Tướng Cương: Chống tham nhũng không còn chung chung, mà có địa chỉ, đúng đối tượng

(Baonghean)- Cuộc đấu tranh chống tha hóa, tham nhũng năm 2017 đã được đẩy lên cao trào, năm 2018 đang được kỳ vọng sẽ làm tốt hơn. Không còn chỗ lùi nữa, chỉ có tiến thôi.

Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công An về những dấu ấn trong công tác chống tham nhũng trong năm 2017.

P.V: Từ năm 1986 đến nay, Đảng ta có nhiều chủ trương, giải pháp chống tham nhũng, tha hóa. Theo đánh giá của thiếu tướng, trong năm 2017 vừa qua, công tác chống tham nhũng, tha hóa có những điểm mới nào?

 PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, so với trước đây, công tác chống tham nhũng, tha hóa có 3 điểm mới:

Thứ nhất, công tác chống tham nhũng, tha hóa được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, ban hành ngày 30/10/2016), theo tôi biết, từ năm 1945, trực tiếp từ năm 1986 đến bây giờ, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là một văn bản hoàn chỉnh nhất, đầy đủ nhất nói về đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tha hóa.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng, cái mới của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Trong đó nguy hiểm nhất là phai nhạt lý tưởng cộng sản, phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói trái với quan điểm, đường lối của Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4 cũng chỉ rõ sự sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh... Chưa bao giờ có nghị quyết của Đảng nói đầy đủ, tất cả những biểu hiện cụ thể của những hiện tượng tham nhũng, tha hóa, biến chất trong Đảng ta hiện nay, cả trên chính trị, tư tưởng, cả về đạo đức, lối sống.

Đồng chí Tổng Bí thư còn nhấn mạnh thêm tự suy thoái chính trị đạo đức, lối sống dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa chỉ là một bước chuyển ngắn, thậm chí là rất ngắn, nguy hiểm khôn lường.

Đó là có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Do đó, điểm mới nhất là cuộc đấu tranh năm 2017 được soi sáng bằng một Nghị quyết hoàn chỉnh nhất nói về cuộc đấu tranh này. 

Quang cảnh Hội nghị cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Ảnh: Gov.vn
Quang cảnh Hội nghị cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Ảnh: Moha.gov.vn
Thứ hai, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) lần này, khác với mọi năm trước. Bộ Chính trị tổ chức nhiều cuộc họp bàn về tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng chưa bao giờ làm việc một cách liên tục, đi xuống từng địa phương, soi xét từng vụ việc như vậy. Bộ Chính trị họp, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Một điểm mới nữa chính là tổ chức thực hiện nghị quyết với quyết tâm chính trị rất cao. Từ đồng chí Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, các ban của Đảng, bộ máy Trung ương đã vào cuộc.
Thứ ba, tình huống chính trị rất thuận lợi; người dân phấn khởi, ủng hộ cuộc chiến của Đảng. Đây là điều kiện quan trọng làm cho cuộc đấu tranh năm 2017 thu được kết quả nhiều hơn.
P.V: Theo Thiếu tướng, dựa vào những cơ sở nào mà dư luận cho rằng, trong năm 2017 cuộc chiến chống tham nhũng, tha hóa đã có một bước chuyển biến mang tính bước ngoặt, kết quả có tính lịch sử?
 PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng dư luận có cơ sở và tôi ủng hộ đánh giá kết quả chống tham nhũng năm 2017 mang tính lịch sử, thể hiện ở 3 điểm:
Một là, trong vòng hơn 1 năm Đảng và Nhà nước đã đưa ra điều tra, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án lớn. Từ hàng chục vụ đại án, đến vụ Đinh La Thăng, trong lịch sử Đảng ta chưa bao giờ xử lý một Ủy viên Bộ Chính trị về tội tham nhũng và tha hóa. Trước đây chúng ta xử lý Thường trực Ban Bí thư, nhưng đó là trường hợp bị xử lý về vi phạm chính trị. Điều này phản ánh rằng cuộc chiến chống tham nhũng, tha hóa đúng là không có vùng cấm. Chỉ nói riêng về vụ thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng cũng phần nào làm nổi bật toàn bộ kết quả chống tham nhũng, tha hóa trong năm 2017.

Điểm nổi bật thứ hai cần tính đến đó là Đảng đã nghiêm khắc xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính đối với hàng loạt cán bộ cao cấp liên quan đến các sai phạm trong quá trình thực hiện công vụ, thực hiện các dự án kinh tế. Như thông qua xử lý vụ Formosa, các cán bộ khi đương chức có liên quan, từ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các thứ trưởng, tổng cục trưởng TN&MT, hàng chục cán bộ cấp cục, vụ, lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh… và hàng loạt cán bộ khác, đều bị xử lý kỷ luật.

