát triển nhanh, xây dựng Nghĩa Đàn thành huyện nông thôn mới và từng bước trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Nghệ An.

Một lần nữa, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xin kính chúc các quý vị đại biểu, cùng toàn thể các đồng chí tham dự Đại hội sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!

Tin mới