Tướng Cương: Chưa Tổng thống Mỹ nào thực hiện đầy đủ các tuyên bố khi tranh cử

(Baonghean) - Năm 2016 khép lại, với vô vàn sự kiện đáng chú ý, từ những biến động trên sân khấu chính trị, an ninh, đến khúc thăng trầm trong bức tranh kinh tế, xã hội của thế giới. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công An để có cái nhìn sắc nét hơn về 12 tháng đã qua.

Chiến thắng của ông Trump trước đối thủ Clinton được đánh giá là một kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử tổng Thống Mỹ năm nay.	 Ảnh: Reuters
Chiến thắng của ông Trump trước đối thủ Clinton được đánh giá là một kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử tổng Thống Mỹ năm nay. Ảnh: Reuters

P.V: Thưa Thiếu tướng, thế giới tiếp tục có nhiều biến động về chính trị, theo Thiếu tướng đâu là những sự kiện tâm điểm của năm?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng có 7 sự kiện ghi dấu ấn đậm nét mà khi nhắc đến năm 2016 không thể bỏ qua. 

Thứ nhất, là sự kiện Brexit làm rung chuyển toàn châu Âu. Ngày 23/6 gần 52% cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi EU. Nền kinh tế của Anh dự báo sẽ suy thoái và tác động tiêu cực đến hầu hết người lao động, tầng lớp trung lưu ở Anh. Ngược lại, EU cũng suy yếu, nhưng tôi không đồng tình với ý kiến rằng, EU sẽ tan rã do hiệu ứng domino từ Brexit. Ngoài EU, Mỹ sẽ là quốc gia chịu thiệt thòi nhất khi Anh - đồng minh chí cốt đóng vai trò “cầu nối” với châu Âu “ra đi”. 

Thứ hai, là ngày 12/7, Tòa Trọng tài thường trực ở La Hague được thành lập theo Phụ lục 7 Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển đưa ra phán quyết ra vấn đề về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Với 2 phán quyết cơ bản, Tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ toàn bộ yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với chủ quyền trên Biển Đông nói chung và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nói riêng. Tôi đánh giá đây là thắng lợi của công pháp quốc tế, thể hiện tính thượng tôn pháp luật. Phán quyết của Tòa Trọng tài tạo cơ sở pháp lý mới trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Thứ ba, là ngày 30/6, ông Duterte trở thành Tổng thống Philippines. Hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm, vị Tổng thống này đã vài lần khẳng định sẽ mở rộng giao lưu với Trung Quốc, không phụ thuộc vào Mỹ mà phải đa dạng hóa quan hệ; thậm chí có lần còn gay gắt nói rằng sẽ từ bỏ các hiệp định với Mỹ về chính trị - an ninh, hủy tập trận chung,… Một Philippines nằm giữa Thái Bình Dương, khi có bước chuyển về chính sách đối ngoại, từ chỗ đồng minh của Mỹ quay sang Trung Quốc đã làm rung chuyển toàn khu vực.

Thứ tư, Ngày 15/7 - đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hậu đảo chính, quan hệ Nga -Thổ khôi phục, ông Erdogan thừa nhận sai lầm trong vụ bắn rơi Su-24 của Nga cuối năm 2015. Là xúc tác hâm nóng quan hệ với Nga, tác động đến cuộc chiến chống IS tại Syria, song đảo chính lại khiến quan hệ giữa Ankara với đồng minh Mỹ, châu Âu từ trở nên căng thẳng.

Thứ năm, là chính quyền Colombia của Tổng thống Santos ký thỏa thuận hòa bình với lực lượng phiến quân FARC. Cuộc xung đột lớn kéo dài hơn 50 năm đã đi đến hồi kết vào trung tuần tháng 11. Đây là sự kiện diễn ra trong lãnh thổ Colombia nhưng mang dấu ấn lịch sử thế giới 2016.

Sự kiện Brexit làm rung chuyển toàn châu Âu. Ảnh Internet.
Sự kiện Brexit làm rung chuyển toàn châu Âu. Ảnh Internet.

Thứ sáu, là sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ. Lần đầu tiên trong hàng trăm năm lịch sử Mỹ, ông Donald Trump - một nhân vật chưa bao giờ tham gia chính trường lại ra ứng cử Tổng thống. Điều đặc biệt nữa, ông tuyên bố chống thương mại tự do, toàn cầu hóa, với khẩu hiệu “Phục hưng sự vĩ đại của nước Mỹ”, rút khỏi TPP, xem xét lại các hiệp định đa phương và song phương đã ký.

