Tuyến giao thông nối đường N5: Chậm vì những vướng mắc cục bộ

(Baonghean) - Tuyến giao thông nối đường N5 Khu kinh tế Đông Nam là tuyến đường quan trọng nhằm phục vụ vận chuyển nguyên liệu từ các khu công nghiệp, nhà máy… thuộc các huyện phía Tây Nghệ An về các huyện đồng bằng; sau khi hoàn thành sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuyến đường đang được gấp rút thi công để hoàn thành đúng tiến độ, song công tác bàn giao mặt bằng vẫn còn một vài điểm vướng.

Nỗ lực vì một con đường mới 

Đầu tháng 8/2015, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Nghệ An tiến hành khởi công tuyến đường nối đường N5 Khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô Lương). Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối Khu kinh tế Đông Nam, Cảng nước sâu Cửa Lò với vùng kinh tế phía Tây của tỉnh.

Đây là tuyến giao thông được kỳ vọng sẽ trở thành trục giao thông phát triển hành lang kinh tế Đông Tây và tạo động lực phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho vùng miền Tây Nghệ An, góp phần nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu vận chuyển nguyên liệu và các sản phẩm từ các khu công nghiệp, nhà máy thuộc các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An về các huyện đồng bằng.

Đặc biệt, dự án sẽ phục vụ vận chuyển xi măng cho Nhà máy xi măng Sông Lam (Đô Lương) công suất 4 triệu tấn/năm và Nhà máy xi măng Sông Lam 2 (Anh Sơn) công suất 0,6 triệu tấn/năm. Đường N5 hoàn thành đưa vào sử dụng cũng là cơ hội để nhân dân những địa bàn nơi có tuyến đường này đi qua có thêm việc làm, thu nhập... 

Nhà thầu đang gấp rút thi công, đẩy nhanh tiến độ công trình.
Nhà thầu đang gấp rút thi công, đẩy nhanh tiến độ công trình.

Xác định tầm quan trọng của dự án, thời gian qua, chủ đầu tư, nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa công trình vào hoạt động; tại các địa phương có dự án đi qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân cũng đã nỗ lực để có thể bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Riêng tại huyện Đô Lương, công tác lập hồ sơ bồi thường GPMB đi qua địa bàn huyện đã hoàn thành 100%; công tác bồi thường GPMB toàn tuyến cũng đã cơ bản hoàn thành, song công trình còn ách tắc do vướng 0,05km đoạn qua xã Đại Sơn gồm 2 hộ dân chưa chấp thuận nhận kinh phí bồi thường và chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đi qua địa bàn, UBND huyện Đô Lương đã tổ chức kiểm tra nguồn gốc đất sử dụng, thống kê, kiểm đếm hiện trạng đất đai và tài sản trên đất của các thửa đất bị ảnh hưởng. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Đô Lương phối hợp với UBND xã Đại Sơn và chủ đầu tư tiến hành mời các hộ dân có đất thổ cư bị ảnh hưởng bởi dự án để công khai số liệu đất đai, khối lượng tài sản trên đất bị ảnh hưởng phải thu hồi và phương án bồi thường hỗ trợ.

Cùng với đó là huy động các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với UBND các xã có đất bị ảnh hưởng và chủ đầu tư tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án chấp hành các chủ trương chính sách về công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB theo đúng quy định của pháp luật. Các kiến nghị, vướng mắc của người dân bị ảnh hưởng đều được kiểm tra xem xét trên cơ sở các quy định của pháp luật để lập hồ sơ theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân; ngoài ra còn vận dụng nhiều chính sách, ví dụ như đối với các hộ dân thuộc diện phải di dời tái định cư được đề xuất vị trí di dời, thảo luận mức giá trên cơ sở đúng khung chính sách…

Tuy nhiên, đến nay tuyến đường đi qua Đô Lương vẫn còn vướng chưa đến 0,05 km do 2 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư như đã nói trên; các hộ dân này chưa thống nhất với mức bồi thường mà Hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB chi trả.

Những đòi hỏi thiếu căn cứ

Hai hộ dân còn chưa đồng tình gồm hộ ông Nguyễn Văn Hải ở xóm 6 sử dụng thửa đất số 61, mảnh trích đo số 02 có nguồn gốc đất khai hoang bị ảnh hưởng 650 m2. Đây là thửa đất phi nông nghiệp do ông Hải đứng tên được khai hoang trước những năm 1993.

