Tuổi cao vẫn nhiệt tâm trao truyền lửa nghề

(Baonghean.vn) -Gần đây nghề truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một. Để giữ nghề và mong muốn trao truyền nghề cho thế hệ sau, những người cao tuổi đã và đang ngày đêm nỗ lực truyền lại nghề cho con cháu.
Nhiet tam trao truyen lua nghe-hinh-anh-1
Bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện rẻo cao Tương Dương là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Khơ mú, một dân tộc có nghề truyền thống đan lát. Toàn bản có tới 1.044 nhân khẩu, nhưng số người biết đan lát đến nay tính được trên đầu ngón tay. Ông Moong Văn Đức (SN1950), một cụ ông được biết đến là có kỹ năng, kỹ xảo trong đan lát. Ông Đức chia sẻ “Nghề đan lát không khó, chỉ cần cần cù, chịu khó là có thể đan. Chúng tôi trước đây mới 18 đôi mươi đan lát thành thạo. Lớp trẻ bây giờ gần như không biết đan. Lớn lên là rời bản đi công ty tận trong Nam, chứ rất ít cháu muốn học nghề và làm nghề đan truyền thống của dân tộc. Thú thật tôi rất lo nghề truyền thống bao đời này của dân tộc Khơ mú, nếu không được truyền lại cho con cháu thì rất dễ mai một ”. Ảnh: Đình Tuân
Nhiet tam trao truyen lua nghe-hinh-anh-2
Biết đan cách đây đã gần 50 năm, nên tất cả các vật dụng trong nhà ông Đức đều biết đan và đan rất đẹp. Những năm gần đây người dân trong và ngoài vùng thường đến để đặt ông đan. Nhờ vậy mà ông cũng có thu nhập kha khá từ nghề đan lát. Hiện mỗi chiếc ghế mây ông bán tại nhà với giá 100-120 ngàn đồng, mỗi ngày ông làm được khoảng 2 ghế. Với mong muốn giữ nghề cho thế hệ trẻ, vì vậy ai có nhu cầu học ông luôn sẵn sàng chỉ dạy miễn phí. Đến thời điểm này ông Đức đã chỉ dạy cho khoảng 10 người trong và ngoài bản mà không thu bất kỳ một đồng phí nào. Trong ảnh ông Đức đang quấn mây để làm ghế. Ảnh: Đình Tuân
Nhiet tam trao truyen lua nghe-hinh-anh-3
Nghề đan lát chủ yếu là nghề của nam giới, nhưng không vì vậy mà phụ nữ không biết đan. Bà Vèn Thị Mành, trú ở bản Na Bè, xã Xá Lượng cho biết: “Tôi cũng đã ngoài 70 tuổi, đã nghỉ được rồi, nhưng phần vì muốn làm việc để có thêm ít thu nhập phụ giúp con cháu, phần vì để con cháu thấy đó làm học tập ông bà”. Ảnh: Đình Tuân
Nhiet tam trao truyen lua nghe-hinh-anh-4
Cũng giống như người Khơ mú, người dân tộc Thái cũng có truyền thống đan lát từ lâu đời. Ông Vang Văn Vọng, trú tại bản Can, xã Tam Thái chia sẻ: “Với tôi đan lát đã ngấm vào máu thịt từ nhỏ cho đến giờ, cứ hễ lúc nào rảnh là tôi lại đan. Con cái cũng đã trưởng thành cả rồi, việc đan không hẳn chỉ là để kiếm thêm thu nhập, mà với tôi đan còn là để giữ nghề, giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc ”. Ảnh: Đình Tuân
Nhiet tam trao truyen lua nghe-hinh-anh-5
Từ bao đời nay, người dân tộc Mông đã biết lấy giang để làm giấy, giấy không phải dùng để viết mà dùng để phục vụ cho mục đích tín ngưỡng. Cách làm giấy không quá phức tạp nhưng cũng đòi hỏi người làm cũng phải có kinh nghiệm thì mới làm được. Giang được chọn để làm giấy không già quá, cũng không non quá. Sau khi mang về sẽ được chẻ bỏ phần cật, rồi cho vào nồi đun kỹ với tro bếp khoảng 1 đến 2 ngày. Tiếp đến đem ủ trong nhiều ngày rồi mang ra giã nát rồi lấy nước, vớt loại bỏ hết xơ. Khâu cuối cùng nước giang được rải mỏng ra phơi trên khung đã đóng sẵn. Loại giấy này có màu hơi vàng. Hiện nay người cao tuổi đồng bào dân tộc Mông ở miền Tây xứ Nghệ vẫn đang gìn giữ rất tốt nghề truyền thống này. Ảnh: Đình Tuân
Nhiet tam trao truyen lua nghe-hinh-anh-6
Dệt thổ cẩm là một trong những sản phẩm của đồng bào Thái. Ngày nay cuộc sống đã nhiều đổi thay nhưng những người cao tuổi vẫn làm mọi cách để bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm, để nét đẹp truyền thống không bị mai một trước sự biến đổi của cuộc sống. Ảnh: Đình Tuân
Nhiet tam trao truyen lua nghe-hinh-anh-7
Gần như cả cuộc đời gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, bà Lô Thị Lan, trú tại bản Mác, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) luôn trăn trở khi mà nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình đang dần bị mai một, trong đó có cả nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bà Lan chia sẻ “Yêu nghề, muốn giữ nghề nên cứ lúc nào ai có nhu cầu truyền dạy nghề dệt là tôi luôn sẵn sàng. Trong nhiều năm qua tôi đã đi nhiều các bản trong và ngoài xã để truyền dạy nghề cho con cháu. Đến nay tôi cũng không nhớ là mình đã truyền dạy cho bao nhiều học viên nữa. Việc tôi làm cũng chỉ muốn để trao truyền lại nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái. Các cháu nội ngoại của tôi, tôi đều truyền dạy ngày từ khi còn nhỏ, nhờ vậy đến nay các cháu cũng cơ bản đã biết thêu dệt ”. Trong ảnh bà Lan đang hướng dẫn cho cháu nội dệt thổ cẩm. Ảnh: Đình Tuân
Nhiet tam trao truyen lua nghe-hinh-anh-8
Nhờ yêu nghề cùng với đôi bàn tay và trí tưởng tượng phong phú người cao tuổi các DTTS đã tạo ra những sản phẩm vừa bắt mắt vừa rất hữu ích cho cuộc sống hàng ngày. Những người cao tuổi đã và đang góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ các nghề truyền thống.  Ảnh: Đình Tuân

Tin mới