Tuyển thủ U23 Việt Nam tập thể lực như thế nào?

Tham gia giải U23 châu Á, cầu thủ Việt Nam rèn thể lực với bài tập dây đôi, chạy bộ, nâng tạ... cùng chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt.

Trước giải hơn một tháng, huấn luyện viên Park Hang-seo cùng cộng sự đã áp dụng chế độ tập luyện và dinh dưỡng nghiêm ngặt cho các cầu thủ. Một ngày cầu thủ có hai buổi rèn thể lực sáng và chiều, mỗi buổi một tiếng.

Đầu tiên họ tập các bài khởi động trong khoảng 20-30 phút đầu. Bài tập này gồm chạy tại chỗ, chạy bộ chậm, nâng cao đùi, xoay người, kéo giãn cơ, ép thẳng, bài tập xoay các khớp nối (hai đầu gối, hông, vai, cổ tay, cánh tay, cổ chân) theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.

Bài tập khởi động làm tăng nhiệt độ cơ bắp, tăng nhịp tim, máu lưu thông và tăng lượng oxy đến các cơ, kéo giãn cơ... Nhờ đó sẽ giảm nguy cơ chấn thương khi chơi bóng.

Tuyển thủ U23 Việt Nam tập thể lực như thế nào? ảnh 1

Các cầu thủ Việt Nam khởi động trên sân trước trận đấu với tuyển Indonesia tối 24/3. Ảnh: Đình Tùng

Sau khi khởi động là các bài tập rèn thể lực trong 30-40 phút còn lại. Mỗi ngày tuyển thủ tập một hoặc nhiều bài tập khác nhau, bao gồm: kéo dây đôi, nâng tạ, chạy, nhảy bật cóc, tập với cơ bụng...

Ví dụ, khi tập với dây đôi, các cầu thủ thay phiên nhau kéo sợi dây cao su căng nhất, để tạo sức cản cho đồng đội tập bứt tốc. Bài tập này giúp tăng khối lượng cơ, đặc biệt phát triển nhóm cơ mang tính chất cân bằng (Stabilizers) và các nhóm cơ đối lập (Antagonists), tránh chấn thương. Đây là bài tập giúp toàn đội quen với chiến thuật kèm người của đối phương có thể hình, thể lực vượt trội.

Ở phòng tập gym, cầu thủ phải nâng những chiếc tạ đặc bằng kim loại để tăng cường cơ bắp, giúp cơ thể không bị đuối sức khi hoạt động cường độ mạnh trong thời gian dài. Một số bài tập cadio khác nhẹ nhàng hơn như xà đơn, quăng dây, chạy bộ trên máy, tác động tới phần cơ đùi, cơ tay, giảm mỡ thừa, làm cơ thể săn chắc. Bài tập tâng bóng bằng các bộ phận trên cơ thể rèn luyện cách khống chế bóng dễ dàng, tăng độ linh hoạt của khớp gối, cổ chân, hông, giúp phát triển kỹ năng như phản xạ và ứng biến nhanh chóng trong thi đấu.

Những bài tập thể lực này còn giúp cơ thể tăng dopamine, serotonin, norepinephrine và acetylcholine (các chất dẫn truyền thần kinh). Bởi vậy cầu thủ duy trì sức khỏe tốt và tinh thần thi đấu thoải mái trên sân.

Tuyển thủ U23 Việt Nam tập thể lực như thế nào? ảnh 2

Tuyển thủ rèn thể lực trong phòng tập gym ngày 17/3.

Ngoài tập luyện, chế độ dinh dưỡng của các cầu thủ khá nghiêm ngặt. Bữa sáng lúc 8h với thức uống là nhân sâm, sau đó ăn xôi, cơm trắng hoặc trứng để chắc bụng. Bữa trưa từ 12h, các món ăn được thiết kế đầy đủ 5 nhóm dinh dưỡng: chất đạm, chất béo, đường, rau củ và các sản phẩm từ sữa, gồm: tôm, cá, gà, bò, rau xanh, cùng với hoa quả để bổ sung dinh dưỡng. Buổi chiều ăn nhẹ và ăn tối sau khi kết thúc lịch tập.

Nhân sâm có tác dụng tăng sức đề kháng, tăng khả năng phòng vệ đối với các kích thích có hại cơ thể. Nhân sâm còn giúp cơ thể giảm mệt mỏi, tăng khả năng tư duy và thể lực nhờ dược tính hỗ trợ quá trình ức chế và hưng phấn vỏ não, phục hồi nhanh.

20h ngày 26/3 tại sân Mỹ Đình, Hà Nội, đội Việt Nam gặp tuyển Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á. Sau hai lượt trận, tuyển Việt Nam toàn thắng (Brunei và Indonesia) với 3 điểm, đứng áp chót trong nhóm nhì bảng. 

Tin mới