Tướng Cương: Quân đội là trường học rèn luyện lớp người kế tục ‘vừa hồng, vừa chuyên’

(Baonghean.vn) - Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

P.V: Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng có thể khái quát những chiến công oanh liệt của quân đội ta trong chặng đường đã qua?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nhân ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, xin nhắc lại lời dạy của Hồ Chí Minh, như sau: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”. Như vậy, ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam là đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Lúc chiến tranh, thì quân đội tập trung toàn lực vào đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện.

Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam trong những ngày đầu thành lập. Ảnh tư liệu
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam trong những ngày đầu thành lập. Ảnh tư liệu

Nhìn lại 75 năm qua, chúng ta có thể khái quát những chiến công hiển hách của QĐND Việt Nam như sau: Trong chiến tranh chống Pháp, với đỉnh cao chói lọi là trận Điện Biên Phủ, xin lưu ý rằng trong 2.000 năm lịch sử nước Pháp, quân đội Pháp chỉ thua 2 trận nặng nề nhất, đó là trận Oa-téc-lô, đây là trận thất bại đầu tiên và lớn nhất, thời Na-pô-lê-ông. Trận thứ hai là trận Điện Biên Phủ (1954). Chính giới học giả và quân sự Pháp đã ghi nhận Điện Biên Phủ là thất bại nặng nề nhất của quân đội Pháp trong suốt chiều dài lịch sử 2.000 năm, sau trận Oa-téc-lô. Có thể nói, trận Điện Biên Phủ đã tạc một mốc soi chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Kết thúc chiến tranh chống Pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam bước vào cuộc chiến chống Mỹ kéo dài 20 năm. Chúng ta đã đánh đuổi quân Mỹ ra khỏi bờ cõi và làm sụp đổ chế độ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, thống nhất đất nước. Giành thắng lợi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, là thành tựu của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã thực hiện chiến tranh nhân dân. Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội nhân dân. Thắng lợi này thuộc về nhân dân Việt Nam. Trong đó Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt, ở tuyến đầu.

Có thể nói vào những năm 60-70 của thế kỷ XX, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đi vào giai đoạn ác liệt nhất, trên chiến trường miền Nam, quân đội nhân dân Việt Nam đã có những mũi nhọn tấn công thọc sâu, đánh tan rã ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Hồ Chí Minh cũng từng nói “đánh cho Mỹ cút”, chứ không nói “tiêu diệt Mỹ”. Sức mạnh của nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm rã rời ý chí của quân đội xâm lược Mỹ, buộc họ phải rút về nước trong thất bại nhục nhã.

chiến thắng điện biên phủ - xe tăng qđnd tiến vào dinh độc lập
Quân đội nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Chính chiến thắng trong chống Mỹ giai đoạn 1955-1975, đã làm cho Việt Nam trở thành ngọn cờ chói lọi trong cuộc đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa thực dân mới. Nếu như cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), nhân dân Việt Nam đã đi đầu trong phá tan chủ nghĩa thực dân cũ, thì trong kháng chiến chống Mỹ (kết thúc vào ngày 30/4/1975), nhân dân Việt Nam đã đi đầu trong việc đánh tan chủ nghĩa thực dân mới do Mỹ cầm đầu.

Sau khi thống nhất đất nước chưa được bao lâu, nước ta lại phải đương đầu với thế lực xâm lược đến từ phương Bắc. Nhân dân Việt Nam buộc phải cầm súng đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc. Ngày 17/2/1979, quân xâm lược Trung Quốc đã sử dụng 600 ngàn quân Trung Quốc đã tràn qua biên giới xâm lược Việt Nam trên  toàn tuyến biên giới phía Bắc. Đây là cuộc xâm lược từ phương Bắc lớn nhất từ trước đến nay. Trước đó, các cuộc xâm lược từ phía Bắc chưa bao giờ đông như vậy. Kể từ thời giặc Ân, quân Nguyên Mông, giặc Minh, quân Nhà Thanh... cho đến quân Pháp, quân viễn chinh Mỹ, cũng chưa bao giờ có số quân xâm lược đông như vậy. Dân tộc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam một lần nữa cầm súng đánh đuổi quân xâm lược khỏi bờ cõi.

Sau khi thất bại, hơn 10 năm sau, Trung Quốc tiếp tục gây cớ tạo xung đột trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Quân đội nhân dân Việt Nam đã tỏ rõ khí phách anh hùng, đánh thắng các cuộc xâm lược, tập kích, tham gia tiêu diệt phun-rô, tham gia bảo vệ biên cương, lãnh thổ đất nước, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia Việt Nam trên biển Đông... đó là những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử 75 năm qua.

Ảnh: Báo QK4
Ảnh: Báo QK4

Trong năm 2019 này, chính quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp là Hải quân và Cảnh sát biển đã thể hiện thái độ kiên quyết trong bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia Việt Nam trên biển Đông, khi Trung Quốc kéo dàn khoan đến bãi Tư Chính của Việt Nam. Chính lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển của chúng ta có mặt tại hiện trường đã buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan rời khỏi bãi Tư Chính của Việt Nam.

