U23 Việt Nam: Những vấn đề sau 2 trận hòa UAE và Jordan

(Baonghean.vn) – May mắn giữ sạch lưới sau trận, nhưng U23 Việt Nam cũng không ghi được 1 bàn thắng nào. Ngoại trừ những cầu thủ có kinh nghiệm thi đấu quốc tế như Quang Hải, Đình Trọng, Tiến Dũng, cả 3 tuyến đều bộc lộ những vấn đề nan giải.

Ở trận đấu gặp U23 UAE, U23 Việt Nam ra sân với đội hình xuất phát 3-5-2. Vấn đề của hàng phòng ngự được bộc lộ rõ ở vị trí của trung vệ Tấn Sinh khiến HLV Park Hang-seo phải ngay lập tức tung Đình Trọng vào thay đầu hiệp 2.

Chỉ khoảng 10 phút sau, tiền vệ trung tâm Đức Chiến bị thay ra để Trọng Hùng vào sân và Quang Hải chơi lùi về kiến thiết bóng. HLV Park đã chấp nhận hy sinh một cầu thủ có khả năng tạo đột biến để đảm bảo thế trận.

Dẫu vậy, khả năng kiểm soát bóng và phát động tấn công ở khu trung tuyến của U23 Việt Nam vẫn không được cải thiện nhiều. Và Tiến Linh được rút ra để Thái Quý vào sân những phút cuối trận.

Thủ môn Tiến Dũng có màn trình diễn ấn tượng với 13 lần thu hồi bóng, 10 lần phát động tấn công và 3 pha cứu thua. Đồ họa: TK
Thủ môn Tiến Dũng có màn trình diễn ấn tượng với 13 lần thu hồi bóng, 10 lần phát động tấn công và 3 pha cứu thua. Đồ họa: TK

Lúc đó, hàng tiền vệ của U23 Việt Nam mới hoạt động hiệu quả hơn và những cơ hội cũng đến với các học trò HLV Park nhiều hơn. Tuy nhiên, sức ép là không đủ lớn để có được bàn thắng vào thời điểm quyết định. Chúng ta tạo ra 17 cú dứt điểm nhưng chỉ 2 đi trúng đích, tỷ lệ kiểm soát bóng chỉ 35%, số đường chuyền cũng lép vé so với đối thủ (281/514), chuyền hỏng 21%.

Cho đến trận gặp U23 Jordan, đối thủ này tỏ ra khó chịu hơn rất nhiều. Đội bóng này cũng chơi với sơ đồ 3 trung vệ và vây ráp khiến các cầu thủ Việt Nam không có nhiều khoảng trống, thời gian để tổ chức lối chơi.

Tuyến giữa với Đức Chiến – Thanh Sơn hoàn toàn không làm tròn nhiệm vụ hỗ trợ hai hậu vệ cánh, đánh chặn từ xa cũng như đưa bóng lên phía trên. Tỷ lệ chuyền hỏng và mất bóng của cầu thủ này khá cao.

Sự thất thế của hậu vệ cánh trái Thanh Thịnh được thể hiện rõ trong những lần mà cầu thủ này bị vượt qua một cách dễ dàng, buộc HLV Park phải tung Đình Trọng vào để Ngọc Bảo dạt ra cánh trái một cách bất đắc dĩ ngay khi trận đấu mới trôi qua được 36 phút.

Đình Trọng là điểm tựa cho hàng phòng ngự U23 Việt Nam. Đồ họa: TK
Đình Trọng là điểm tựa cho hàng phòng ngự U23 Việt Nam. Đồ họa: TK

Đầu hiệp 2 cũng vậy, Thanh Sơn thể hiện màn trình diễn nhạt nhòa và anh được thay bằng Đức Chinh. Một lần nữa Quang Hải phải lui về thi đấu như một tiền vệ trung tâm thực thụ. Điều này đồng nghĩa với việc tuyến tiền đạo sẽ giảm tính đột biến và đội trưởng U23 Việt Nam phải thiên về phòng ngự, tổ chức, tranh chấp thậm chí là phạm lỗi.

