Tướng Cương: Mỹ - Triều có thể gặp nhau vào mùa Thu năm nay

(Baonghean.vn) - Ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vốn đã được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore.

Để làm rõ hơn sự kiện “động trời” khiến cả thế giới phải hết sức quan tâm này, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh Getty
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Getty

PV: Thưa Thiếu tướng, ông có nhận định như thế nào về lý do Tổng thống Trump mới đây đã bất ngờ hủy hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong tuyên bố cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, do thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có một số phát ngôn và thái độ thù địch đối với Mỹ, khiến ông đi đến quyết định hủy bỏ cuộc gặp.

Đó có phải nguyên nhân thực sự? Theo tôi, có lẽ chỉ là cách nói của ông Trump mà thôi. Nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ, chính quyền Donald Trump đến giờ phút này cũng chưa yên tâm, hay đúng ra là thiếu tin tưởng vào kết quả cuộc gặp với ông Kim. Từ trước đến nay, đã hàng chục lần ông Trump tuyên bố sẽ gặp và buộc Kim Jong-un phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Nhưng xem ra, đến những ngày gần đây, khả năng thông qua cuộc gặp thượng đỉnh để khiến Bình Nhưỡng thực hiện điều ông Trump mong đợi được nhiều người đánh giá là ảo tưởng xa vời! Khi đã không nhìn thấy được kết quả khả quan từ cuộc gặp, ông Trump đã quyết định hủy bỏ nó.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác thúc đẩy ông Trump ra tuyên bố hủy hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên. Trong 8 năm cầm quyền, đã nhiều lần cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từ chối gặp ông Kim Jong-un. Giờ đây, ông Trump lại là người thường “làm trái” những điều người tiền nhiệm đã làm, gặp những người mà Obama không muốn gặp. Nhưng nếu cuộc gặp với ông Kim thất bại, toàn bộ “búa rìu” dư luận lại đổ hết lên đầu Trump và đặt ra nguy cơ khiến ông mất uy tín trước người Mỹ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Có thể nhận định, hủy hẹn là chiến thuật ngoại giao khôn ngoan của ông chủ Nhà Trắng, nhằm “câu giờ”, thử phản ứng của giới tinh hoa Mỹ và thế giới, của các đồng minh và bạn bè.

Nếu đúng như vậy, Donald Trump đã thành công, khi quyết định bất ngờ hủy gặp ông Kim đã khiến Quốc hội Mỹ, nhất là phe Dân chủ, cùng dư luận trong nước, bạn bè, đồng minh khắp thế giới lên tiếng phản đối hoặc lấy làm tiếc. Với “phép thử” ấy, kể cả sau này ông Trump có gặp ông Kim hay không, và cuộc gặp nếu có thành công hay không, thì Trump vẫn không phải chịu trách nhiệm.

Triều Tiên hôm 24/5 dùng thuốc nổ phá bỏ bãi thử hạt nhân của nước này, thể hiện thiện chí hướng đến cuộc gặp thượng đỉnh với Trump. Ảnh: RT
Triều Tiên hôm 24/5 dùng thuốc nổ phá bỏ bãi thử hạt nhân của nước này, thể hiện thiện chí hướng đến cuộc gặp thượng đỉnh với Trump. Ảnh: RT

PV: Sau lá thư hủy hẹn đột ngột của Trump, trái với dự liệu của nhiều người, Triều Tiên đến nay đưa ra phản ứng khá mềm mỏng. Ông lý giải như thế nào về thái độ này của Bình Nhưỡng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngày 24/5, Triều Tiên đã phá bỏ một bãi thử hạt nhân trước sự chứng kiến của nhiều nhà báo quốc tế, là biểu hiện tích cực và thể hiện trách nhiệm của Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho cuộc gặp Kim-Trump. Chỉ sau đó vài giờ, thông báo đường đột được ông Trump đưa ra, nên cũng dễ hiểu nếu dư luận thế giới cho rằng Triều Tiên sẽ phản ứng dữ dội và gay gắt, bởi lẽ Kim Jong-un đã thực sự chuẩn bị cho cuộc gặp, không chỉ bằng lời nói mà còn thông qua hành động.

Nhưng ngược lại, sáng 25/5, phía Triều Tiên lại đưa ra phản ứng mà tôi đánh giá là nghiêm túc, mềm mỏng và đúng mực: Bình Nhưỡng lấy làm tiếc trước tuyên bố của Trump, đồng thời vẫn để ngỏ khả năng diễn ra cuộc gặp vào bất cứ thời điểm nào, dưới bất cứ hình thức gì, mà không kèm theo điều kiện nào cả. Có thể khẳng định, nhà lãnh đạo Triều Tiên hơn lúc nào hết thực sự mong muốn gặp Tổng thống Mỹ, dù biết có thể sẽ không giải quyết được vấn đề gì.

