Tướng Lê Văn Cương: Donald Trump đang là 'con rối' cho lực lượng tân bảo thủ Mỹ

(Baonghean.vn)- Tướng Cương cho rằng, Ông Trump muốn “ghi điểm” và xoá đi danh hiệu “vị tổng thống vịt què”, nhưng việc tấn công Syria vô căn cứ đã làm mất uy tín của ông ngay trong cộng đồng quốc tế.

PGS-TS Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay Báo Nghệ An ngày 30/3/2017.
PGS-TS Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay Báo Nghệ An. Ảnh tư liệu

PV: Thưa Thiếu tướng, theo ông liệu có đúng chính quyền Bashar al-assad sử dụng vũ khí hoá học không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tháng 7/2013, lần đầu tiên xảy ra sự cố sử  dụng vũ khí hoá học tại Syria. Tại thời điểm đó, chính quyền Mỹ và đồng minh của mình tại Trung Đông đổ lỗi cho chính quyền Assad tự ý sử dụng vũ khí hoá học, mặc dù  không có một bằng chứng nào xác nhận. Ngay lập tức, cưụ tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra một “giới hạn vạch đỏ”: nếu như Tổng thống Al-assad tiếp tục sử dụng vũ khí hoá học, thì chắc chắn Mỹ sẽ sử dụng biện pháp quân sự để đáp trả ngăn chặn.

Trước tình hình đó, Nga đã kịp thời can thiệp, đưa ra một thoả thuận hoà bình dành cho các bên với nội dung: chính quyền Al-assad giao nộp toàn bộ vũ khí hoá học cho lực lượng quốc tế, đổi lại Mỹ và phương Tây không tấn công lật đổ chính quyền Assad.

Như vậy từ tháng 9/2013 đến nay, trên thực tế, chính quyền Bashar không còn sử dụng và tàng trữ vũ khí hoá học. Điều này đã được tổ chức giám sát  quốc tế kiểm chứng và xác nhận.

Hơn thế nữa, kể từ đầu tháng 3/2017, cục diện trên chiến trường Syria đang nghiêng về lực lượng quân sự của chính quyền Al-assad với sự hậu thuẫn từ Nga. Cho nên, không có lý do gì ông Al-assad tự “lấy đá ghè chân” mình.

Cần lưu ý rằng, thực chất chiến tranh tại Syria trong 6 năm qua là cuộc đối đầu của hai cường quốc Mỹ - Nga. Trong cuộc chiến chống lại IS tại Syria, Mỹ thực hiện mục tiêu kép: một mặt lên tiếng kêu gọi thế giới chống lại lực lượng khủng bố IS và Al-queda. Mặt khác, thông qua đó để quyết tâm loại bỏ chính quyền Assad.

Trong khi đó, chính quyền Assad lại nhận được hậu thuẫn rất lớn từ phía Nga. Có thể nói, Mỹ không có lý do hay “chiêu bài” nào để loại bỏ.

Do đó, vụ tấn công sử dụng vũ khí hoá học ngày 4/4 chỉ là cái cớ do Mỹ dựng nên để có thể thuận lợi cáo buộc chính quyền Al-assad.

Mỹ ném tên lửa vào cơ sở quân sự của Chính quyền Syria. Ảnh TTXVN
Mỹ phóng tên lửa vào cơ sở quân sự của chính quyền Syria. Ảnh TTXVN

PV: Dư luận quốc tế cho rằng, đây là một quyết định vội vàng và thiếu căn cứ của Tổng thống Donald Trump, Thiếu tướng đánh giá như thế nào về điều này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Không chỉ dư luận quốc tế bàng hoàng, mà ngay cả người dân Mỹ cũng cho rằng đây là một quyết định quá vội vàng của tổng thống Donald Trump. Ngày 4/4 vụ tấn công vũ khí hoá học tại Syria. Trong khi, chưa có một kết luận cuối cùng hay một chứng cứ cụ thể nào về hành động trên, thì ngày 6/4 (theo giờ địa phương Mỹ) Donald Trump đã ra lệnh tấn công không kích vào căn cứ không quân của Syria. Đây là một quyết định vô căn cứ của ông Trump.

PV: Thiếu tướng đánh giá như thế nào về Tổng thống Donald Trump qua hành động không kích vào căn cứ quân sự của Syria ?

PGS-TS Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thứ nhất, quyết định không kích vào căn cứ quân sự của Syria được dự thảo bởi giới tân bảo thủ chống Nga ngay trong chính quyền Mỹ. Do đó, có thể nói rằng, về mặt chính trị đối ngoại, Donald Trump đang là “con rối” cho lực lượng này.