75 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thể hiện khí phách anh hùng, một quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu, hy sinh quên mình bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn từng tất đất thiêng của đất nước. Quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, rèn luyện với tư tưởng Hồ Chí Minh, quân đội nhân dân Việt Nam được nhân dân ủng hộ, đã tạo nên những chiến công hiển hách, xứng đáng với đội quân anh hùng của dân tộc anh hùng.

P.V: Như Hồ Chí Minh đã nói “lúc hòa bình quân đội tập luyện”, vậy theo Thiếu tướng, trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, phương châm tập luyện của quân đội như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có thể nói, Quân đội nhân dân Việt Nam, trong hòa bình hiện nay đang ra sức tập luyện, để trở thành một lực lượng quân đội hùng mạnh, chính quy và tinh nhuệ, làm chủ các vũ khí hiện đại nhất. Ngày trước, chúng ta đã sáng tạo trong sử dụng tên lửa Nga để đánh B52 của Mỹ. Hiện nay, chúng ta cũng đang sáng tạo dùng vũ khí của Nga theo cách đánh của Việt Nam. Đặc biệt, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm chủ những khí tài hiện đại nhất như tàu ngầm. Lực lượng tàu ngầm của Việt Nam tuy số lượng không lớn, nhưng có khả năng răn đe mọi đối thủ muốn xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia Việt Nam. Có thể nói, lực lượng Hải quân Việt Nam đã có một phương án sẵn sàng ứng phó mọi tình huống bất trắc trên biển Đông.

Tàu ngầm của Hải quân Việt Nam. Ảnh: facebook
Tàu ngầm của Hải quân Việt Nam.

Tôi cho rằng, trong hòa bình quân đội nhân dân Việt Nam cũng thể hiện khí phách anh hùng trong việc tập luyện, làm chủ những công nghệ quân sự, vũ khí hiện đại nhất, đủ sức răn đe, đối phó với mọi thách thức từ các thế lực bên ngoài.

P.V: Khi nói về vai trò của quân đội trong việc bảo vệ Tổ quốc, chúng ta không được quên, chính quân đội đã trở thành một trường học để luyện thanh niên. Trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập thế giới, Thiếu tướng đánh giá như thế nào về vai trò này của quân đội?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chúng ta hiện có hơn 300 trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Nhưng tôi nghĩ rằng, còn một cái không phải là trường đại học, nhưng các thanh niên Việt Nam 18 tuổi tham gia vào nghĩa vụ quân sự trong 2 năm, được rèn luyện trong môi trường quân đội, đội ngũ thanh niên này đã trưởng thành,  vững vàng về chính trị, có thái độ đúng mực với cuộc sống, với xã hội và gia đình.

Các chiến sỹ mới huấn luyện trên thao trường. Ảnh: Tiến Hùng
Các chiến sỹ mới huấn luyện trên thao trường. Ảnh: Tiến Hùng

Chưa có một công trình nghiên cứu nào để đưa ra số liệu cụ thể, nhưng tôi nghĩ rằng, nếu lấy 1.000 thanh niên chưa qua nghĩa vụ quân sự với 1.000 thanh niên đã thực hiện nghĩa vụ quân sự, thì tôi tin rằng, những thanh niên đã thực hiện nghĩa vụ quân sự có lập trường quan điểm đúng mức hơn, sống có trách nhiệm, nghĩa tình hơn đối với gia đình, đồng chí, đồng đội; có ý thức tổ chức cao hơn, là một công dân có trách nhiệm đối với xã hội, đối với gia đình và bản thân. Có thể nói, hầu hết những thanh niên qua thực hiện nghĩa vụ quân sự đã trưởng thành thực sự về mặt chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm công dân.

Vì thế, tôi cho rằng, không có một trường học nào ở Việt Nam, trừ các trường quân đội và trường công an, thì việc tham gia nghĩa vụ quân sự đã tôi luyện thanh niên để trở thành những người làm chủ cuộc sống.

Trong điều kiện hòa bình hiện nay, vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam còn thể hiện là một trường học cho thanh niên. Trên thực tế, môi trường quân đội chính là một trường học cộng sản. Có lẽ, không có trường học, môi trường nào rèn luyện nhân cách con người đối với thanh niên, để đào tạo bồi dưỡng lớp người kế tục “vừa hồng vừa chuyên”, tốt như môi trường quân đội.

Với truyền thống vẻ vang trong suốt 75 năm qua, tôi hoàn toàn tin tưởng lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Và mong muốn quân đội tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò trường học cộng sản, giáo dục lớp thanh niên. Tôi nghĩ trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, bên cạnh mặt tốt là cơ bản, thì cũng có những suy nghĩ, sinh hoạt không lành mạnh, nên việc đưa thanh niên từ 18 tuổi vào tham gia nghĩa vụ quân sự, không chỉ là nghĩa vụ mà còn là vinh dự. Vì thế, tôi nghĩ rằng các bậc cha mẹ, các thanh niên, phải nhận rõ, chính quân đội là trường học rèn luyện thanh niên trở thành một người trung thực, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Những người này sẽ tiếp tục giương cao ngọn cờ của cha anh trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Tin mới