Điểm sáng hiếm hoi trong những trận đấu đã qua đến từ vị trí của thủ môn Bùi Tiến Dũng và trung vệ Đình Trọng. Trong đó, Tiến Dũng có 3 pha cứu thua trận gặp Jordan và 13 pha thu hồi bóng, 10 tình huống phát động tấn công.

Kinh nghiệm của họ đã giúp U23 Việt Nam may mắn không bị thủng lưới nhưng trong thời điểm HLV Park tung đòn quyết định, đưa Việt Anh rời sân và Thái Quý vào thay, U23 Việt Nam vẫn khá lúng túng với những đường chuyền sai địa chỉ. Điều này khiến cặp Tiến Linh và Đức Chinh ở trong tình trạng "đói bóng".

Đức Chinh không có tính huống nào qua người và chỉ tung ra 1 cú sút trong trận gặp Jordan. Ảnh: Hải Hoàng
Đức Chinh không có tính huống nào qua người và chỉ tung ra 1 cú sút trong trận gặp Jordan. Ảnh: Hải Hoàng

Những thống kê chuyên môn ở trận đấu thứ hai gặp Jordan cũng không khá hơn với 2/11 cú dứt điểm trúng đích trong khi của đối thủ là 4/13. Tỷ lệ kiểm soát bóng của chúng ta tốt hơn với 62%, số đường chuyền 502/309 so với đối thủ nhưng tỷ lệ chuyền bóng sai là 22%. Trong đó trận gặp U23 Jordan, Quang Hải với có tỷ lệ chuyền bóng thành công 82% và Thành Chung 84%.

Qua hai trận đấu, HLV Park Hang-seo đã phải sử dụng tối đa quyền thay người và liên tục xáo trộn đội hình, chắp vá những vị trí để lại sơ hở. Không chỉ giới chuyên môn mà chính HLV Park Hang-seo cũng thừa nhận việc cặp tiền đạo Tiến Linh và Đức Chinh hoàn toàn lưỡng lự trước những tình huống dứt điểm hay phối hợp với đồng đội.

Chỉ cần một thoáng lưỡng lự, không chỉ cơ hội ghi bàn trôi qua mà rất có thể còn gặp phải tình huống phản công. Trong trận đấu vừa qua, chúng ta cũng đã có một số cơ hội khá rõ rệt đến từ đường chọc khe bổng của Quang Hải cho Tiến Linh nhưng tiền đạo U23 Việt Nam xử lý khá rườm rà. Tỷ lệ qua người chỉ 50% của Tiến Linh và 1 cú sút duy nhất của Đức Chinh là những con số biết nói.

Thống kê chuyên môn U23 Việt Nam qua hai trận đấu tại VCK U23 châu Á. Đồ họa: TK
Thống kê chuyên môn U23 Việt Nam qua hai trận đấu tại VCK U23 châu Á. Đồ họa: TK

Trước khi Đình Trọng vào sân, "những đường chuyền dài có hồn" như cách gọi của HLV Park của lứa U23 trước hay ĐTQG cũng không xuất hiện từ 3 trung vệ. Đây là một trong những cách giải phóng áp lực và tiếp cận khung thành đối phương một cách nhanh nhất, nhưng đáng tiếc những pha chuyền bóng như vậy đến từ Ngọc Bảo không có độ chính xác cao.

Trước thềm SEA Games 30, HLV Park Hang-seo đã từng chia sẻ: “Sơ đồ 3-4-3 hiện tại đã lộ rõ và chúng tôi phải quyết định có sử dụng nó hay không. Tôi muốn đội bóng giàu sức chiến đấu nhưng lo lắng về việc thay đổi. Khi gặp các đội bóng Đông Nam Á thì không sao, nếu gặp đội bóng mạnh thì tôi không chắc sơ đồ 2 tiền đạo sẽ phát huy hiệu quả”.

Từ 3-5-2 sang 3-4-3 và ngược lại chỉ đem đến những thống kê nghèo nàn. Những con người hiện tại không thể phát huy được lối chơi 3-4-3 sở trường, đòi hỏi sự mạnh mẽ đến từ hai cánh và sự toàn diện đến từ cặp tiền vệ trung tâm cũng như tính đột biến của các tiền đạo cánh.  Và đến lúc này thì những lo lắng của HLV người Hàn Quốc đã thành sự thật.

Tin mới