Tuyển sinh đại học năm 2019: Khó cho các trường tốp dưới

(Baonghean) - Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi, mùa tuyển sinh vào các trường đại học cũng chính thức bắt đầu. Việc trúng tuyển cũng không còn quá “căng thẳng” như các năm trước... Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường tốp trên hạ điểm, cộng với cơ chế tuyển thẳng thuận lợi khiến cho nhiều trường tốp dưới khó đạt chỉ tiêu.

Nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh
Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi, nhiều thí sinh ở thành phố Vinh cũng đã nhận được kết quả tuyển thẳng vào các trường đại học thuộc tốp đầu của cả nước, thông qua xét tuyển. Như trường hợp của Hồ Thị Yến Nhi, vốn là học sinh ở một trường chuyên trên địa bàn thành phố Vinh, điểm tổng kết 3 năm THPT đều loại giỏi và từng đạt giải Ba Kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh nên không quá khó khăn để được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm.

Tư vấn cho thí sinh tại Trường Đại học Vinh. 	Ảnh: Đức Anh
Một buổi tư vấn cho thí sinh của một trường đại học ở Vinh. Ảnh: Đức Anh

Thầy giáo Lương Văn Tường - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên Hóa - Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết: “Với cơ chế tuyển sinh hiện nay thì học sinh trường chuyên rất thuận lợi để trúng tuyển vào đại học thông qua hình thức xét tuyển. Như ở lớp chúng tôi, hầu hết học sinh đăng ký tuyển thẳng đều trúng tuyển”. 

Nếu như các năm trước, việc xét tuyển đại học bằng kết quả học tập trong những năm THPT thường chỉ thực hiện ở các trường tốp dưới thì năm nay rất nhiều trường đại học tốp đầu cũng ưu tiên tuyển sinh đối tượng này, nếu học sinh có học lực giỏi liên tục trong ba năm THPT (hoặc theo tổ hợp môn xét tuyển) hoặc là học sinh ở các trường chuyên. Bên cạnh đó, nếu thí sinh có một trong các chứng chỉ Anh ngữ quốc tế như ELTS, TOEFL PBT hoặc TOEFL iBT thì việc trúng tuyển các thuận lợi hơn.
Kiểm tra hồ sơ thí sinh đến đăng ký nhập học tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà
Cán bộ một trường cao đẳng ở Nghệ An kiểm tra hồ sơ thí sinh đến đăng ký nhập học. Ảnh: Mỹ Hà

Đây cũng là lý do vì sao, trong vài năm trở lại đây, bên cạnh việc ôn thi cho Kỳ thi THPT Quốc gia rất nhiều học sinh THPT đã dành rất nhiều thời gian để ôn thi lấy các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và xem đây là một giấy “thông hành” hết sức quan trọng để có suất chắc chắn vào các trường đại học. 

Thực tế cũng cho thấy, nếu tính điểm trúng tuyển là 14 điểm trở lên thì Nghệ An có hơn 54.000 lượt thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào đại học nếu tính theo tổ hợp khối A, B, C, D1. Bên cạnh đó, hàng nghìn thí sinh khác có thể trúng tuyển nếu xét tuyển bằng học bạ.
Trường tốp dưới “khó” tuyển sinh
Đến thời điểm này, việc thay đổi nguyện vọng của thí sinh đã vào những ngày cuối cùng. Tuy nhiên, nhiều trường đại học vẫn không khỏi lo lắng vì “khó” tránh phải nguyện vọng ảo.

Do việc tuyển sinh đang ngày càng khó khăn nên mấy năm gần đây, một số trường đại học ở Nghệ An tuyển không đủ chỉ tiêu. Thậm chí nếu đạt 60% chỉ tiêu đã đề ra thì đó đã là một thành công lớn. Để “hút” thí sinh, một số trường mở rộng tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ với mức điểm khá khiêm tốn. Với điểm tổng kết 3 môn năm lớp 12 thuộc 1 trong các tổ hợp xét tuyển đạt từ 15 điểm trở lên.

Thời điểm này, thí sinh đến nhập học tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An chủ yếu thông qua xét học bạ. Ảnh: Mỹ Hà
Nhiều trường đại học mở rộng diện tuyển sinh thông qua xét học bạ. Ảnh: Mỹ Hà

Việc các trường đại học tốp đầu hạ thấp điểm xét tuyển đầu vào cộng với nhiều cơ chế tuyển thẳng thuận lợi cũng khiến cho các trường tốp dưới đã khó càng thêm khó, cả về số lượng và cả về chất lượng.

Theo kế hoạch đến ngày 8/8, các trường đại học trên toàn quốc sẽ công bố điểm chuẩn vào các trường. Sau thời gian này, các trường tốp dưới mới chính thức vào mùa tuyển sinh và để đạt chỉ tiêu tuyển sinh, còn rất nhiều khó khăn.

Tin mới