Tổng thống Trump gặp khó, nước Mỹ chia rẽ sâu sắc

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an, trao đổi về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của nước Mỹ

P.V: Thưa Thiếu tướng, tại sao cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là chuyện nội bộ của nước Mỹ nhưng lại được thế giới hết sức quan tâm?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ trở thành tâm điểm của dư luận thế giới trong những ngày qua, trước hết là vì vai trò vị thế siêu cường của nước Mỹ trên thế giới. Về mặt kinh tế, Mỹ vẫn là đầu tàu, về chính trị, an ninh, đối ngoại, Mỹ vẫn tác động đến thế giới, chi phối đến tiến trình phát triển của thế giới. Mặt khác, Mỹ là một quốc gia thể hiện đậm nét tam quyền phân lập. Lịch sử Hoa Kỳ là cuộc đấu tranh, giằng co, kiềm chế lẫn nhau giữa cơ quan hành pháp và lập pháp. Hoa Kỳ cũng là nơi 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa tranh giành quyền chi phối trong chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ. Do đó, việc bầu cử giữa nhiệm kỳ có tác động rất lớn đến chính sách đối nội, đối ngoại của Tổng thống trong những năm tiếp theo của nhiệm kỳ.

Nếu  cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này đảng Cộng hòa tiếp tục giành thắng lợi, chi phối được cả Hạ viện và Thượng viện thì Tổng thống Donald Trump sẽ rảnh tay, tiếp tục thực hiện các sách lược của mình. Còn ngược lại, Trump sẽ phải thay đổi chính sách đối nội, đối ngoại. Vì thế, cả thế giới đều quan tâm đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này của nước Mỹ.

P.V: Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này của nước Mỹ có gì khác biệt so với các lần trước không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước cuộc bầu cử này, đảng Cộng hòa nắm 214 ghế ở Hạ viện, đảng Dân chủ chỉ có 95 ghế. Còn tại Thượng viện, đảng Cộng hòa chiếm 51 ghế, Dân chủ 47 ghế, cộng với 2 ghế độc lập. Có thể nói, bức tranh trước bầu cử là đảng Cộng hòa chi phối cả Thượng viện và Hạ viện.

Trong gần 2 năm ông Trump làm Tổng thống, kinh tế Mỹ có bước phát triển khá, tạo được ấn tượng rõ ràng, sáng sủa nhất trong vài thập kỷ trở lại đây. Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát giảm mạnh. Thành tích nổi bật nhất của Trump chính là kinh tế. Nhưng về mặt chính trị, xã hội, thì khi Trump bước vào Nhà Trắng xã hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc.

Có thể nói, năm 2016, cử tri Mỹ chán giới tinh hoa truyền thống, chán mô típ lãnh đạo của đảng Dân chủ, nên phân tâm, mất lòng tin, yêu cầu cần có sự thay đổi, chính vì thế ông Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ, có thể nói đây là tình huống “thời thế tạo nên anh hùng” của ông Trump.

Đáng lẽ ra trong 2 năm làm Tổng thống, ông Trump phải hàn gắn sự chia rẽ đó, nhưng ông Trump không những làm cho nước Mỹ đoàn kết hơn, mà còn chia rẽ sâu sắc hơn. Trong cuộc điều tra vào tháng 10/2018 vừa qua, Trump chỉ giành được 42% ủng hộ. Chính sách nhập cư cũng chia rẽ nước Mỹ sâu sắc hơn, khoét sâu mâu thuẫn giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ. Chưa bao giờ sự mâu thuẫn đó cao như bây giờ. Trạng thái nước Mỹ vẫn là trạng thái chán chường, mất lòng tin.

Xã hội Mỹ tiếp tục chia rẽ, phân tâm không chỉ trong chính sách đối nội mà cả chính sách đối ngoại. Trong 2 năm cầm quyền, Trump làm cho mối quan hệ của Mỹ với một số đồng minh lâm vào khủng hoảng. Chính sách thực dụng, nước Mỹ là trên hết, mang đậm màu sắc dân túy của Trump đã đụng độ với chính sách toàn cầu hóa. Trump từ bỏ không tham gia hiệp định chống biến đổi khí hậu, thương mại đa phương… tất cả những chính sách đối ngoại này làm cho cử tri Mỹ cũng phân tâm.

Chính bối cảnh đó, khiến cho rất khó đoán định được kết quả trước khi bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này.

Người dân Mỹ biểu tình phản đối chính sách nhập cư.
Người dân Mỹ biểu tình phản đối chính sách nhập cư.

P.V: Theo Thiếu tướng, đâu là nguyên nhân giúp cho đảng Dân chủ chiếm ưu thế tại Hạ viện Mỹ qua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chính nước Mỹ dưới thời Trump đã làm mọi người thức tỉnh trước vận mệnh đất nước. Bên cạnh sự bất bình, chia rẽ xã hội sâu sắc, thì người dân Mỹ cũng thấy rằng cần dùng lá phiếu của mình để điều chỉnh xã hội.  Do đó, lần này số cử tri trẻ tuổi, cử tri da màu đi bầu cử cũng tăng nhiều hơn – đây là khối lượng cử tri chịu ảnh hưởng lớn chính sách của đảng Dân chủ, có cảm tình với Đảng Dân chủ.

