Tùy tiện trong trả lương chưa ai xử phạt

(Baonghean) - Nếu xếp theo thứ tự thì có lẽ tiền lương của người lao động thuộc nhóm đứng đầu trong số các vấn đề nóng bỏng của mỗi một doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, tiền lương góp phần tạo nên giá thành sản phẩm, nhưng đối với người lao động thì tiền lương có thể nói là vấn đề sống còn. Có không ít doanh nghiệp vẫn thờ ơ, không xây dựng thang bảng lương.

Điều 93 Bộ luật lao động năm 2012 quy định: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động. Khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động”.

Doanh nghiệp ngành may hầu hết đã trả lương theo thang bảng. Ảnh Văn Hải.
Doanh nghiệp ngành may hầu hết  đã trả lương theo thang bảng. Ảnh Văn Hải.

Từ quy định của Luật lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành chi tiết về việc xây dựng thang bảng lương ở các doanh nghiệp. Theo đó, lương khởi điểm do công ty xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc. Trong đó không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Thang lương, bảng lương phải được định kỳ rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Quy định là như vậy, ấy mà tình trạng trả lương theo kiểu “tùy cơ ứng biến” tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì số doanh nghiệp tiến hành xây dựng và đăng ký thang bảng lương với cơ quan nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (chưa đến 30%).

 Người lao động thì chỉ quan tâm đến tháng nhận đủ số tiền theo hợp đồng.  Tại sao người sử dụng lao động lại né tránh xây dựng thang bảng lương? Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Hoàn, Giám đốc công ty cổ phần xây dựng TN (thành phố Vinh) , một trong những đơn vị chấp hành nghiêm tốt luật lao động cho rằng, “Có lẽ các doanh nghiệp không xây dựng thang bảng lương là vì… lười. Thực tế thì việc xây dựng thang bảng lương không chỉ có lợi cho người lao động mà có lợi cho cả phía người sử dụng lao động. Cũng có đơn vị chưa nắm được chủ trương, hoặc vì lý do khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên thiếu quan tâm”. Tất nhiên trên thực tế không loại trừ có doanh nghiệp coi việc xây dựng thang bảng lương là rườm rà, sau này khó ‘thanh lý” với công nhân! 

Nguyên nhân từ phía người sử dụng lao động là vậy, thiếu thông tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật. Nhưng về phía người lao động, một bộ phận không nhỏ người lao đông hoặc là chưa biết, hoặc là chưa quan tâm đến vấn đề này. Đáng chú ý là phần đông doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn nên cũng chả có ai đại diện để đi “đòi” bảng lương cho người lao động cả.

Sự nghiêm minh của pháp luật cũng cần phải nhắc đến: Điều 13,  Nghị định số  95/2013/NĐ-CP  ngày 22 tháng 08 năm 2013, quy định, “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng theo quy định pháp luật”. Chế tài là vậy, chứ thực tế hỏi đã phạt được bao nhiêu?

Luật lao động (sửa đổi) ban hành đến nay cũng đã bước sáng năm thứ 5, câu chuyện xây dựng thang bảng lương chủ yếu vẫn đâu đó “bên ngoài cuộc sống”. Quyền lợi rất chính đáng này của người lao động không ít nơi nơi vẫn nằm… trên giấy. Trả lương cho người lao động không thể mãi cứ tùy tiện vô nguyên tắc được, bởi vậy cần lắm một sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ.

Nguyễn Khắc An

TIN LIÊN QUAN

Tin mới