Dù mảnh đất bị ảnh hưởng của ông Hải là mảnh đất phi nông nghiệp, nhưng ông vẫn đề nghị được hỗ trợ như đất được Nhà nước giao theo Nghị định 64 NĐ/CP và yêu cầu hỗ trợ 200 triệu đồng/sào; theo đó, tổng số tiền ông Hải đề nghị được hỗ trợ là 260 triệu đồng. Sau nhiều lần đối thoại và tuyên truyền vận động, nhưng ông Hải không hợp tác với hội đồng bồi thường, nhất định đòi được hỗ trợ như mức ông đề ra thì mới bàn giao mặt bằng.

Vì 2 hộ chưa bàn giao mặt bằng, tuyến đường N5 đoạn qua địa bàn xã Đại Sơn, Đô Lương đang bị ách tắc.
Vì 2 hộ chưa bàn giao mặt bằng, tuyến đường N5 đoạn qua địa bàn xã Đại Sơn, Đô Lương đang bị ách tắc.

Trường hợp thứ hai là hộ ông Nguyễn Văn Đề (người nhận chuyển nhượng một phần diện tích của thửa đất mang tên ông Nguyễn Hữu Lai và đã được ông Nguyễn Hữu Lai ủy quyền). Trên thực tế, hộ ông Nguyễn Hữu Lai sử dụng thửa đất số 826, tờ bản đồ địa chính số 02 xã Đại Sơn với tổng diện tích 315m2. Năm 2012, ông Nguyễn Hữu Lai chuyển nhượng 175m2 đất cho hộ ông Trần Duy Cường, xóm 3, xã Đại Sơn.

Đến năm 2016 ông Nguyễn Hữu Lai tiếp tục chuyển nhượng 200m2 còn lại cho ông Nguyễn Văn Đề ở xóm 6, xã Đại Sơn. Hai người cùng nhận chuyển nhượng trên 1 thửa đất, hộ ông Trần Duy Cường đã nhận số kinh phí hỗ trợ 700.000.000 đồng cho diện tích 175m2, với mức hỗ trợ 4.000.000 đồng/m2; nhưng hộ ông Nguyễn Văn Đề lại không thống nhất mức hỗ trợ theo phương án hội đồng đưa ra, mà yêu cầu được hỗ trợ 1.304.000.000 đồng cho diện tích 200m2.

Lý do mà ông Đề đưa ra là: “Khó khăn lắm chúng tôi mới vay mượn để mua được miếng đất cho con trai, nếu bàn giao mặt bằng cho dự án thì Ban GPMB của dự án phải hỗ trợ cho chúng tôi cả gốc và lãi. Thửa đất tôi mua lại của ông Nguyễn Hữu Lai diện tích 200m2 với giá 800 triệu đồng, và gia đình đã phải vay tiền lãi suất theo ngày tại chợ Ú, xóm 6, xã Đại Sơn là 800.000 đồng/ngày. Vậy thì mỗi tháng gia đình chúng tôi phải trả 24 triệu đồng, tính đến nay, sau 21 tháng mua đất, chúng tôi đã phải trả 504 triệu đồng, tổng cộng cả gốc và lãi là 1,304 tỷ đồng” (!?)

Cần đồng thuận vì mục tiêu chung

Theo khung chính sách được áp dụng tại Quyết định 58 về việc Hỗ trợ bồi thường GPMB; căn cứ theo Điều 25 Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND ngày 13/10/2015 của UBND tỉnh về bồi thường GPMB hỗ trợ tái định cư quy định về việc hỗ trợ đất và tài sản trên đất bị thu hồi - thì đối với đất ở vùng nông thôn sẽ được áp theo mức giá mà Bộ Tài chính ban hành năm 2015, và theo đó, vị trí thửa đất ở bị ảnh hưởng bởi dự án của ông Nguyễn Văn Đề sẽ được hỗ trợ 600.000 đồng/m2.

Thế nhưng theo nguyện vọng của các hộ (dự án này có 5 hộ có đất ở bị thu hồi), Ban Hỗ trợ, bồi thường GPMB UBND huyện đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để xin được phê duyệt mức giá 4.000.000 đồng/m2, và đây được xem là mức bồi thường “khủng” sau nhiều lần đề xuất và điều chỉnh trong khuôn khổ quy định cho phép về khung giá đất.

Theo đó, ngày 7/10/2016, UBND huyện Đô Lương đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ GPMB Dự án đường N5 với giá trị bồi thường 800.000.000 triệu đồng cho hộ ông Nguyễn Văn Đề với diện tích 200 m2. 