Thứ hai, sau 75 ngày nắm quyền lực tại Nhà Trắng, Trump liên tục đưa ra những chính sách, dự luật sai lầm, và vấp phải sự phản đối dữ dội từ không chỉ nhân dân Mỹ, mà cả cộng đồng quốc tế. Ông Trump đang giữ kỷ lục “thất tín” trong các thời Tổng thống Hoa Kỳ. Khi đưa ra quyết định được cho là quá vội vàng này, Trump đang muốn khẳng định và chứng tỏ bản thân là một nhà lãnh đạo có thể “là chỗ dựa tin cậy của nhân dân Mỹ”, đưa ra những quyết định trọng đại, liên quan đến lợi ích của nước Mỹ nói riêng và vận mệnh của thế giới nói chung.

Thứ ba, qua hành động này, thấy rõ bản chất của Donald Trump là một chính trị gia thường xuyên thay đổi quan điểm. Nếu như trước đó, trong quá trình tranh cử và ngay sau khi đắc cử, Trump liên tục tuyên bố sẽ hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố. Đặc biệt, đối với chính sách của Trump, mục tiêu quan trọng đầu tiên là tiêu diệt lực lượng IS, sau đó mới đến giải quyết số phận nhà nước Assad. Nhưng tại thời điểm này, Donald Trump hoàn toàn đi ngược lại với tuyên bố của mình.

PV: Sau hành động này của Mỹ, dư luận quốc tế tiếp tục đi theo hướng như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Syria là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và là thành viên của Liên Hợp Quốc. Việc Mỹ không thông qua (Liên hợp quốc) LHQ mà tự ý sử dụng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào một số mục tiêu ở căn cứ quân sự Syria là vi phạm luật pháp quốc tế, chà đạp hiến chương LHQ.

Dư luận quốc tế có thể đa diện, nhưng đại đa số những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới kịch liệt phản đối Trump. Và người ta lo ngại rằng, liệu rằng Trump có tiếp tục đưa ra những quyết định “bốc đồng” và “khuấy động” thế giới nữa hay không.

Ông Trump muốn “ghi điểm” và xoá đi danh hiệu “vị tổng thống vịt què”, nhưng việc tấn công Syria vô căn cứ đã làm mất uy tín của ông ngay trong cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Mar-a-Lago, Florida. Ảnh: CNBC
Tổng thống Mỹ Donald Trump bị nghi ngờ là "con rối" trong tay lực lượng tân bảo thủ Mỹ. Ảnh: CNBC

PV: Chính quyền Al-assad nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ Nga. Vậy vì sao Nga lại có phản ứng dè dặt trước hành động không kích quân sự này của Mỹ, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mới đây, Nga đang phải gánh chịu hậu quả từ vụ đánh bom khủng bố tàu điện ngầm tại thành phố St.Petersburg. Nga đang gặp khó khăn cả về kinh tế lẫn chính trị.

Qua hành động này của Mỹ, Nga cần thời gian thời gian bình tĩnh đánh giá lại quan điểm của chính quyền Donald Trump trong mối quan hệ với Nga nói riêng, và cuộc chiến chống khủng bố IS và xung đột tại Syria nói chung. Thực tế, trên chiến trường Syria hiện nay, Nga nắm thế chủ động. Một cuộc không kích của Mỹ không thể thay đổi cục diện chiến trường. Hơn nữa, hành động vội vàng của Mỹ đã tự bộc lộ sớm mục đích cũng như kỹ thuật quân sự. Điều này mang lại cho Nga một lợi thế không hề nhỏ.

Nga sở hữu hệ thống phòng không tên lửa S-400 (hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay) có khả năng bắn rơi tên lửa Tomahawk của Mỹ. Vậy nên, hành đông này của Mỹ giúp Nga có thêm thông tin chiến lược quân sự của Mỹ để bố trí phòng thủ.

PV: Có thể dự báo tương lai cuộc xung đột tại Syria sẽ đi đến đâu, và quan hệ Nga-Mỹ sẽ phát triển theo hướng nào, thưa Thiếu tướng?

TS Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trên chiến trường Syria, Nga nắm thế chủ động và sở hữu những vũ khí hiện đại nhất. Với một nền kinh tế, chính trị-xã hội đang bị chia rẽ nghiêm trọng thì chính quyền Washington không có đủ điều kiện để lao vào cuộc chiến lớn hơn nữa tại Syria. Do đó, hiện tại, Mỹ nên tiếp tục theo dõi những phản ứng từ quốc tế, đặc biệt từ Nga và Iran.

Hành động của Mỹ đã gây thêm khó khăn cho việc giải quyết xung đột tại Syria, đồng thời khoét sâu thêm mâu thuẫn Nga-Mỹ.

Pv: Cảm ơn Thiếu tướng!

Mỹ Nga

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới