Tướng Cương nhận định về nhiệm kỳ mới của ông chủ Nhà Trắng

(Baonghean.vn) - Hôm nay (20/1), nước Mỹ có Tổng thống mới là ông Joe Biden - vị chính khách xuất thân đảng Dân chủ. Thời khắc chuyển giao quyền lực, cũng là chuyển giao vô vàn khó khăn trên mặt trận đối nội, đối ngoại, “di sản” ông Donald Trump để lại cho người kế nhiệm. Để đưa đến cái nhìn chuyên sâu hơn về một trong những diễn biến hấp dẫn nhất của chính trị thế giới, cùng với những dự báo sắc sảo, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an.

P.V: Thưa Thiếu tướng, trước hết, đề nghị ông khái quát để độc giả có thể hình dung rõ hơn bối cảnh trong lòng nước Mỹ cũng như thế giới ở thời điểm ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Hôm nay (20/1), ông Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng, trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ, trong cảnh khó khăn chồng chất, bộn bề khó ai sánh bằng kể từ khi nước Mỹ được khai sinh năm 1776. Cũng lần đầu tiên trong hàng trăm năm qua, siêu cường số 1 đang gồng mình chống chọi một lúc 3 cuộc khủng hoảng. Thứ nhất là cuộc khủng hoảng nhân đạo về Covid-19, nước Mỹ chịu tổn thất lớn nhất thế giới về số người mắc và số người tử vong. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến ông Donald Trump thất bại trong cuộc đua tranh nhiệm kỳ II. Thứ hai là cuộc khủng hoảng kinh tế - hậu quả của đại dịch Covid-19; tất yếu làm nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp. Thứ ba là khủng hoảng chính trị nặng nề nhất từ trước đến nay, với sự kiện hy hữu, “vết nhơ của nền dân chủ Mỹ” khi người biểu tình tràn vào Đồi Capitol, xâm nhập tòa nhà Quốc hội khiến các nghị sỹ phải sơ tán ngày 6/1 vừa rồi.

Ông Trump rời nhiệm để lại cho nhà lãnh đạo mới Biden nhiều bài toán hóc búa. Ảnh: Getty
Ông Trump rời nhiệm để lại cho nhà lãnh đạo mới Biden nhiều bài toán hóc búa. Ảnh: Getty

Nhìn rộng hơn, khi nhà lãnh đạo 79 tuổi nhậm chức tại Washington, cả thế giới cũng đang căng mình chống Covid-19, đại dịch được nhiều luồng dư luận dự báo là có khả năng sẽ bị đẩy lùi từng bước một vào cuối năm nay, đầu năm sau. Như vậy, còn quá nhiều vấn đề phức tạp, nhân loại còn phải chịu bao nhiêu thảm họa về Covid-19. Thêm vào đó, kinh tế thế giới cũng rơi vào cảnh suy sụp đến tận cùng, vượt quá cả Đại khủng hoảng 1929-1933. Không chỉ vậy, thế giới bị chia rẽ và khá hỗn loạn, trước kẻ thù chung Covid-19, các cường quốc lại đi ngược “nguyên lý chung”, không tin tưởng, hợp tác với nhau. Tóm lại, bối cảnh nước Mỹ và thế giới là bức tranh với tông màu xám chủ đạo khi ông Biden bước vào Phòng Bầu dục.

P.V: Thiếu tướng có thể dự báo một số nét chính trong chính sách đối nội của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden trong năm nay nói riêng và cả nhiệm kỳ 2021-2024 nói chung?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có 2 nhiệm vụ đối nội nặng nề nhất đè nặng lên vai ông Biden: Covid-19 và khắc phục chia rẽ chính trị trong nước.

Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, từ hôm nay, khi đặt chân vào Nhà Trắng, ông Biden phải tập trung đẩy lùi Covid-19, nếu không kinh tế càng sụp đổ, xã hội càng chia rẽ, bất ổn. Tôi cho rằng đây là trọng tâm của cả năm 2021 này, những việc khác ông Biden có thể để sau. Rút kinh nghiệm từ những sai lầm của ông Donald Trump trong năm 2020, chắc chắn trong năm nay, ông Biden sẽ huy động mọi nguồn lực, sử dụng các nhà khoa học, hợp tác với các đồng minh châu Âu, Nhật Bản... để có vắc-xin tốt nhất tiêm chủng cho người dân Mỹ.