Vụ Trịnh Xuân Thanh, Phó Ban Tổ chức Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hậu Giang… chịu hình thức kỷ luật, hàng chục cán bộ bị liên đới. Những vụ xử lý kỷ luật như vụ ông Nguyễn Xuân Anh ở thành phố Đà Nẵng bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cách chức Bí thư Thành ủy và mọi chức vụ trong Đảng, rồi vụ ông Ngô Văn Tuấn bị cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh ở Thanh Hóa… thực sự cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng không còn chung chung, mà có địa chỉ, đúng đối tượng.

Thứ ba, cuộc chiến chống tham nhũng tạo ra không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội. Các cơ quan báo chí vào cuộc phanh phui hàng chục vụ cả nhà làm quan. Rồi việc bổ nhiệm người nhà, “nâng đỡ không trong sáng” ở Quảng Nam, Yên Bái, Thanh Hóa… đều là báo chí đi trước. 

Đồ họa: Nam Phong
Đồ họa: Nam Phong
P.V: Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông cho rằng nguyên nhân năm 2017 đạt được những thành công mang tính bước ngoặt mà trước đó không có là gì? 
 PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nguyên nhân đầu tiên tôi đề cập đến chính là quyết tâm của Đảng kiên quyết làm đến cùng.
Nguyên nhân thứ hai là sự gương mẫu của cấp cao, bắt đầu từ Bộ Chính trị, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Tổng Bí thư nhiều lần nhắc nhở, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tha hóa, vai trò của lãnh đạo, của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan tổ chức, đơn vị có tính quyết định và trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng nói rõ yêu cầu các thành viên của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy phải làm gương. Tính gương mẫu của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền làm gương cao hơn trước.
Nguyên nhân thứ ba là cách làm. Bộ Chính trị đã chỉ đạo kiên quyết, cách làm là không có vùng cấm; thể hiện rõ trong một câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Khi lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy.
P.V: Từ những kết quả đó ta có thể rút ra bài học gì trong cuộc đấu tranh này, thưa Thiếu tướng?
 PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có nhiều bài học có thể rút ra, trong đó có 4 vấn đề tôi muốn nhắc đến:
Một là, những sai phạm ở mức độ lớn, kéo dài, cho thấy hoạt động giám sát quyền lực, giám sát cơ quan công quyền của công chức, quan chức Việt Nam còn có những bộ phận rất yếu kém và sơ hở. Ở Việt Nam, việc giao quyền lực và hệ thống giám sát quyền lực không đi theo tương xứng, vì thế cán bộ lợi dụng để đục khoét, tha hóa, mưu cầu lợi ích cá nhân quá lớn.
Vụ ông Đinh La Thăng, giao một tập đoàn dầu khí, chiếm 30% thu nhập quốc dân, quyền lực khổng lồ nhưng giám sát không hiệu quả. Hội đồng quản trị, thanh tra,... ở đâu? Vì thế tạo sơ hở, tạo ra những không gian để cán bộ tha hóa tung hoành, tự tung, tự tác. 

Thứ hai là dân chủ trong Đảng không được đảm bảo. Chắc chắn có người biết nhưng không có đấu tranh hiệu quả. Ví dụ như việc đưa Lê Phước Hoài Bảo thăng tiến “thần tốc” lên đến Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam khi mới 30 tuổi dù không đủ tiêu chuẩn, vậy những thời gian đó cấp ủy đảng các cấp ở đâu, dân chủ ở đâu, sức chiến đấu ở đâu? Nếu không phải là con trai của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lúc đó thì ông Hoài Bảo có thăng tiến được như vậy?

Thứ ba là năng lực phẩm chất của cấp ủy viên yếu kém. Nhiều người biết sai lầm nhưng không dám nói. Trong các cơ quan để xảy ra đại án không ai dám nói. Cho nên tại những nơi để xảy ra sai phạm lớn, kéo dài, phải khẳng định năng lực của cấp ủy viên rất kém. 

Thứ tư là công tác cán bộ tại nhiều khâu đang rất có vấn đề. Ông Đinh La Thăng sau khi để xảy ra nhiều vi phạm, sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí, vẫn tiếp tục thăng tiến đến các vị trí cao hơn. Ông Trịnh Xuân Thanh sau “bãi chiến trường” ở Tập đoàn Dầu khí, lại trở thành đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Cuộc đấu tranh chống tha hóa, tham nhũng năm 2017 đã được đẩy lên cao trào, năm 2018 đang được kỳ vọng sẽ làm tốt hơn. Không còn chỗ lùi nữa, chỉ có tiến thôi. Với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ rút ra những bài học bổ ích để cuộc chiến chống tham nhũng, tha hóa đáp ứng được kỳ vọng, niềm tin của toàn Đảng, toàn dân ta.

PV: Cảm ơn Thiếu tướng!

Tin mới