Cùng với đó, những chính sách của Trump như y tế, nhập cư, thuế… tác động lớn đến tầng lớp cử tri của cả 2 đảng. Với chính sách thất thường của ông Trump, cử tri Mỹ cảm thấy không yên tâm khi giao nước Mỹ cho con người này, cho dù kinh tế phát triển. Kết quả đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện lần này, chứng tỏ đa số người Mỹ không đồng tình với cách điều hành đất nước của ông Trump.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là bài kiểm tra, sát hạch xem mức độ hài lòng của người dân đối với ông Trump trong 2 năm làm Tổng thống Mỹ. Kết quả là ông Trump đã làm người dân Mỹ không hài lòng. Và họ tìm kiếm cách thay đổi điều hành của ông Trump là bỏ phiếu cho đảng Dân chủ ở Hạ viện.

Kết quả này, phản ánh trung thực hiệu quả chính sách đối nội, đối ngoại của ông Trump. Điều này buộc ông Trump và đảng Cộng hòa phải thức tỉnh trong cách điều hành của mình.

Tổng thống Donald Trump trình bày Thông điệp Liên bang với Quốc hội Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump trình bày Thông điệp Liên bang với Quốc hội Hoa Kỳ.

P.V: Vậy với kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ này, có tác động như thế nào đối với Tổng thống Trump trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước hết, ông Trump vẫn có một không gian rất rộng trong chính sách kinh tế. Vai trò của Tổng thống Mỹ trong hoạch định chính sách kinh tế vẫn mang tính quyết định, Hạ viện, Thượng viện, can thiệp không lớn. Chỉ can thiệp vấn đề nhập cư, thuế… còn cơ bản thì vẫn nằm trong quyền của Tổng thống. Nên kết quả bầu cử này không tác động lớn đến chính sách kinh tế của ông Trump.

Những không gian bị thu hẹp của ông Trump sẽ là chính sách đối ngoại, sẽ khó vượt qua được Hạ viện. Ông Trump không còn có thể muốn làm gì thì làm nữa. Rất nhiều chính sách sẽ không được Hạ viện thông qua, để chuyển lên Thượng viện. Trực tiếp nhất là chính sách nhập cư, chắc chắn đảng Cộng hòa sẽ phản đối, rồi chính sách y tế cũng phải điều chỉnh.

Bên cạnh đó, đối với các mối quan hệ với các “điểm nóng” khác trên thế giới trong chính sách đối ngoại của Mỹ với Triều Tiên, Iran, Nga… cũng sẽ thay đổi vì  Đảng Cộng hòa tìm cách lập lại theo quan điểm từ thời Tổng thống Obama.

Về chính sách ở châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ vẫn xác định nhân tố chính là Trung Quốc. Quan điểm của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ về chính sách đối ngoại với Trung Quốc cơ bản là như nhau, đều nhận rõ được đối thủ chủ yếu mà Mỹ phải đối phó là Trung Quốc, nên sẽ không có gì thay đổi sau kỳ bầu cử này. Có chăng, đó là đảng Dân chủ nhiều khả năng thúc đẩy chuyện Mỹ quay trở lại tham gia Hiệp định CPTPP.

Như vậy, trong 2 năm sắp tới, các chính sách của chính quyền Trump với thế giới sẽ có những thay đổi. Nhưng theo Hiến pháp Mỹ, rất nhiều vấn đề quan trọng nằm trong quyền hành của Tổng thống. Nên trong 2 năm tới đây sẽ là cuộc đấu tranh, giằng co giữa việc hành pháp – đại diện là ông Trump và bên lập pháp là Hạ viện Mỹ.

Kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này sẽ gây khó khăn cho ông Trump cũng như đảng Cộng hòa.
Kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này sẽ gây khó khăn cho ông Trump cũng như đảng Cộng hòa.

P.V:  Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này có ảnh hưởng gì đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ sắp tới không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Khi đảng Dân chủ làm chủ Hạ viện thì đây là vật cản lớn nhất, cản trở ông Trump bước vào cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo. Từ đây đến khi bầu cử, đảng Dân chủ sẽ có nhiều cách để lật lại thế cờ. Với kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này, sẽ có nhiều tác động xấu vào khả năng tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo của ông Trump cũng như các ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa.

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ năm 2018, đảng Cộng hòa đã giành được 51/100 ghế Thượng viện, trong đó có 3 ghế từ đảng Dân chủ. Trong khi đó, đảng Dân chủ đã giành lại 25 ghế từ tay đối thủ Cộng hòa, đồng thời bảo toàn được số ghế đang nắm giữ tại Hạ viện khóa 115. Với kết quả trên, đảng Dân chủ sẽ giành được hơn 218 trên tổng số 435 ghế theo luật định và qua đó giành lại quyền kiểm soát Hạ viện. Quốc hội Mỹ khóa mới (khóa 116) khai mạc ngày 20/1/2019 sẽ ở thế lưỡng cực khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chia nhau mỗi đảng nắm giữ một viện lập pháp. Cuộc bầu cử này được nhìn nhận là thắng lợi của đảng Dân chủ khi họ hoàn thành mục tiêu giành lại quyền kiểm soát ít nhất 1 trong 2 viện lập pháp. Đây là lần đầu tiên đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện trong 8 năm qua.