Tiêm chủng vaccine COVID-19 tại thành phố New York ngày 14/12. Ảnh: Getty Images
Tiêm chủng vaccine Covid-19 tại thành phố New York ngày 14/12. Ảnh: Getty Images

Thứ hai, bằng mọi cách ông Biden sẽ phải khắc phục dần những chia rẽ chính trị khủng khiếp chưa từng có trong xã hội Mỹ như hiện nay: Chia rẽ giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, giữa các tầng lớp dân cư, giữa các sắc tộc, các khu vực... Đây không phải việc có thể làm ngày một ngày hai, nhưng nhất định phải làm.

Sự kiện bạo loạn trên Đồi Capitol vừa qua còn khơi ra ẩn số lớn nhất là ông Biden sẽ “xử lý” ông Trump thế nào? Liệu ông Biden và đảng Dân chủ có đẩy vấn đề đến cùng? Liệu Trump có bị truy tố? Nếu câu trả lời là “có”, tôi cho là xã hội Mỹ sẽ càng mâu thuẫn. Vì thế, tôi nghiêng về khả năng ông Biden sẽ không đi đến tận cùng trong câu chuyện này.

P.V: Về vai trò của Mỹ tại các tổ chức và định chế đa phương, liệu ông Biden có “sửa sai” do ông Trump để lại không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ông Donald Trump trong 4 năm làm Tổng thống đã rút Mỹ khỏi các hiệp định và định chế đa phương như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, Thỏa thuận của P5+1 với Iran, vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel... Đó là những sai lầm mà ông Trump “để lại” cho ông Biden. Cá nhân tôi nghĩ ông Biden nhiều khả năng sẽ đưa Mỹ trở lại với hiệp định chống biến đổi khí hậu, và sẽ trở lại thỏa thuận giữa P5+1 với Iran nhưng với một phiên bản mới, có thể đề cập đến những hạn chế, cấm Cộng hòa Hồi giáo nghiên cứu sản xuất tên lửa đạn đạo. Còn đối với Trung Đông, ông Biden sẽ không đảo ngược các quyết định của ông Trump, nghĩa là sẽ không chuyển đại sứ quán Mỹ từ Jerusalem trở lại Tel Aviv, để ngỏ khả năng hợp tác hòa bình giữa Israel với thế giới Arập. Riêng với vấn đề Iran, ông Biden sẽ tìm mọi cách để tiếp tục chương trình nghị sự, quan điểm thời cựu Tổng thống Barack Obama là cố gắng dung hòa, tránh xung đột quân sự. Các vấn đề khác tại khu vực này cơ bản sẽ giữ nguyên, không có thay đổi nào đáng kể so với thời Trump. Cũng có khả năng, dù chưa chắc chắn, rằng dưới thời Biden, Mỹ sẽ trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tên lửa Shalamcheh của Iran trong một cuộc diễn tập quân sự ở vùng Vịnh, gần Eo biển chiến lược Hormuz hồi tháng 9/2020. 	Ảnh: AFP
Tên lửa Shalamcheh của Iran trong một cuộc diễn tập quân sự ở vùng Vịnh, gần Eo biển chiến lược Hormuz hồi tháng 9/2020. Ảnh: AFP

P.V: Ở cấp độ khu vực, theo ông, nổi lên nhà lãnh đạo xuất thân đảng Dân chủ của Mỹ sẽ đối mặt với những thách thức gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngoài vấn đề trọng tâm của Trung Đông là Iran như đã nói ở trên, thì bài toán không kém phần khó giải đối với ông Biden là vấn đề Afghanistan. Mỹ đã ném vào đây khoảng 1.200 tỷ USD, mất khoảng 5.000 sinh mạng, ấy thế mà có vẻ như hiện Taliban đang ở thế thượng phong so với chính quyền được Mỹ hậu thuẫn. Thứ nữa, về vấn đề Triều Tiên, tôi cho rằng ông Trump đã có nhận thức sai lầm khi cho rằng có thể dùng quan hệ cá nhân với ông Kim Jong-un để giải quyết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Có lẽ trong 4 năm tới, dù khó có khả năng gặp gỡ thượng đỉnh Biden-Kim, nhưng tân Tổng thống Mỹ để duy trì vấn đề này trong tầm kiểm soát sẽ cố gắng duy trì ngọn lửa đối thoại ở các cấp độ đến cấp ngoại trưởng.