Tuy nhiên, trong khi hộ ông Trần Duy Cường (là hộ nhận chuyển nhượng liền thửa với ông Đề từ chủ sở hữu là ông Nguyễn Hữu Lai với phần diện tích 175 m2 ) đã đồng ý nhận tiền bồi thường 700.000.000 đồng và bàn giao mặt bằng, thì ông Nguyễn Văn Đề lại “tiếp tục ra mức giá” với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 1.304.000.000 đồng với lý do như đã đề cập ở trên.

Đối với hộ ông Nguyễn Văn Hải chiếu theo các quy định về bồi thường, hỗ trợ GPMB của UBND tỉnh thì không thể có chính sách hỗ trợ đất khai hoang như hỗ trợ cho đất nông nghiệp. Bởi, theo điều 22, 23 - Quy định 58/2015/QĐ-UBND ngày 13/10/2015 của UBND tỉnh về bồi thường GPMB hỗ trợ tái định cư phạm vi được điều chỉnh hỗ trợ bồi thường cho đất và tài sản trên đất khi đất bị ảnh hưởng là những hộ trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp được chia theo Nghị định 64 NĐ/CP. Còn đối với những hộ trực tiếp sản xuất trên đất khai hoang và không thuộc sự quản lý của địa phương thì sẽ chỉ được điều tiết hỗ trợ 50% giá trị đất nông nghiệp.

Theo đó, đối với thửa đất mà hộ ông Nguyễn Văn Hải đứng tên (trên thực tế đây là đất hoa màu không thuộc chính chủ nào -  P.V) sẽ được áp giá theo bảng giá của UBND tỉnh về hỗ trợ, bồi thường GPMB là 40.000 đồng/m2 x 650m2 = 26.000.000 + hoa lợi trên đất hàng năm là 2 triệu đồng. Vậy tổng số tiền thửa đất mà ông Hải vẫn canh tác hàng năm sẽ được hỗ trợ, bồi thường là 28.000.000 đồng. Như vậy, với số tiền ông yêu cầu được bồi thường 200 triệu đồng/sào (1 sào = 500 m2) tổng cộng là 260.000.000 đồng hoàn toàn không có căn cứ.

Có thể thấy, căn cứ theo các quy định của Nhà nước và của tỉnh, phương án bồi thường, hỗ trợ mà Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của huyện Đô Lương đã lập đúng quy định, đảm bảo quyền lợi tối đa cho các hộ dân có diện tích đất bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vẫn còn 2 hộ dân cố ý gây khó khăn, có những yêu sách không đủ cơ sở để giải quyết, lợi dụng dự án trọng điểm của Nhà nước để cố tình không chấp hành. Hai hộ dân cần phải lưu ý rằng, đây là công trình trọng điểm để phát triển kinh tế vùng, mang lại lợi ích cho chính người dân, thì không hà cớ gì họ lại có thể cố tình chây ỳ.  

 Mới đây, tại cuộc họp ngày 3/11 của UBND tỉnh về vấn đề đảm bảo tiến độ thông tuyến đường N5, UBND tỉnh yêu cầu đến 15/11 tuyến đường N5 phải được bàn giao mặt bằng sạch. Sau khi rà soát việc áp dụng các chính sách, công tác kiểm đếm, triển khai thực hiện hỗ trợ đền bù theo đúng quy định của pháp luật, nếu hộ nào không đồng thuận, chấp hành bàn giao mặt bằng, sẽ có phương án quyết liệt bảo vệ thi công. 

Một dự án trọng điểm có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng, nhưng chỉ vì vướng 2 hộ dân là hộ ông Nguyễn Văn Hải và hộ ông Nguyễn Văn Đề mà cả tuyến đường bị ách tắc. Một con đường mới với bao kỳ vọng của người dân Đô Lương và 227 hộ dân đi tiên phong bàn giao mặt bằng sạch cho dự án, cũng như hàng triệu người dân, nhà đầu tư và du khách trong và ngoài tỉnh không thể bị chậm trễ bởi những yêu sách của 2 ông. Không thể chỉ vì những đòi hỏi vô lý, thiếu căn cứ, không tuân thủ theo quy định pháp luật của một vài cá nhân mà làm chậm cả một dự án, ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều nhà máy, làm nản lòng nhà đầu tư.

Để đảm bảo tiến độ thi công của dự án, và tránh tiền lệ cho các công trình dự án hiện tại cũng như sau này trên địa bàn, đồng thời đảm bảo sự công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật, các hộ dân còn chưa thông tỏ cần phải hiểu, chấp hành quy định của Nhà nước, có quyết định đúng đắn cho bản thân, gia đình và xã hội.

Thanh Nga - Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới