UBND tỉnh thông qua Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Theo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương, mô hình không gian huyện được phát triển với cấu trúc 1 trung tâm, 3 vùng phát triển và 4 trục động lực.

Chiều 29/9, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 9/2022 của UBND tỉnh.

Tham dự phiên họp có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các thành viên UBND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành, huyện Đô Lương.

Toàn cảnh phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9 vào chiều 29/9. Ảnh: Phạm Bằng

Toàn cảnh phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9 vào chiều 29/9. Ảnh: Phạm Bằng

Tại phiên họp, UBND tỉnh đã nghe, cho ý kiến và thông qua Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Việc xây dựng quy hoạch nhằm làm cơ sở để công nhận huyện Đô Lương đạt tiêu chí huyện nông thôn mới năm 2023; Làm tiền đề để xây dựng huyện Đô Lương trở thành thị xã. Mặt khác, tạo lập cơ sở pháp lý để tích hợp vào quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tổ chức không gian phát triển của huyện đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa các vùng, các huyện nhằm khai thác tối đa thế mạnh về vị trí chiến lược của huyện.

Theo quy hoạch, mô hình không gian huyện Đô Lương được phát triển với cấu trúc 1 trung tâm (thị trấn Đô Lương), 3 vùng phát triển (vùng đô thị Đô Lương, vùng đô thị Giang Sơn và vùng đô thị Thượng Sơn) và 4 trục động lực (QL15, QL7C, QL7 và QL48E).

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và phong tục tập quán của địa phương, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, của vùng và của huyện, phân thành 3 vùng phát triển.

Phân vùng 1 (Vùng phía Tây Bắc): Gồm 6 xã (Ngọc Sơn, Lam Sơn, Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Hồng Sơn và Bài Sơn) với quy mô 92,84km2. Đây là vùng phát triển kinh tế vườn đồi, lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, cây công nghiệp, dược liệu; chăn nuôi gia súc; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Phân vùng 2 (Vùng trung tâm): Gồm Thị trấn Đô Lương và 13 xã (Bắc Sơn, Bồi Sơn, Đà Sơn, Đặng Sơn, Đông Sơn, Hòa Sơn, Lạc Sơn, Lưu Sơn, Nam Sơn, Thịnh Sơn, Tràng Sơn, Văn Sơn, Yên Sơn) với quy mô 96,56 km2. Đây là vùng kinh tế tổng hợp, tập trung phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao và sản xuất thực phẩm sạch cho các khu đô thị.

UBND tỉnh nghe đơn vị tư vấn trình bày Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương. Ảnh: Phạm Bằng

UBND tỉnh nghe đơn vị tư vấn trình bày Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương. Ảnh: Phạm Bằng

Phân vùng 3 (Vùng Đông Nam): Gồm 13 xã (Trung Sơn, Thuận Sơn, Xuân Sơn, Tân Sơn, Minh Sơn, Thái Sơn, Quang Sơn, Thượng Sơn, Nhân Sơn, Hiến Sơn, Trù Sơn, Đại Sơn và Mỹ Sơn) với quy mô 165,09km2. Đây là vùng dự trữ phát triển mở rộng không gian của khu kinh tế Nghệ An. Định hướng phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp công nghệ cao, gắn với phát triển du lịch văn hóa, lịch sử.

Trong định hướng phát triển không gian đô thị, Đô Lương sẽ có 3 đô thị: Đô thị Đô Lương (đô thị loại IV) có chức năng là trung tâm hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật và thương mại dịch vụ của thị xã Đô Lương và các huyện phía Tây Nam tỉnh. Đô thị Giang Sơn (đô thị loại V), là đô thị sinh thái phía Tây Bắc huyện Đô Lương. Đô thị Thượng Sơn (đô thị loại V), là đô thị thương mại dịch vụ khu vực phía Đông Nam huyện Đô Lương.

Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, quy hoạch Khu công nghiệp tại các xã Trù Sơn, Hiến Sơn, Nhân Sơn, Quang Sơn với tổng diện tích khoảng 2.000ha theo định hướng phát triển mở rộng Khu kinh tế Nghệ An; Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ tại xã Hòa Sơn 40-80 ha. Quy hoạch mở rộng 2 cụm công nghiệp với tổng diện tích 114,84ha và quy hoạch 7 khu làng nghề theo hướng tập trung.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trường Giang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trường Giang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Về phát triển nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao theo chuỗi liên kết với các sản phẩm chủ lực của huyện. Phát triển lúa chất lượng cao quy mô 500 ha tại các xã vùng đồng bằng; Cây công nghiệp ngắn ngày ứng dụng công nghệ cao quy mô 800ha tại các xã vùng bán sơn địa và vùng bãi bồi; Cây dược liệu tại vùng Giang Sơn, Mỹ Sơn với quy mô 150 - 200 ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu huyện Đô Lương phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện quy hoạch, trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, cho ý kiến. Cũng tại phiên họp, UBND tỉnh cũng đã thông qua Quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương.

Tin mới