P.V: Còn tình đồng minh của Mỹ với châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... rạn nứt và suy sụp dưới “bàn tay” ông Trump có thể được hàn gắn trong thời gian tới không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Quả thực đây là nhiệm vụ quan trọng của ông Biden. Bằng mọi cách nhà lãnh đạo này sẽ khôi phục quan hệ Mỹ-châu Âu, lấy lại một phần niềm tin của “lục địa già” với xứ cờ hoa bị xói mòn trong 4 năm ông Trump cầm quyền. Dù vậy, việc này sẽ khá khó khăn chứ không đơn giản như nhiều người nghĩ, bởi 2 lẽ: Không dễ khôi phục lòng tin đã bị suy giảm; và vai trò, vị thế của Mỹ trên thế giới cũng đã bị suy yếu, khiến đối phương cũng không mấy vồ vập, vui vẻ muốn khôi phục quan hệ.

Ở châu Á - nơi có đối thủ quan trọng của Mỹ là Trung Quốc, nên có lẽ đây cũng sẽ là nơi được ông Biden dành nhiều ưu tiên đối ngoại, bằng mọi cách khôi phục quan hệ Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật, Mỹ-Australia, Mỹ-New Zealand..., song song với củng cố quan hệ với các đồng minh Canada, Trung Đông. Khuynh hướng của ông Biden sẽ là hình thành một tập hợp lực lượng mới, không “đao to búa lớn”, dưới sự dẫn dắt của Mỹ để đối phó với Trung Quốc.

Ông Trump cho rằng có thể dùng quan hệ cá nhân với ông Kim Jong-un để giải quyết chương trình hạt nhân Triều Tiên. Ảnh: AFP
Ông Trump cho rằng có thể dùng quan hệ cá nhân với ông Kim Jong-un để giải quyết chương trình hạt nhân Triều Tiên. Ảnh: AFP

P.V: Như Thiếu tướng đã chỉ ra, có lẽ hóc búa nhất là mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc. Nó sẽ đi về đâu trong thời gian tới?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Từ năm 2012 đến nay, cá nhân ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống dưới thời ông Obama đã có 5 cuộc gặp gỡ khá thân tình, hữu nghị với ông Tập Cận Bình - khi ấy là Phó Chủ tịch Trung Quốc. Vì thế, có người phỏng đoán ông Biden sẽ có thái độ “khác 180 độ” so với ông Trump, nhưng tôi không đồng tình. Trong cuộc vận động tranh cử vừa qua, Biden đã công khai nói rõ Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Mỹ trong thế kỷ XXI. Hơn nữa, đến thời điểm này, 2 đảng Dân chủ, Cộng hòa cũng như cử tri Mỹ đã được thức tỉnh về mối đe dọa đặt ra từ Trung Quốc, nhờ sự tác động của ông Trump. Vì thế, trên nền tảng đó, nếu có, thì ông Biden sẽ khác biệt với ông Trump ở phương thức tiếp cận và thái độ đối với Trung Quốc, chứ không thể buông tha những vấn đề như thương mại, cạnh tranh không lành mạnh,... Ông Biden cũng sẽ có cách xử lý khác, không ồn ào như ông Trump, có thể nhẹ nhàng hơn trong cách tiếp cận, ưu tiên hợp tác nhưng chắc chắn vẫn rất quyết liệt đấu tranh với những vi phạm, khuyết điểm của Trung Quốc, và khả năng tập hợp lực lượng của ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng sẽ là điều Bắc Kinh không thể xem nhẹ. Tóm lại, tôi cho rằng trong 4 năm cầm quyền sắp tới của ông Joe Biden, quan hệ Mỹ-Trung vẫn nằm trong vòng kiểm soát, khó xảy ra kịch bản Chiến tranh Lạnh, Chiến tranh Nóng như nhiều người phỏng đoán.

P.V: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Tin mới