Tuyên ngôn độc lập - Giá trị trường tồn

(Baonghean.vn) - Trong những ngày mùa Thu lịch sử tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng vĩ đại, đập tan ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, một nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu

Bản Tuyên ngôn độc lập do Bác Hồ soạn thảo là bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn không chỉ khẳng định những nguyên tắc pháp lý về độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, mà còn khẳng định tính pháp lý về quyền dân tộc và quyền cơ bản của con người.

Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh nhắc đến tư tưởng vĩ đại của Thomas Jefferson (Thô-mát Giép-phơ-xơn) trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” [1], và Người cũng nhắc đến tư tưởng của các nhà triết học Pháp thế kỷ thứ XVIII trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của nước Pháp, rằng: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi” [2].

Như vậy, Hồ Chí Minh đã khéo vận dụng ngay những tinh hoa của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người trên một thế kỷ rưỡi trước đây của nhân loại tiến bộ trên thế giới được thể hiện ở những “lời bất hủ” trong hai bản tuyên ngôn trên để khẳng định “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”, đồng thời làm cơ sở cho những kết luận mới của Người.

Nhắc lại những tư tưởng trên là Người muốn khẳng định: Nhân dân Việt Nam không hề xa lạ với những tư tưởng tiến bộ trong lịch sử nhân loại và những tư tưởng đó đã trở thành giá trị tinh thần chung của thế giới; nước Việt Nam hoàn toàn tán thành và có ý tưởng chung về tính pháp lý của nhân loại với quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người.

Nét sáng tạo của Hồ Chí Minh là ở chỗ, sau khi khẳng định quyền con người với ý nghĩa là quyền con người nói chung và quyền mỗi con người nói riêng, Người còn “suy rộng ra” và nâng lên thành tính pháp lý về quyền của tất cả các dân tộc trong thời đại mới, rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” [3].

Đó là kết luận lôgic, hợp lý và đanh thép. Từ kết luận đó, trong Tuyên ngôn, Người lên án toàn diện và kết tội mạnh mẽ bọn thực dân, đế quốc xâm lược, cụ thể là thực dân Pháp và phát xít Nhật đã xâm phạm quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Cho nên, trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh tuyên bố xóa bỏ mọi ràng buộc bất bình đẳng giữa Việt Nam với Pháp, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền, đặc lợi của Pháp trên đất nước Việt Nam, đó cũng là điều hợp lẽ phải, phù hợp với tính pháp lý và lý tưởng chung của nhân loại tiến bộ về quyền con người, về quyền dân tộc cơ bản.

 

Việc nâng quyền con người thành quyền dân tộc, Hồ Chí Minh muốn lưu ý các lực lượng cách mạng tiến bộ trên thế giới lúc đó công nhận quyền độc lập, tự do của nước Việt Nam mới. Ngay trong tuyên ngôn, Người đã kêu gọi Liên hiệp quốc: “Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tehran (Tê hê ran) và Cựu Kim Sơn (tên gọi thành phố San Francisco (Hoa Kỳ)) quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam” [4].

Trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định nguyên tắc pháp lý về quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam và các dân tộc trên thế gới, mà còn khẳng định trong thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam vì các quyền dân tộc thiêng liêng đó. Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, Người khẳng định ý chí đanh thép quyết tâm giành và giữ nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, đồng thời trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Diễu hành chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại khuôn viên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TXXVN
Diễu hành chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại khuôn viên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TXXVN

Trước toàn thể thế gới, Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam - Hồ Chí Minh là hòn đá tảng pháp lý đầu tiên khẳng định cả trên nguyên tắc và thực tế quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam về quyền được sống trong độc lập, tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, về quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam với tất cả các dân tộc trên thế giới. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người khỏi mọi áp bức bóc lột, thực hiện quyền dân chủ cơ bản cho mọi người dân Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là từ quan điểm gắn độc lập của dân tộc với tự do, hạnh phúc của con người, gắn quyền dân tộc thiêng liêng với quyền cơ bản của con người.

Cũng từ thực tiễn cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam, hai khái niệm pháp lý trên đã được phát triển thành khái niệm mới quyền dân tộc cơ bản. Vì vậy, Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam - Hồ Chí Minh được coi là bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của các dân tộc đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc và văn minh.

Bản Tuyên ngôn độc lập do Bác Hồ soạn thảo đã thể hiện một trình độ kiến thức cao với tầm nhìn bao quát về thời đại với những dự báo đúng đắn sâu sắc. Tuyên ngôn cũng thể hiện một lập trường kiên định vì độc lập, tự do của dân tộc vừa có tính chiến đấu rất mạnh mẽ với lập luận khôn khéo, vững chắc, bằng lời văn súc tích rõ ràng. Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 có giá trị trường tồn. Bản Tuyên ngôn độc lập đó cũng đã trang bị cho Đảng ta, dân tộc ta một vũ khí chính trị tư tưởng rất sắc bén để vượt qua mọi thử thách trong việc bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Ảnh: VnExpress
Ảnh: VNE

_______________

[1] , [2] - Hồ Chí Minh: Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.3, tr.554.

[3] , [4] - Hồ Chí Minh: Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.3, tr.555, 557.

Tin mới