Về chính trị và an ninh, ông Trump yêu cầu các nước NATO chi thêm tiền “nuôi” bộ máy quân đội Mỹ. Lần đầu kể từ năm 1945, có 1 ứng viên Tổng thống Mỹ tuyên bố nước này sẽ không bảo vệ “không công” cho bất cứ ai. Đối với các đồng minh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ cũng đưa ra yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc tương tự… Ông Trump đã đắc cử Tổng thống 45 của Mỹ, tuy nhiên, trong lịch sử chưa Tổng thống Mỹ nào thực hiện đầy đủ các tuyên bố khi tranh cử.

Thứ bảy, là sự kiện Tổng thống Nga thăm Nhật Bản trong tháng cuối cùng của năm. Chuyến thăm hóa giải khúc mắc, tạo đột phá trong quan hệ Nga - Nhật. Trong bối cảnh 2 nước chưa đạt được Hiệp định hòa bình dù chiến tranh đã kết thúc hơn 7 thập niên, thỏa thuận cấp cao giữa 2 phía hứa hẹn điều chỉnh quan hệ Nga - Nhật theo hướng tích cực, tác động đến các mối quan hệ khác. Sự kiện có vẻ không ồn ào song lại hết sức quan trọng, là điểm sáng cuối năm, gieo không khí nồng ấm ở châu Á - Thái Bình Dương.

P.V: Vậy còn tình hình kinh tế có nét gì nổi bật, thưa Thiếu tướng? 

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Năm 2016, trong 3 trung tâm kinh tế thế giới Mỹ - Nhật - châu Âu thì nền kinh tế đầu tàu Mỹ tương đối sáng sủa, dù họ chưa bước vào chu kỳ phát triển mới sau khủng hoảng 2008. Đối với Nhật Bản, chương trình Abenomics đã bắt đầu phát huy tác dụng nhưng thật ra vẫn chưa thoát suy thoái, về cơ bản nền kinh tế nước này vẫn ở trạng thái khá trì trệ. Còn châu Âu, khá nhất có lẽ vẫn là trụ cột Đức, các nước còn lại chỉ ở trạng thái bình thường, thậm chí có phần ì ạch. Trong bối cảnh đó, Brexit càng giáng đòn mạnh vào nền kinh tế EU. 

Mảnh ghép thứ 2 của bức tranh kinh tế toàn cầu là 5 nước công nghiệp mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Trội nhất trong số này phải kể đến Ấn Độ, với tốc độ tăng trưởng năm 2016 đạt xấp xỉ 7%. Trái lại, Brazil là vô cùng khó khăn, nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn, Nga bị bao vây, cấm vận, chưa hết suy thoái dù khá hơn những năm gần đây.

Tựu trung, có thể nói rằng, kinh tế thế giới năm 2016 đang ở trạng thái bấp bênh, tồn tại cả những nhân tố thúc đẩy phát triển song cũng không thiếu những thứ kìm hãm, kéo nền kinh tế trở lại suy thoái. Hay nói cách khác, 12 tháng qua kinh tế thế giới “đi ngang”, có điểm tối, có điểm sáng, song sáng nhỉnh hơn tối!

P.V: 2016 cũng là năm đầu Việt Nam triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Theo Thiếu tướng, đâu là những nét mới về tình hình chính trị, kinh tế của đất nước thời gian qua?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đối với Việt Nam, năm qua quả thực chúng ta gặp phải không ít khó khăn trên một số lĩnh vực, nhưng sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, có 2 tín hiệu tích cực không thể không nhắc đến. Thứ nhất, bộ máy cấp cao dành hầu hết thời gian bàn về kinh tế. Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ trưởng đã tập trung tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho người dân.

Binh sỹ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng cảnh sát và dân chúng. 	Ảnh: Internet
Binh sỹ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng cảnh sát và dân chúng. Ảnh: Internet

“Khởi nghiệp” là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất, cả nước từ Bắc chí Nam dồn sức phát triển kinh tế, không khí lành mạnh, tích cực lan tỏa rộng khắp.

Thứ 2, có thể thấy rõ quyết tâm cao nhất của Đảng và Nhà nước ta nhằm chống tham nhũng và chống suy thoái tư tưởng. Tôi cho rằng phải ghi nhận những tín hiệu lành mạnh, gieo vào lòng người dân một niềm tin bền vững, hy vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước.

Đây là bước chuyển thực sự của Đảng ta sau Đại hội vừa qua.

P.V: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Thu Giang

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới