U23 Việt Nam và chuyện quảng bá hình ảnh đất nước

Quảng bá hình ảnh đất nước là cả một câu chuyện dài và vô cùng phong phú về cách làm cũng như hiệu quả thu nhận.

Trong lần công tác ở đất nước Canada xa xôi, tôi đã nghe vị đại sứ Việt Nam tại đây nói thật giản dị rằng, “Các nhà báo hãy cứ tập trung giới thiệu bản sắc quê hương, đất nước bắt đầu từ… món ăn Việt cho bà con xa Tổ quốc, cả người già lẫn người trẻ đều mong muốn được nghe, được nhớ lại và làm theo. Từ đó để học, để nhớ tiếng mẹ đẻ, nhớ cội nguồn, từ đó mới lan tỏa ra các vấn đề rộng lớn hơn…

Ngày đầu năm mới 2018 này, tôi xem trên VTV4 một bộ phim tài liệu về võ cổ truyền Việt Nam và quá trình gây dựng, quảng bá ở Châu Âu, Châu Phi và nhiều nơi trên thế giới. Không chỉ người Việt và con em họ ôn luyện như truyền thống thượng võ cha ông ta để lại, mà tinh thần, giá trị  võ cổ truyền Việt Nam đã thu hút, hấp dẫn rất nhiều người trên thế giới.

Từ môn võ cổ truyền Việt Nam, hình ảnh Việt Nam được quảng bá rõ ràng không dừng lại ở những bài học cụ thể mà dường như nâng lên thành lẽ sống, ý chí vượt lên chủ động trước mọi hoàn cảnh phức tạp của cuộc sống. Ngày càng có nhiều người, nhiều nơi trên thế giới đến với võ cổ truyền Việt Nam, với người Việt Nam là vì lẽ đó.  

U23 Việt Nam và chuyện quảng bá hình ảnh đất nước ảnh 1
Các học trò của HLV Park Hang-seo cầm cờ Tổ quốc bước trên tuyết trắng cúi chào CĐV

Mới nhất, hành trình chiến thắng chính mình, tự tin vượt qua mọi khó khăn, trở ngại của các tuyển thủ U23 Việt Nam tại Giải bóng đá U23 Châu Á được coi là một trong những sự kiện quảng bá hình ảnh Việt Nam ấn tượng và hiệu quả mà lâu nay chưa làm được hoặc chưa/không thể làm nổi.Gần đây, có nhiều người Việt thành đạt ở nước ngoài trở về đất nước để làm được một việc gì đó tầm cỡ khu vực, thế giới. Và họ đã lập nên những “kỷ lục”, những danh hiệu đáng tự hào, không chỉ một lần, không chỉ một công trình và vẫn đang lặng lẽ, âm thầm vươn lên với khát vọng lớn lao, cháy bỏng.

Còn nhớ hồi cuối năm 2010, trên báo Marca – tờ báo thể thao nổi tiếng của Tây Ban Nha, HLV trưởng Real Madrid lúc bấy giờ là Jose Mourinho bực dọc thốt lên sau một trận đấu có quá nhiều vấn đề "Nó quá xấu xí. Nếu là một khán giả, tôi sẽ không theo dõi trận đấu này. Còn nếu ở nhà, tôi sẽ bật một kênh của Eurosport để xem trận đấu ở Việt Nam". Ai cũng biết, đây là một màn “quảng bá ngược” về bóng đá Việt Nam vốn đang bị xếp vào “vùng trũng”.

Và chỉ vỏn vẹn 7 năm sau, đầu năm 2018, cũng chính tờ báo thể thao hàng đầu xứ bò tót này đã hào hứng đưa tin về U23 Việt Nam khi đội bóng lần lượt chiến thắng các “ông lớn”, lọt vào chung kết giải Châu Á: "Việt Nam viết nên lịch sử, chơi trận chung kết châu lục lần đầu tiên”.

Lan sang cả xứ sương mù, báo thể thao hàng đầu ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh Premier League, tờ Daily Mail cũng dành chỗ để nói về đội bóng của HLV Park Hang Seo, vừa tham dự U23 Châu Á gặt kết quả ngoài sức mong đợi và ngày về "Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam được chào đón cuồng nhiệt từ hàng ngàn người hâm mộ quê nhà trên các nẻo đường của thủ đô Hà Nội, bất kể lỡ danh hiệu vô địch...

Không chỉ báo chí hàng đầu thế giới về thể thao, mà cả báo chí hàng đầu về kinh tế như tạp chí Forbes của Mỹ cũng lên tiếng: “Màn trình diễn của họ đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới và cho thấy tương lai đầy hứa hẹn của nền bóng đá Việt Nam". 

U23 Việt Nam và chuyện quảng bá hình ảnh đất nước ảnh 2

Duy Mạnh cầm lá cờ để cắm lên đụn tuyết cao rồi cúi đầu trước lá cờ Tổ quốc trước khi rời sân Thường Châu. Ảnh: Linh Hoàng/ Báo Lao động

Trong câu chuyện sẽ còn được nói tới rất, rất nhiều này, sự quảng bá trước hết dành cho chính mỗi người dân nước Việt. Không hề dễ dàng nhưng một khi đã có ý chí tự tin và bản lĩnh “con nhà võ”, một khi được đào tạo bài bản, căn cơ dưới sự dẫn dắt của một ông thầy hết mực thương yêu học trò, phía sau là một đất nước không chỉ ngưỡng mộ thành tích bóng đá mà điều cốt tử là khâm phục, tự hào, ngưỡng vọng sự vượt khó, sự vươn lên… thì niềm tin sẽ được gây dựng, củng cố, làm bệ phóng tới đích cao hơn, xa hơn cho tất cả mọi người.

Sẽ không quá lời khi nói rằng, sự thúc đẩy, nâng bước này không chỉ đối với bóng đá, với thể thao, với người Việt, mà còn cả khu vực Đông Nam Á lâu nay vẫn bị coi là “vùng trũng’ về nhiều mặt như đã nói ở trên.

Cách làm “mưa dầm thấm lâu” quảng bá hình ảnh qua những kênh truyền hình hàng đầu thế giới, hay nhiều phương thức hiệu quả khác cũng như “cú sút ấn tượng” làm thay đổi cách nhìn của thế giới từ U23 Việt Nam quả thực đều góp công to lớn vào quá trình tô đậm hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Những việc đó hoàn toàn không dễ nhưng không phải không làm được, phải không những “người hùng” đã và sẽ xuất hiện rạng rỡ, cũng như rất nhiều những người thầm lặng khác đang tô đậm dấu ấn Việt, thương hiệu Việt ra thế giới?

Tin mới