Vì sao lại thế? Bởi nếu diễn ra thượng đỉnh Trump-Kim ở bất cứ đâu, với nội dung và kết quả thế nào đi chăng nữa, thì sau đó, vai trò và vị thế của Triều Tiên tại khu vực và trên thế giới cũng như uy tín của ông Kim Jong-un ở trong nước cũng như trong cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ được đề cao. Rõ ràng, việc Triều Tiên sánh ngang hàng với siêu cường Mỹ, lãnh đạo Bình Nhưỡng và Washington ngồi ngang hàng nhau là điều hết sức quan trọng với Triều Tiên. Xuất phát lý do như vậy, phản ứng mềm mỏng, có trách nhiệm và đúng mực của Bình Nhưỡng là hoàn toàn có thể lý giải.

Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh tư liệu
Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh tư liệu

PV: Cho đến thời điểm này, bản thân ông Trump trong lá thư của mình đã để ngỏ khả năng gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên khi có điều kiện. Phía bên kia, Bình Nhưỡng cũng khẳng định tiếp tục chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh song phương diễn ra vào bất cứ thời điểm nào. Theo nhận định của Thiếu tướng, liệu cuộc gặp Trump-Kim có khả năng diễn ra vào thời gian tới hay không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là 2 bên hiện đều đang bỏ ngỏ khả năng gặp gỡ nhau. Về phía Mỹ, sau “phép thử” hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore, ông Trump đã có đầy đủ cơ sở, “vốn liếng” để đi đến cuộc gặp với ông Kim. Lần này, ông Trump hoàn toàn tự tin bởi cuộc gặp dù thành công hay không cũng sẽ đều đi vào lịch sử nước Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng sẽ không phải chịu trách nhiệm, không bị mất uy tín khi Quốc hội, người dân Mỹ, thậm chí cả châu Âu và bạn bè thế giới đều mong đợi cuộc gặp diễn ra. Vì thế, tôi cho rằng Tổng thống Trump vẫn mong muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Sau “phép thử” hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore, Trump đã có đầy  đủ cơ sở, “vốn liếng” để đi đến cuộc gặp với ông Kim.

Về phía đối diện, như đã khẳng định, ông Kim Jong-un thực sự mong muốn diễn ra hội nghị thượng đỉnh với Trump. Cho dù nó không giải quyết được vấn đề gì thì cũng thành công đặt Bình Nhưỡng vào vị thế, thứ bậc bình đẳng, ngang hàng với cường quốc số 1 thế giới.

Khi 2 bên đã có chung nguyện vọng, chắc chắn vẫn sẽ diễn ra một cuộc gặp Trump-Kim, dù hội nghị ngày 12/6 đã bị hủy bỏ. Cá nhân tôi cho rằng cuộc gặp này sẽ diễn ra vào thời điểm mùa Thu năm nay, và địa điểm tốt nhất vẫn là Singapore.

Một nhóm người biểu tình tại Seoul, Hàn Quốc hôm 25-5 sau tuyên bố hủy bỏ thượng đỉnh Mỹ-Triều của Tổng thống Trump. Ảnh: CNN
Một nhóm người biểu tình tại Seoul, Hàn Quốc hôm 25/5 sau tuyên bố hủy bỏ thượng đỉnh Mỹ-Triều của Tổng thống Trump. Ảnh: CNN

PV: Nếu đúng như ông dự báo, vậy tình hình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ diễn biến theo chiều hướng nào từ nay đến cuộc gặp sắp tới, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cả ông Kim Jong-un lẫn ông Donald Trump đều thực sự mong muốn có cuộc gặp này, và như vậy phía Triều Tiên sẽ cố gắng kiềm chế, không đưa ra những lời nói và hành động mang tính thù địch với Mỹ, cũng không tiến hành những động thái “hun nóng” Bán đảo Triều Tiên như những gì chúng ta chứng kiến hồi năm 2017.

Ngược lại, với Mỹ, từ nay đến thời điểm có thể diễn ra cuộc gặp, cũng sẽ không có hành động nào gây kích động, khiến Kim Jong-un bất bình, giận dữ.

Nói cách khác, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới sẽ tương đối yên tĩnh, không xảy ra vấn đề đột xuất theo chiều hướng xấu. Có thể sẽ diễn ra những cuộc gặp cấp thấp hơn giữa Mỹ-Triều, thậm chí cũng sẽ có những cuộc gặp mang tính chuẩn bị giữa Hàn Quốc với Triều Tiên, nhằm nỗ lực hoàn tất các công việc cần thiết để tiến tới hội nghị thượng đỉnh vào mùa Thu này.

Audio: Dự báo của Tướng Cương về tình hình Bán đảo Triều Tiên sắp tới

Tin mới